| Hotline: 0983.970.780

Đại Học Y Thái Nguyên: Dựng đề tài nghiên cứu khoa học để bòn rút ngân sách?

Thứ Tư 27/03/2019 , 14:48 (GMT+7)

Đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu nhưng có thông tin cho rằng việc nghiên cứu là không có thật và đề tài cũng chỉ được dựng lên để rút tiền ngân sách(?).

Điều bất thường của một đề tài nghiên cứu khoa học

Đề tài nghiên cứu khoa học mà PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên thực hiện từ năm 2015 – 2016 có tên: “Nghiên cứu giải pháp can thiệp nhằm giảm nguy cơ sinh con mắc bệnh Thalassemia( thiếu máu, tan máu bẩm sinh) ở phụ nữ người dân tộc tại khu vực miền núi phía Bắc”.

Đây là một đề tài có tính ứng dụng cao, phạm vi ảnh hưởng lớn đối với xã hội nên được các cơ quan quản lý nhà nước chi tiền ngân sách để phục vụ yêu cầu nghiên cứu.

Trong nhiều năm qua, Trường ĐH Y Thái Nguyên là trung tâm của nhiều vụ việc tai tiếng

Nói về tính chất quan trọng của đề tài, Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược – Đại học Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Đề tài này là đề tài cấp bộ quản lý, đòi hỏi chất lượng cao nghiên cứu về bệnh Thalassemia. Nếu kết quả không chính xác, ứng dụng thực tế sẽ ảnh hưởng đến trẻ em, tương lai đất nước”. 

Được biết, bệnh Thalassemia còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh này tác động nghiêm trọng đến di truyền. Nếu kết quả nghiên cứu khoa học không trung thực mà được ứng dụng trong khám, chữa bệnh sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và đến thế hệ trẻ em tương lai được sinh ra.

Theo báo cáo đề tài khoa học của Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên, các xét nghiệm của đề tài nghiên cứu phải được thực hiện trên bệnh nhân. Đề tài nghiên cứu chỉ thực hiện nghiên cứu và xét nghiệm được khi có đầy đủ và đúng theo số lượng, khối lượng, chủng loại hóa chất theo nội dung thuyết minh đề tài đã được Hội đồng Khoa học cấp Bộ phê duyệt.

Cũng từ những yêu cầu nêu trên, hóa chất dùng để thực hiện xét nghiệm phải là hóa chất “đóng”, hóa chất đặc thù chỉ duy nhất do hãng sản xuất máy phân phối, không sử dụng được hóa chất của hãng khác trên thị trường do không tương thích. Các hóa chất phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và nơi bán phải có trách nhiệm đến cuối cùng.

Hóa đơn hơn 90 triệu đồng mua hóa chất phục vụ nghiên cứu khoa học lại được xuất ra bởi một công ty "ma"

Yêu cầu về hóa chất thì rất rõ ràng. Mặt khác, các nhà phân phối chính hãng các hóa chất phục vụ cho yêu cầu nghiên cứu đề tài của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng ở khu vực Miền Bắc phần lớn đóng trên địa bàn Hà Nội, khi xuất hàng Công ty phải có đầy đủ chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ…). Nhưng thực tế trên hợp đồng và hóa đơn mua bán loại hóa chất “đóng” phục vụ cho việc nghiên cứu lại đều diễn ra tại 02 cửa hàng ở Thành phố Thái Bình, đây là điều làm cho dư luận nghi ngờ và phản ánh thông tin tới báo chí.

Những địa chỉ ma

Nguồn gốc xuất hóa đơn bán hóa chất cho Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên để thực hiện đề tài khoa học là Cửa hàng Thiết bị y tế Anh Sơn có địa chỉ: 403 Lý Bôn thành phố Thái Bình và Cửa hàng Thiết bị y tế Kim Ngân, địa chỉ 537/13/03 Lý Thái Tổ, thành phố Thái Bình. Mặc dù trên hóa đơn là địa chỉ khác nhau, nhưng cả hai cửa hàng đều có chung một số điện thoại để giao dịch.

Tìm đến tận nơi, chúng tôi phát hiện thấy chỉ có Cửa hàng Trang thiết bị y tế Anh Sơn, với chủ cửa hàng là bà Nguyễn Thị Hến là có thật. Còn Cửa hàng Thiết bị y tế Kim Ngân, chủ cửa hàng mang tên Đoàn Thị Dung là… “ảo”.

Như vậy có 2/5 hồ sơ, hợp đồng cung cấp hóa chất cho hoạt động nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng với giá trị gần 150 triệu đồng do bà Đoàn Thị Dung ký hợp đồng với ông Dũng là Chủ nhiệm đề tài là không có thực. Đây thực chất là những hợp đồng ký khống.

Tại cửa hàng Trang thiết bị y tế Anh Sơn, chủ cửa hàng là bà Nguyễn Thị Hến cho biết: Nguồn hàng nhập về cho cửa hàng là do Công ty TNHH Thiết bị Y tế Anh Phát có địa chỉ tại 5C/92, đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy, Hà Nội cung cấp. Tuy nhiên Cửa hàng lại không cung cấp được hóa đơn để minh chứng nguồn cung cấp hàng hóa đầu vào, không minh chứng được nguồn gốc, xuất xứ, không có CO, CQ của hóa chất là loại dùng để nghiên cứu, xét nghiệm cho trên con người.

