
Theo Bộ Nội vụ, việc lược bỏ các quy định về ngạch công chức để phù hợp với mô hình quản lý công chức theo vị trí việc làm. Ảnh: Chinhphu.vn.
Bộ Nội vụ đã hoàn thiện và gửi xin ý kiến về dự thảo Tờ trình, dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Dự luật dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới đây.
Theo dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi mới nhất, từ Điều 42 tới Điều 46, Bộ Nội vụ bỏ hoàn toàn các quy định về ngạch công chức, thay vào đó, dự thảo đưa vào nội dung mới là "bố trí công chức theo vị trí việc làm".
Bộ Nội vụ cho biết các nội dung từ Điều 42 đến Điều 46 được lược bỏ để phù hợp với mô hình quản lý công chức theo vị trí việc làm.
Cụ thể, hệ thống vị trí việc làm của công chức được xếp theo thứ bậc; thể hiện mức độ khác nhau về tính chất công việc; yêu cầu về khung năng lực tương ứng. Trên cơ sở đó, các cơ quan tuyển dụng, đánh giá, sử dụng, quản lý công chức và trả lương theo nguyên tắc làm ở vị trí việc làm nào hưởng mức lương tương ứng của vị trí việc làm đó.
Việc xác định thứ bậc của vị trí việc làm căn cứ vào tiêu chuẩn chức vụ, chức danh, bản mô tả công việc và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Khi công chức thay đổi vị trí việc làm thì được hưởng tiền lương và các chế độ liên quan theo vị trí việc làm mới. Nội dung cụ thể sẽ giao Chính phủ quy định.
Vị trí việc làm bao gồm vị trí việc làm cán bộ và vị trí việc làm công chức. Vị trí việc làm của công chức gồm: Lãnh đạo, quản lý; chuyên môn, nghiệp vụ; hỗ trợ, phục vụ. Đối với vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ, cơ quan quản lý công chức có thể ký kết hợp đồng lao động để thực hiện.
Hệ thống vị trí việc làm của công chức được xếp theo thứ bậc căn cứ vào tiêu chuẩn chức vụ, chức danh, bản mô tả công việc và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong hệ thống của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã.

Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi được dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 tới đây. Ảnh: quangngai.gov.vn.
Việc bố trí công chức khi thay đổi vị trí việc làm cũng được quy định ở Điều 31 của dự thảo Luật sửa đổi. Theo đó, việc thay đổi vị trí việc làm của công chức sang vị trí việc làm mới ở thứ bậc cao hơn phải thực hiện thông qua hình thức thi hoặc xét, do cơ quan quản lý công chức quyết định. Hiện nay được thực hiện theo hình thức thi nâng ngạch công chức như thi nâng ngạch chuyên viên lên chuyên viên chính, chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp.
Việc thay đổi vị trí việc làm của công chức sang vị trí việc làm mới tương đương hoặc ở thứ bậc thấp hơn do cơ quan quản lý công chức quyết định, hoặc cơ quan sử dụng công chức quyết định theo phân cấp.
Khi công chức thay đổi vị trí việc làm thì được hưởng tiền lương và các chế độ liên quan theo vị trí việc làm mới. Các nội dung cụ thể sẽ giao Chính phủ quy định.
Điều 19 của dự thảo Luật sửa đổi cũng quy định: Cơ quan quản lý công chức có thể ký kết hợp đồng lao động đối với những người có tài năng, chuyên gia, nhà khoa học để thực hiện một số công việc chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Hiện nay, thực hiện Luật Cán bộ, công chức hiện hành, 100% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm, tuy nhiên còn gắn với cơ cấu ngạch công chức và bảng lương hiện hành.
Vì vậy, trong thời gian chưa thiết kế bảng lương mới theo vị trí việc làm, việc thực hiện từng bước chuyển đổi sang cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm vẫn áp dụng các ngạch lương hiện hành, nên không tạo ra sự xáo trộn lớn.
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), các bộ, ngành, địa phương sẽ hoàn thiện lại Đề án vị trí việc làm cho phù hợp để chuyển dần sang cơ chế quản lý mới theo lộ trình.