Sáng 16/7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, chủ trì cuộc làm việc.

Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Ảnh: Long Anh.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Lê Quang Huy cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công tác bảo vệ môi trường luôn được quan tâm và đã đạt nhiều kết quả tích cực từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại, hạn chế, đặc biệt trong thực thi pháp luật tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, cần tiếp tục giải quyết hiệu quả hơn.
Thực hiện Nghị quyết số 131/2024/QH15 và kế hoạch giám sát, Đoàn đã làm việc với EVN và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam để nghe báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật môi trường, cùng các kiến nghị cụ thể. Hai Tập đoàn tập trung làm rõ 7 nhóm vấn đề mà Đoàn giám sát đã yêu cầu bổ sung, như: quản lý khí thải, nước thải công nghiệp; tình trạng tồn đọng tro xỉ, chất thải gyps/thạch cao; biện pháp xử lý thời gian tới; các kiến nghị sửa đổi luật, nghị định, thông tư và giải quyết các kiến nghị cử tri về môi trường tại các trung tâm điện lực và bãi thải gyps.
Riêng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam được yêu cầu báo cáo thêm về thực hiện các chủ trương chuyển đổi xanh, số hóa, mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050 và việc kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến về ưu đãi thuế với xử lý chất thải thạch cao PG, kiến nghị điều chỉnh thuế nhập khẩu và VAT cho thạch cao.
Xác định nhận thức rõ ràng bảo vệ môi trường là yếu tố sống còn cho sự phát triển
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan ghi nhận những nỗ lực đáng kể và kết quả tích cực của EVN trong việc bảo vệ môi trường gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của mình, đã đầu tư công nghệ kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải và đang chuyển dịch sang nguồn năng lượng sạch. Điều này thể hiện cam kết của EVN đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững chung của đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh, xác định nhận thức rõ ràng bảo vệ môi trường là yếu tố sống còn cho sự phát triển. Ảnh: Long Anh.
Tuy nhiên, qua báo cáo của EVN và ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc. Đó là ngành điện vẫn đối mặt với những thách thức lớn từ công nghệ cũ, việc xử lý tro xỉ, quản lý phát thải khí nhà kính và đòi hỏi về nguồn lực đầu tư. Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng không tốt đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và tiềm ẩn rủi ro, gây cản trở cho sự phát triển bền vững của chính Tập đoàn.
Do đó, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị EVN phải quyết liệt hơn nữa, xác định nhận thức rõ ràng bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là yếu tố sống còn cho sự phát triển. Tập đoàn phải cố gắng để biến quyết tâm đó thành các hành động cụ thể, đó là:
Thứ nhất, chủ động rà soát, hoàn thiện hệ thống quản lý môi trường nội bộ, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn, đây là nền tảng pháp lý vững chắc để Tập đoàn hoạt động an toàn và minh bạch. Bên cạnh đó, từ thực tiễn hoạt động của mình, đề nghị Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường trong thời gian tới.
Thứ hai, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng xanh và đầu tư công nghệ tiên tiến. Tập đoàn cần có lộ trình rõ ràng để tối ưu hóa hiệu suất, giảm phát thải tại các nhà máy hiện có và ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Đặc biệt, phải quan tâm xử lý và tái sử dụng tro xỉ, biến chất thải thành tài nguyên, thể hiện tư duy kinh tế tuần hoàn.
Thứ ba, cần nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Mọi sự cố, dù nhỏ nhất, đều có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Tập đoàn phải bảo đảm quy trình, trang thiết bị và nhân lực sẵn sàng, chuyên nghiệp để ứng phó kịp thời. Đồng thời, cần tăng cường minh bạch thông tin về bảo vệ môi trường và chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng, qua đó xây dựng niềm tin, giảm thiểu xung đột và tạo thuận lợi cho sự phát triển của Tập đoàn.
Trong thời gian tới, EVN cần tiếp tục phát huy vai trò trụ cột trong việc bảo đảm an ninh năng lượng mà còn phải là biểu tượng của một doanh nghiệp tiên phong, trách nhiệm với môi trường và xã hội trong lĩnh vực năng lượng.
Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch hơn, an toàn hơn
Đối với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị, Tập đoàn cần nghiêm túc, chủ động tuân thủ mọi quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Luật Hóa chất năm 2025, đặc biệt là các quy định về quản lý hóa chất, chất thải nguy hại và giấy phép môi trường vừa là trách nhiệm về pháp lý, vừa là yêu cầu bắt buộc để Tập đoàn phát triển một cách bền vững.
Bên cạnh đó, từ thực tiễn hoạt động của mình, đề nghị Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Lê Quang Huy đề nghị hai Tập đoàn tập trung làm rõ 7 nhóm vấn đề mà Đoàn giám sát đã yêu cầu bổ sung. Ảnh: Long Anh.
Mặt khác, Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch hơn, an toàn hơn, theo đó Tập đoàn cần có lộ trình cụ thể để cải tiến, loại bỏ dần công nghệ lạc hậu, thay thế bằng các giải pháp hiệu quả năng lượng, giảm phát thải và thân thiện môi trường, với mục tiêu là sản xuất ít chất thải hơn, chứ không chỉ xử lý chất thải tốt hơn.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Tập đoàn cần nâng cao toàn diện năng lực phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.
Với đặc thù của lĩnh vực hóa chất, mọi sự cố đều có thể gây thảm họa. Do vậy, Tập đoàn phải bảo đảm hệ thống cảnh báo, phương án ứng phó, trang thiết bị và đội ngũ nhân lực sẵn sàng để kiểm soát mọi rủi ro.
Bên cạnh đó, đề nghị quan tâm, tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức và xây dựng văn hóa an toàn, bảo vệ môi trường trong toàn Tập đoàn, trong đó nhấn mạnh con người là yếu tố then chốt. Đồng thời, Tập đoàn cần tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương để giải quyết hiệu quả các vấn đề môi trường.