- Vâng, cô cho cháu hai ngàn cơm, ba ngàn thịt rim.
- Cháu mua năm ngàn đi. Ba ngàn, cô không biết bán thế nào. Thịt ba chỉ bây giờ đã bốn bẩy ngàn một ký rồi…
- Vâng, hai ngàn cơm, năm ngàn thịt, với một ngàn đậu, năm trăm rau nữa cô nhá…
- Giời đất này, chẳng biết rồi cô phải đóng cửa quán lúc nào nữa. Tháng trước thuê cửa hàng hai triệu, giờ đã hai triệu rưỡi rồi…
Đó là những câu “phổ thông” nhất mà tôi được nghe từ những quán cơm bụi có đông sinh viên, học sinh và công nhân đến ăn nhất. Bà hàng cơm xúc vào đĩa ba muôi cơm, ba miếng thịt ba chỉ rim cháy cạnh, hai gắp rau và ba miếng đậu phụ kho. Đón đĩa cơm, nét mặt cô sinh viên trường đại học kinh tế quốc dân nặng trĩu :
- Hồi tháng tám, cháu chỉ mua một nghìn cơm là ăn no. Giờ hai nghìn không được bằng. Suất cơm tám nghìn rưỡi bây giờ không bằng suất cơm năm ngàn hồi ấy. Vào năm học mới, bố mẹ cháu cho cháu bốn trăm ngàn tiền ăn mỗi tháng. Sáng hai ngàn xôi hay bánh mỳ batê. Trưa, tối mỗi bữa năm ngàn là ăn no, hết ba trăm sáu mươi ngàn. Còn bốn chục ngàn thì dùng mua xà phòng, thuốc đánh răng hay những thứ lặt vặt của phụ nữ. Bây giờ suất xôi sáng bèo nhất cũng sáu ngàn. Trưa tối mỗi suất mười ngàn mới no, mỗi tháng ngót tám trăm. Nhưng cháu chỉ dám ăn mười bẩy ngàn hai bữa chính. Ba ngàn cái bánh mỳ ngọt buổi sáng thôi, còn thì phải tiết kiệm để dùng cho việc khác. Con gái, nhiều thứ lặt vặt lắm chú ạ. Nói chú tha lỗi, đến cái băng vệ sinh bây giờ giá cũng gấp rưỡi rồi…
Nghe cô tâm sự, chợt nghĩ đến hôm ở quê có việc, ông anh sai tôi đi chợ mua sáu cân đậu cô ve về xào lòng gà. Ra chợ, gặp ngay một người quen bán thứ đậu đó. Hỏi giá bao nhiêu, chị ta bảo ngàn rưỡi một cân.
- Cháu là vợ thằng Sông, vợ chồng mày có đứa con đang học đại học bách khoa phải không ?
- Vâng, cháu nó cũng vào chỗ ông ạ?
- Có. Thế mỗi tháng gửi cho nó mấy trăm tiền ăn ?
- Báo cáo với ông. Mỗi tháng nó xơi đúng tám trăm ngàn mà vẫn kêu đói. Cháu bảo nó. Cứ như cái thứ đậu này, thì mẹ phải bán hơn năm tạ mới được tám trăm ngàn. Một năm, con xơi của mẹ bẩy tấn đậu đấy. Một mẫu vụ đông vừa đậu vừa cà chua, xu hào…mỗi ngày bố mẹ phải gánh mỗi người đúng một trăm gánh nước, từ ba giờ chiều đến bẩy giờ tối mới tưới đủ, rồi ba giờ đêm đến sáu giờ lại vặt đậu, hái cà chua, nhổ xu hào để đi chợ. Nghe vậy, nó thừ mặt ra, một lúc nó bảo hay là con bỏ học về làm giúp bố mẹ. Cháu tức mình chửi cho một trận lút mặt…
Tôi không sao cười được trước cái phép tính của chị nhà quê, bề ngoài rất hài hước nhưng mà bên trong chứa đầy nỗi đắng cay. Trong cơn bão giá cả này, có thể nói những sinh viên, học sinh nhà quê lên thành phố theo học là những người chịu khổ đầu tiên và chịu khổ nhiều nhất. Đồng tiền bố mẹ cho có hạn, trong khi giá cả cứ vùn vụt chạy từng ngày. Đĩa cơm của họ ở quán cơm bụi cứ mỗi ngày một vơi đi trong khi tiền thì phải trả tăng lên. Cái quán cơm bụi chợ xanh Tân Mai, nổi tiếng bình dân ở một cái phố nổi tiếng bình dân này mỗi ngày hút hàng trăm sinh viên và công nhân vì giá rẻ (đa số tìm đến phố này thuê nhà cũng vì giá rẻ), đến bữa, bốn cô chạy bàn, hai chị rửa bát, ba chị đứng bán hàng vắt chân lên cổ không kịp…bây giờ cũng không thể giữ mãi giá bình dân được nữa. Quầy hàng vắng hẳn đi những món ngon như thịt nạc rim, chân giò luộc, lưỡi lợn luộc, thịt gà cá rán, chả nướng…vì chẳng mấy sinh viên hay công nhân có tiền mà ăn nổi nữa. Gọi một đĩa cơm như mọi người khác, tôi bê lại bàn, ngồi cạnh một anh chàng cao to “như Tây”. Trước mặt anh ta chỉ có một tô cơm vật, cỡ ba người như tôi mới ăn hết, một cái bát con đựng lưng lưng nước thịt và đĩa dưa bắp cải già. Chàng thanh niên tâm sự :
- Bố cháu mất rồi. Mẹ cháu nghèo lắm. Cháu đang học năm cuối nên không có thời gian đi làm thêm. Mà cháu thì lại ăn khoẻ mới khổ chứ. Tên cháu là Lê Như Quỳnh, nhưng bạn bè vẫn gọi là Lê Như Hổ, ý nói cháu ăn khoẻ như ông trạng nguyên Lê Như Hổ ngày trước ấy mà. Mỗi bữa chính cháu chỉ đủ tiền ăn năm ngàn cơm, một ngàn nước thịt, được ba muôi, với lại một ngàn dưa. Hôm nào không muốn ăn nước thịt với dưa thì một ngàn ba miếng đậu, một ngàn rau. Thế mà cũng đã bẩy ngàn rồi. Buổi sáng, trước đây cháu ăn ba ngàn xôi không, đói lắm. Bây giờ nghĩ ra cách là bữa tối ăn xong, mua thêm ba ngàn cơm không nữa, gói vào túi ni lông treo ở phòng trọ. Sáng ra, trộn tý bột canh vào, chắc dạ hơn nhiều. May mùa này lạnh, cơm không thiu. Cháu ăn thường xuyên ở quán này, nên bà chủ rất quý. Nhiều hôm, bà cho thêm một tảng cháy to tướng. Thế là bớt được ba ngàn cơm sáng…
Sinh viên, học sinh khổ vì cơn bão giá cả, tất nhiên là kéo theo nỗi khổ cho bố mẹ họ ở quê. Không phải ai cũng quy tiền ăn hàng tháng của con ra “đậu cô ve” như vợ chồng nhà Sông ở quê tôi, nhưng xét cho cùng thì họ còn có gì để mà quy ra nữa ngoài mấy tạ thóc trên sào rưỡi ruộng mỗi khẩu hay vài tạ cá dưới ao, con lợn, con gà trong chuồng? Giá cả càng cao, lưng họ càng còng xuống vì gánh nặng cho mấy đứa con ăn học. Làng tôi, đã có mấy bà mẹ “ theo con” rồi. Nghĩa là con lên Hà Nội ăn học thì mẹ cũng theo lên Hà Nội làm “ôsin” hay đi nhặt rác, đi buôn đầu chợ bán cuối chợ, đi bán sức ở những chợ người…lấy tiền cho con ăn học. Có lần về làng, tôi đến nhà Tư, thằng cháu họ, chơi. Vợ Tư “đi làm” trên Hà Nội. Nhà còn hắn với hai thằng con trai. Vắng bàn tay người đàn bà, nhà cửa rất bừa bộn. Tư bảo :
- Vợ cháu làm ôsin, cơm nước chủ nuôi, tháng năm trăm ngàn. Trước đây thì vừa đủ cho con cháu nó ăn hàng tháng. Bây giờ, mỗi tháng cháu phải gửi lên hai trăm nữa. Hàng đêm cháu phải vác lưới ra sông, nhặt nhạnh mỗi đêm dăm ba lạng cá. Được cái ông bà chủ trên ấy cũng tốt. Có tháng cháu chưa kịp gửi tiền lên, mà con cháu nó cần tiền, nhà cháu hỏi vay, ông bà chủ đều vui vẻ cho vay ngay. Nhiều hôm nhà có tiệc, thức ăn thừa mứa ra, ông chủ lại giục lấy một ít ra cho cháu nó bồi dưỡng. Bà chủ đã hứa từ đầu năm linh tám sẽ tăng lương cho một trăm một tháng nữa…
Không biết những sinh viên, sau mấy năm nữa cầm được tấm bằng kỹ sư rồi, trên bước đường đời, có khi nào họ nhớ đến những miếng thức ăn thừa gói trong túi ni lông do mẹ xin của nhà chủ, cuốc bộ hàng mấy cây số đem đến, những tiếng mái chèo đuổi cá trên mặt sông lạnh cắt da của người bố, hay là những đôi vai chín rạn đi dưới cái đòn gánh tre... không ?
suat xoi sang gio beo nhat cung da sau ngan.JPG06012008140950.JPG