Tại phiên thảo luận ngày 10/5 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đề xuất bãi bỏ quy định về công bố hợp quy trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, với kỳ vọng gỡ bỏ rào cản không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng.
Phát biểu tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, các đại biểu tập trung góp ý vào những nội dung còn ý kiến khác nhau, nổi bật là đề xuất bỏ quy định công bố hợp quy; trách nhiệm pháp lý trong trường hợp công bố sai lệch; cơ chế vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn - chất lượng; và vấn đề phân cấp quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn từ trung ương đến địa phương.
Trình bày ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) thẳng thắn cho rằng, việc duy trì quy định công bố hợp quy đang khiến Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia - nếu không muốn nói là duy nhất - còn áp dụng quy định này. Trong khi đó, Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) của WTO và pháp luật của các đối tác thương mại lớn hoàn toàn không đặt ra yêu cầu tương tự.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang). Ảnh: Phạm Thắng.
Theo đại biểu, việc áp dụng quy định công bố hợp quy không chỉ đi ngược lại với thông lệ quốc tế mà còn có thể bị xem là hàng rào phi thuế quan không cần thiết. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp phải tốn kém đáng kể cho chi phí kiểm nghiệm mẫu, mất thời gian chờ đợi đăng ký, tiếp nhận hồ sơ, gây lãng phí nguồn lực, tăng chi phí sản xuất và làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
"Việc bãi bỏ quy định công bố hợp quy là bước đi đúng đắn, không chỉ để hội nhập mà còn để giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ", bà Kim Bé nhấn mạnh, đồng thời khẳng định đề xuất này phù hợp với tinh thần cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh như Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: Phạm Thắng.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đánh giá cao việc dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc: mỗi sản phẩm, dịch vụ, quá trình hoặc môi trường chỉ chịu sự điều chỉnh bởi một quy chuẩn kỹ thuật thống nhất trên toàn quốc. Bà cho rằng, đây là một nguyên tắc quan trọng nhằm tránh tình trạng chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp và cho cả cơ quan quản lý.
Ngoài ra, bà Nga đề nghị bổ sung quy định cụ thể tại Điều 48 về trường hợp loại trừ không phải công bố hợp quy, đối với các sản phẩm đã đáp ứng yêu cầu quản lý theo luật chuyên ngành. “Việc này sẽ giúp giảm thiểu tình trạng thực hiện đồng thời hai thủ tục, từ đó tiết kiệm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp,” đại biểu phân tích.
Góp ý về Điều 41, liên quan đến trách nhiệm khi công bố sai lệch hợp chuẩn, hợp quy, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, dự thảo Luật chưa quy định rõ trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi gian dối. Theo ông, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, thiếu chế tài sẽ tạo ra lỗ hổng lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín hàng hóa Việt.

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh). Ảnh: Phạm Thắng.
Từ đó, đại biểu kiến nghị bổ sung quy định cụ thể yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý công bố sai lệch phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại nếu gây hậu quả. Đồng thời, cần quy định cơ chế thanh tra, hậu kiểm định kỳ hoặc đột xuất đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp, kể cả các tổ chức ngoài Nhà nước. Bộ Khoa học và Công nghệ cần có hướng dẫn chi tiết về mức xử phạt hành vi vi phạm, từ hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp nghiêm trọng.
Trước các ý kiến đề xuất bãi bỏ quy định công bố hợp quy, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng khẳng định: quy chuẩn hợp quy vẫn là công cụ quan trọng để quản lý chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Vấn đề là phải xác định mức độ và phương thức quản lý sao cho hợp lý.
"Chúng ta cần xây dựng một cơ chế quản lý vừa đảm bảo kiểm soát được chất lượng hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường, vừa giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Quản lý chất lượng không thể buông lỏng, nhưng cũng không được trở thành gánh nặng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan. Ảnh: Phạm Thắng.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan ghi nhận tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu, đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các đơn vị liên quan tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến, để trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Luật theo đúng chương trình.