Anh Đỗ Minh Trường, Phó Chủ tịch xã Dị Nậu (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) tự hào kể với tôi rằng quê mình có 3 cây trôi cổ thụ trong đó có 2 cây khổng lồ, 1 ở đình thôn Bến, 1 ở góc đình thôn Dị. Sức sống của chúng rất bền bỉ, tuổi đời lâu rồi mà vẫn xanh tươi: “Lúc tôi sinh ra đã thấy cây trôi to lớn như vậy. Những năm 2000 mọi người vẫn trèo lên hái lộc vào dịp giao thừa nhưng giờ cấm rồi. Mùa quả vào giữa xuân và hè, kích cỡ nhỏ thôi, ăn chua nhưng thơm. Nay chắc nó đã già quá rồi nên quả ra rất ít. Tuy cây trôi chưa được công nhận là cây di sản nhưng chúng tôi sẽ có ý kiến về vấn đề này trong thời gian tới…”.
Cũng theo anh Trường quá trình xây dựng nông thôn mới của xã có một số điểm nhấn, khác biệt với nhiều nơi. Thứ nhất là trong khi các vùng quê khác ít ao hồ vì đã san lấp làm nhà, làm công trình hết nhưng Dị Nậu vẫn còn nhiều ao, vừa rồi có 9 cái ao được đưa vào cải tạo, nạo vét, kè xung quanh để tạo cảnh quan xanh, ngoài ra còn trồng thêm cây mới và bảo vệ cổ thụ rất tốt.

Không gian ao hồ và cây xanh ở Dị Nậu. Ảnh: NNVN.
Thứ hai là về văn hóa, xã có 2 thôn cổ là làng Dị và làng Bến với dân số hơn 8.000 người. Di tích lịch sử có 2 đình đều được xếp hạng quốc gia, 2 nhà thờ, cả bên lương và giáo dân tình đều đoàn kết. Ban quản lý di tích, thôn có Ban chấp hành đình, tất cả những gì nằm trong khuôn viên đình đều được bảo vệ nghiêm ngặt.
Thứ ba là cơ sở hạ tầng giao thông 100% được cứng hóa, điện, trạm y tế chuẩn, tất cả các trường đều đạt chuẩn quốc gia giai đoạn một, tới đây trường cấp hai đầu tư thêm nhà đa năng để đạt chuẩn giai đoạn hai. Thứ tư là tình hình an ninh chính trị ổn định trong nhiều năm.

Cây trôi khổng lồ của thôn Bến. Ảnh: NNVN.
Về cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chỉ còn 5%, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp 71%, thương mại dịch vụ 24%. Tuy thấp nhưng nông nghiệp vẫn là nòng cốt không thể bỏ được, hàng năm huyện vẫn chỉ đạo xã, giao chỉ tiêu về diện tích, cơ cấu giống, xã chỉ đạo HTX và bà con thực hiện. HTX hoạt động cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nông dân với 6 khâu dịch vụ như bảo vệ đồng, làm đất, điện, thủy lợi...
Sau khi chuyển đổi theo luật mới, HTX được tổ chức khoa học hơn, chất lượng dịch vụ tốt hơn, chế độ chính sách cho cán bộ cũng được nâng lên phần nào. Diện tích đất nông nghiệp của Dị Nậu còn khoảng 200 ha, chủ yếu là sản xuất lúa cùng hoa màu. Phần do phát triển làng nghề, phần do giá trị của nghề nông thấp nên trong xã vẫn có hiện tượng bỏ ruộng, diện tích bỏ vào khoảng 20 ha, nhất là ở khu vực khó khăn về nước, xa đường giao thông. Định hướng tới đây sẽ cho phép chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả hoặc rau màu để khắc phục tình trạng này.

Cây trôi khổng lồ của thôn Dị. Ảnh: NNVN.
Hai nghề chính mộc và nề đã thu hút hàng ngàn lao động từ 18-60 tuổi của xã, với 8 sản phẩm đạt OCOP như bàn ghế, tranh, tủ, án gian, câu đối…Theo kế hoạch cuối năm nay Dị Nậu sẽ hoàn thành nông thôn mới nâng cao, khó nhất là tiêu chí về môi trường, phải có nhiều mô hình vệ sinh, cần sự vào cuộc của người dân như tổng vệ sinh ngõ xóm vào thứ bảy, chủ nhật. Xã đã triển khai các thôn thực hiện nhưng việc duy trì tương đối khó.
Trên 500 hộ sản xuất mộc trong làng, tận dụng nhà làm xưởng, diện tích chật hẹp, nhiều công đoạn như chà, làm nhẵn, phun sơn, dù đã hướng dẫn phải che chắn nhưng vẫn chưa đáp ứng được, chưa có thiết bị hút bụi hay phòng kín nên vẫn gây ô nhiễm môi trường. Việc cân bằng giữa yếu tố kinh tế và môi trường là khá khó khăn nên giải pháp căn cơ nhất vẫn là đầu tư khu công nghiệp làng nghề Dị Nậu. Hiện nó đang được triển khai, dự kiến khi hoàn thành sẽ di dời các hộ sản xuất mộc trong làng vào để xử lý tận gốc vấn đề môi trường.
* Trang thông tin có sự phối hợp Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội