KHUNG BẢN TIN TỐI |
HÌNH HIỆU CHƯƠNG TRÌNH |
#MC: Xin kính chào quý vị và các bạn, mời quý bị và các bạn theo dõi bản tin truyền hình nông nghiệp và môi trường ngày 14/6/2025. |
HỘI NGHỊ TẬP HUẤN TOÀN QUỐC VỀ HOẠT ĐỘNG CÁC ĐOÀN THỂ CHÍNH TRỊ Ở CẤP XÃ (MỚI) Thực hiện: VIẾT DŨNG – ĐOÀN PHÒNG #MC: Sáng nay (14/6), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị ở cấp xã (mới). Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, MTTQ và các đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố và cán bộ chủ chốt các cấp cả nước. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày (14 và 15/6/2025) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc, với gần 11.000 điểm cầu, có sự tham gia của 1,5 triệu đại biểu tham dự. HÌNH: Tại điểm cầu trụ sở Bộ Nông nghiệp và Môi trường có lãnh đạo Bộ cùng các cục, vụ, lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Văn phòng Đảng ủy và các Ban giúp việc của Đảng uỷ Bộ. Hội nghị nhằm bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền khi vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm thực hiện phương châm: "địa phương làm, địa phương quyết, địa phương chịu trách nhiệm". Kịp thời triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền. Đồng thời trang bị kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp xã (mới) sau sắp xếp về những vấn đề cơ bản vận hành của chính quyền địa phương 2 cấp và tiếp nhận thẩm quyền, phân định chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền từ trung ương xuống địa phương. Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, Các đại biểu sẽ được lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương truyền đạt 15 chuyên đề, trong đó phần lớn là các nội dung về phân cấp, phân quyền các lĩnh vực. |
PHÁT HUY VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG TẠI VÙNG KINH TẾ NÔNG NGHIỆP TRỌNG ĐIỂM Thực hiện: MINH SÁNG #MC: Thưa quý vị và các bạn! Đảng ủy các Cơ quan, Đơn vị phía Nam – Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2025–2030. Đồng chí Nguyễn Văn Trường, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Môi trường dự và chỉ đạo đại hội. HÌNH: Phát biểu khai mạc, đồng chí Lê Viết Bình - Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2020–2025 cho biết, trong nhiệm kỳ 2020–2025, Đảng bộ đã phát huy tinh thần đoàn kết, bản lĩnh chính trị, nỗ lực vượt khó, thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Bên cạnh đó, Đảng bộ cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác lãnh đạo, tham mưu quản lý nhà nước chuyên ngành đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Nam, nâng cao uy tín ngành Nông nghiệp và Môi trường. Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Văn Trường ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật của Đảng ủy các Cơ quan, Đơn vị phía Nam trong nhiệm kỳ qua. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là tại vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm. Đồng chí tin tưởng Ban Chấp hành mới sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gương mẫu về đạo đức, năng động, sáng tạo, lãnh đạo Đảng bộ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm kỳ 2025–2030. |
HOÀN THÀNH BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH CHI TIẾT 34 TỈNH, THÀNH Thực hiện: VIẾT DŨNG #MC: Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, đơn vị đã hoàn thành việc xây dựng Bản đồ hành chính trực tuyến cập nhật 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. HÌNH: Từ đầu năm 2025 đến nay, thực hiện Kết luận số 127 ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp các đơn vị hành chính theo chính quyền 2 cấp, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ phối hợp chuẩn bị tài liệu bản đồ phục vụ các cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ... Cục đã chủ động phối hợp với các đơn vị nhanh chóng xây dựng các phương án bản đồ hành chính mới, đảm bảo thể hiện chính xác và đầy đủ các đơn vị hành chính theo sắp xếp mới; tập trung cập nhật các biến động địa giới hành chính, chuẩn hóa hệ thống ký hiệu, mã hóa dữ liệu không gian theo tiêu chuẩn quốc gia, đảm bảo tính chính xác, thống nhất và tính pháp lý của từng tờ bản đồ. Đến nay, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã hoàn thành xây dựng, cung cấp Bản đồ hành chính Việt Nam tỷ lệ 1: 1.000.000 trực tuyến qua môi trường mạng và bản đồ số định dạng *.pdf nhằm phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ, công tác quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương và đáp ứng yêu cầu các tổ chức, cá nhân. |
GẠT BẢN TIN |
MC: Một số thông tin đáng chú ý khác sẽ tiếp nối bản tin tối nay ! |
QUY ĐỊNH MỚI VỀ PHÂN BỔ HẠN NGẠCH PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH CHO CƠ SỞ Thực hiện: VIẾT DŨNG Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 119 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06 ngày 7/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2025. Theo đó, liên quan đến các quy định về phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, Nghị định đã bổ sung phương pháp xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho cơ sở phát thải khí nhà kính được phân bổ hạn ngạch, bổ sung lộ trình phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính theo 3 giai đoạn: 2025- 2026, 2027- 2028, 2029- 2030. Các Bộ quản lý lĩnh vực có trách nhiệm tổng hợp, đề xuất danh mục cơ sở và lượng hạn ngạch được phân bổ hằng năm cho từng cơ sở gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Căn cứ tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý lĩnh vực liên quan phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở. |
