Cụ thể, theo Điều 40 Bộ luật Hình sự (sửa đổi), tử hình là hình phạt đặc biệt, chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
Theo Khoản 2 Điều 40 dự thảo, hoãn thi hành án tử hình trong thời hạn 2 năm đối với người bị kết án thuộc một trong các trường hợp sau: Đã tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho bị hại; Đã tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm.

Ảnh minh họa.
Theo Khoản 3 Điều 40 dự thảo, ngoài trường hợp người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người đủ 75 tuổi trở lên không bị thi hành án tử hình, Khoản 3 Điều 40 Dự thảo đã bổ sung 2 trường hợp người bị kết án không bị thi hành án tử hình gồm: Người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối; Người nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS, đang có nhiễm trùng cơ hội, tiên lượng xấu.
Các trường hợp trên hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân hoặc tù chung thân không xét giảm án.
Đặc biệt, Khoản 1 Điều 40 dự thảo đã bỏ áp dụng án tử hình đối với với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc nhóm tội "tham nhũng" so với quy định hiện hành. Đồng thời, đề xuất bỏ hình phạt tử hình thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với tội tham ô tài sản tại Điều 353 và tội nhận hối lộ tại Điều 354 - Bộ luật Hình sự (sửa đổi)
Theo Điều 39a Bộ luật Hình sự (sửa đổi), tù chung thân không xét giảm án là hình phạt tù không thời hạn và không được xem xét giảm hình phạt đã tuyên, trừ trường hợp đại xá, ân giảm hoặc Luật Đặc xá có quy định khác, được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.