Tại hội nghị giao ban công tác quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 4 và quý II năm 2025 Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) chiều 13/4, một trong các vấn đề nổi bật được lãnh đạo Bộ quan tâm là công tác xây dựng, điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) để thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-MT), phát biểu tại hội nghị giao ban công tác quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 4 và quý II năm 2025. Ảnh: Khương Trung.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-MT), cho biết, đây được xem là một bước đi quan trọng để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở các địa phương, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nhiệm vụ quản lý Nhà nước đang được phân cấp mạnh mẽ.
Trong quá trình rà soát chuyển đổi mô hình quản lý chính quyền địa phương hai cấp, nổi bật một số vấn đề cần chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ.
“Cụ thể, có nhiều cơ sở cấp huyện như trạm kiểm lâm, khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật, thú y, chăn nuôi… đều thuộc Chi cục chuyên môn ở các tỉnh. Do đó, chúng tôi kiến nghị lãnh đạo Bộ xem xét gộp các trạm nhỏ lẻ, xem xét thành lập các trung tâm dịch vụ kỹ thuật NN-MT ở địa phương”, ông Hùng nói.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, trọng tâm trong thời gian tới là rà soát, hoàn thiện thể chế và cơ cấu tổ chức bộ máy. Cụ thể, các cơ quan chức năng sẽ đề xuất xử lý những bất cập trong các văn bản QPPL hiện hành, đồng thời xem xét, điều chỉnh mô hình tổ chức các cơ quan chuyên môn ở cấp tỉnh và cấp xã sao cho phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Mốc thời gian hoàn thành được ấn định trước ngày 30/6/2025, nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện các cải cách về thể chế. Song song với đó, các đơn vị chuyên môn đang tập trung xây dựng và trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành 3 văn bản QPPL có liên quan trực tiếp đến tổ chức bộ máy.

Việc thành lập các trung tâm dịch vụ tại địa phương sẽ tích hợp các hệ thống kỹ thuật nông nghiệp - môi trường. Ảnh: Hoàng Anh.
Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp - môi trường, văn bản thứ nhất liên quan đến lĩnh vực đất đai, có thể được tích hợp vào nội dung sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương nếu được Chính phủ đồng thuận, hoặc sẽ được ban hành dưới dạng một nghị định riêng do Cục Quản lý đất đai chủ trì soạn thảo.
Văn bản thứ hai là Nghị định quy định chi tiết công tác quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực còn lại, do Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện.
Văn bản thứ ba là nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, trong đó có nội dung tích hợp sửa đổi Nghị định 45, cũng do Vụ Pháp chế chịu trách nhiệm chính.
Ngoài ra, Vụ Pháp chế đang chủ trì phối hợp xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến các lĩnh vực quản lý của ngành. Dự án này sẽ được hoàn thiện để đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 vào tháng 10/2025, với mục tiêu đảm bảo luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Đây là bước chuẩn bị quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho các hoạt động quản lý, điều hành trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường trong thời gian tới.
Trong quý I/2025, Bộ NN-MT đã trình và được Chính phủ ban hành 3 Nghị định:
- Nghị định số 11/2025/NĐ-CP ngày 15/01/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Địa chất và khoáng sản về khai thác khoáng sản nhóm IV;
- Nghị định số 75/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 171/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất;
- Nghị định số 76/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 quy định chi tiết Nghị quyết số 170/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.