GẠT CHÙM TIN |
HỌC TẬP MÔ HÌNH TRỒNG SẦU RIÊNG SỬ DỤNG VI SINH Thực hiện: VĂN VŨ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An vừa tổ chức chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ và ứng dụng vi sinh tại tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Đây là những địa phương đi đầu trong việc áp dụng quy trình canh tác bền vững, giảm sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần nâng cao chất lượng nông sản, đặc biệt là sầu riêng. Tại Đồng Nai, đoàn được giới thiệu mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh để cải tạo đất, kiểm soát sâu bệnh và thúc đẩy quá trình phân giải hữu cơ. Trong khi đó, tại Lâm Đồng, các mô hình kết hợp trồng xen, tưới tiết kiệm và bón phân hữu cơ mang lại hiệu quả rõ rệt về năng suất và chất lượng. Qua chuyến đi, Trung tâm Khuyến nông Long An kỳ vọng sẽ từng bước nhân rộng mô hình này tại địa phương, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước. |
GẠT CHÙM TIN |
VIỆT NAM LÀ QUỐC GIA XUẤT KHẨU CHÈ ĐỨNG THỨ 5 THẾ GIỚI Thực hiện: QUANG DŨNG Việt Nam đã trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới, xuất khẩu tới 74 quốc gia. Hiện, Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau, trong đó chè đen và chè xanh là 2 sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu. Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là phần lớn các sản phẩm nổi tiếng khi xuất khẩu ra nước ngoài đến tay người tiêu dùng lại không mang thương hiệu chè Việt Nam. Nguyên nhân là do phần lớn chè vẫn xuất khẩu thô, chưa có thương hiệu mạnh, trong khi hoạt động quảng bá cho chè Việt Nam cũng còn hạn chế. Để ngành chè Việt Nam thực sự bứt phá về chất lượng và sản lượng, cần có những giải pháp mang tính hệ thống về quản lý chất lượng./. |
GẠT BẢN TIN |
THAY ĐỔI TƯ DUY CANH TÁC Ở VÙNG CHÈ TRĂM TUỔI Thực hiện: QUANG LINH #MC: Thưa quý vị và các bạn! Từ chỗ lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để chạy theo năng suất, nhiều hộ trồng chè ở xã Tân Cương – Thành phố Thái Nguyên nay đã thay đổi nhận thức, chuyển sang canh tác an toàn, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc Bảo vệ thực vật sinh học. Sự chuyển mình này không chỉ để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn góp phần gìn giữ danh tiếng ‘đệ nhất danh trà’ của vùng chè trăm năm tuổi. Mời quý vị và bà con cùng đến với vùng chè Tân Cương qua phóng sự do Báo Nông nghiệp và Môi trường thực hiện. HÌNH: Hiện nay, toàn bộ khu vực canh tác của Hợp tác xã Tiến Yên đều được chăm sóc bằng phân bón hữu cơ ủ từ phân chuồng kết hợp với men vi sinh và các chế phẩm từ thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh tự nhiên. Nhờ đó, cây chè phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, đất luôn tơi xốp, giàu dinh dưỡng. Quy trình quản lý cỏ dại ở đây cũng không sử dụng thuốc BVTV hóa học. Công nhân nhổ cỏ thường xuyên. Khi phát sinh dịch hại, HTX không tự ý dùng thuốc hóa học mà chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP Thái Nguyên để có phương án xử lý an toàn, hiệu quả. Thực tế cho thấy, nếu tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn canh tác an toàn sinh học và kiên trì theo đuổi phương pháp này, từ vụ thứ ba trở đi, năng suất và sản lượng không hề thua kém phương thức sản xuất thông thường. Chính vì vậy, HTX Tiến Yên hiện không chạy theo việc mở rộng diện tích mà tập trung tối đa vào việc nâng cao chất lượng từng nương chè đang có. Bà NGÔ THỊ VÂN Thành viên HĐQT HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp và các tổ chức khuyến nông, người trồng chè ở Tân Cương được tập huấn, hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả. Cùng với đó là việc xây dựng các mô hình sản xuất chè an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và hướng tới phát triển bền vững. Sự thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động đã mang lại những kết quả rõ nét. Nhiều diện tích chè ở Tân Cương đạt chứng nhận VietGAP, sản phẩm chè được người tiêu dùng tin tưởng và ưa chuộng hơn. Giá bán chè an toàn cao hơn từ 15 – 30% so với chè thông thường, tạo động lực để người dân duy trì cách làm mới. Ngoài hiệu quả kinh tế, việc sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm còn góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và cải thiện môi trường sinh thái. Bà NGUYỄN THỊ TUYẾT Phó Chủ tịch UBND Thành phố Thái Nguyên Hành trình thay đổi nhận thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại vùng chè Tân Cương không chỉ là một nỗ lực kỹ thuật hay canh tác – mà đó là một cuộc chuyển mình sâu sắc trong tư duy làm nông, giữa lợi nhuận ngắn hạn và giá trị bền vững. Nhiều khó khăn vẫn còn hiện hữu trước mắt, nhất là khi kỹ thuật sản xuất chè hữu cơ đòi hỏi nhiều công sức, sức cạnh tranh của chè hữu cơ vẫn còn chưa mạnh mẽ trên thị trường. Nhưng sự nhất trí, đồng lòng giữa chính quyền và người dân địa phương nơi đây để kiến tạo tương lai bền vững cho cây chè, cho thương hiệu chè của địa phương chắc chắn sẽ mang lại những hiệu quả tích cực và bền vững. |
MC: Phần cuối của bản tin ngày hôm nay sẽ là một số thông tin đáng chú ý về dự báo thời tiết trong ngày mai. Xin kính chào và hẹn gặp lại |
DỰ BÁO THỜI TIẾT ( Theo thông tin 7 vùng Cục Khí tượng thủy văn cung cấp) |