Tìm hiểu và về Công ty TNHH Thiết bị Anh Phát, chúng tôi được biết, Công ty TNHH Thiết bị Anh Phát có trụ sở: Số 5C ngõ 92 đường Nguyễn Khánh Toàn, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội, đại diện là ông Lưu Đức Anh. Còn trụ sở chính của công ty ở địa chỉ: Số 3, tổ 9, khu 4, phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, đại diện là ông Phạm Đỗ Mạnh. Lĩnh vực kinh doanh của hai địa điểm trên là: Bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác. Như vậy trong lĩnh vực kinh doanh của Công ty này không hề có hóa chất y tế, nhưng lại có báo giá cạnh tranh trong hồ sơ mua bán của ông Dũng.

Chúng tôi tìm đến Văn phòng đại diện của Công ty TNHH Thiết bị Y tế Anh Phát theo địa chỉ số nhà 5C/92 Nguyễn Khánh Toàn thì tại đây chỉ có hai số nhà là 5A và 5B, chứ không hề có số 5C.

Hỏi người nhân viên ở số nhà 5A, anh cho biết: “Tôi làm ở đây năm nay là năm thứ 4 rồi. Trước đó thì tôi không biết, còn đây là trung tâm Anh ngữ”. Còn tại số nhà 5B, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời: “Tôi nhớ là từ năm 2015 đến nay chỉ có công ty tôi thuê ở đây, không có công ty nào có tên là Anh Phát cả”.

Tìm tới trụ sở chính của Công ty TNHH Thiết bị y tế Anh Phát ở số 3, tổ 9, khu 4, phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có hai căn nhà cùng là số 3, tổ 9, khu 4, phường Giếng Đáy. Chính quyền và người dân ở đây đều không hề thấy công ty nào có tên Anh Phát hoạt động tại địa chỉ vừa nêu. Hiện công ty này chỉ được biết trên mạng internet và nếu theo như đăng ký kinh doanh, công ty này cũng không có danh mục buôn bán hóa chất y tế.

Địa chỉ công ty Anh Phát tại phường Giếng Đáy, TP Hạ Long là địa chỉ đăng ký ảo

Với các bằng chứng trên cho thấy, các cửa hàng cung cấp hóa chất cho đề tài nghiên cứu khoa học của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đều là “ảo”, trong khi các Hợp đồng mua bán của ông Dũng với hai cửa hàng “ảo” nêu trên đều được Nhà trường thanh toán bằng Ủy nhiệm chi chuyển tiền qua Kho bạc Nhà nước vào tháng 12/2016. Vậy có vị chủ nhiệm đề tài B2015-TN04-01 lấy đâu ra hóa chất để nghiên cứu khoa học?

Để làm rõ sự việc, ngày 22/3/2019, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên. Trước các chứng cứ rõ ràng nêu trên, chúng tôi nêu ra 3 câu hỏi với PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: 1/Các hóa đơn thanh toán mua hóa chất để nghiên cứu đề tài B2015-TN04-01 có chính xác là phải là hóa đơn thanh mua hóa chất phục vụ nghiên cứu không? 2/ Có thật sự ông đã nghiên cứu đề án B2015-TN04-01 không? 3/Đề tài B2015-TN04-01 đã được sử dụng, ứng dụng vào thực tiễn chưa? Hay chỉ nằm trên giấy?

Không trả lời thẳng vào câu hỏi, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, việc nghiên cứu đã diễn ra từ nhiều năm trước, đã được nghiệm thu, nên không thể ngay một lúc nhớ và trả lời được, đề nghị cho trả lời bằng văn bản, sau 20 ngày nữa(?).

Xin khẳng định rằng, dù có thêm bao nhiêu ngày nữa, ông PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng chẳng thể thay đổi được hồ sơ đã thực hiện cách đây 4 năm nhằm moi tiền ngân sách và cung cấp cho xã hội đề tài “khoa học ma” mà các ông đã vẽ ra.

Điều mà dư luận quan tâm là liệu còn bao nhiêu đề tài “khoa học ma” như cách làm của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đã được trót lọt? Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ. Bởi không làm nghiêm vấn đề này sẽ ảnh hướng lớn đến xã hội nói chung, ngành Y nói riêng và đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp trong nghiên cứu.

Xem thêm
HĐND TP. Hà Nội ban hành nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

HĐND TP. Hà Nội đã ban hành nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố, tại kỳ họp thứ 22, HĐND Thành phố.

Rừng Cần Giờ - Nửa thế kỷ hồi sinh

Ngồi trên chiếc ca nô của lực lượng kiểm lâm, lướt trên sông Lòng Tàu mềm như dải lụa, len lỏi giữa những cánh rừng ngập mặn, tôi thầm thốt lên: 'Đúng là kỳ tích'.