Mô hình 'Canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ' đang được tỉnh Tây Ninh triển khai nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ tài nguyên nước. Tỉnh cũng đặt mục tiêu chuyển đổi xanh toàn bộ diện tích trồng lúa.
Tây Ninh: Canh tác lúa thông minh - Cách làm nhỏ, hiệu quả lớn
Vụ lúa Đông Xuân 2024-2025 Trung tâm khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh triển khai thử nghiệm mô hình “Canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ” trên 32 ha đất lúa của HTX An Bình. Khi áp dụng mô hình, thành viên HTX được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chặt chẽ. Theo đó, mỗi mùa vụ, nước được rút khỏi ruộng ba lần, mỗi lần kéo dài khoảng ba ngày khi mực nước thấp hơn 15 cm so với mặt ruộng thì việc rút nước được xem là thành công.
Anh ĐẶNG VŨ PHONG VÂN Cán bộ Trung tâm khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh
"Đối với phương pháp tưới ướt – khô xen kẽ, trong một mùa vụ, chúng ta sẽ rút nước ba lần. Lần thứ nhất là sau khi bón thúc đợt một, lần thứ hai là sau khi bón thúc đợt hai, và lần thứ ba là vào giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. Mỗi lần rút nước sẽ kéo dài khoảng ba ngày. Nếu ruộng giữ khô liên tục trong ba ngày, thì được xem là đã rút nước thành công."
Đại diện HTX An Bình cho biết, đây là phương pháp dễ thực hiện, nhờ phương pháp rút và bổ sung nước hợp lý, đất không bị nhiễm phèn, rễ lúa phát triển tốt, cây lúa khoẻ, đẻ nhánh mạnh, bông lúa dài và chắc hạt. Đến giai đoạn thu hoạch, lúa ít bị đổ ngã, tránh được thất thoát sau thu hoạch.
Ông NGUYỄN VĂN LÀNH Thành viên Hợp tác xã An Bình
“Tôi là thành viên của Hợp tác xã này. Tôi làm ruộng ở đây được khoảng một mẫu. Á, nói chung là áp dụng theo kiểu tưới ướt – khô xen kẽ thì thấy rất phù hợp, hiệu quả cao. Sau này nếu được tiếp tục hỗ trợ như vậy thì bà con nông dân ở đây sẽ rất phấn khởi."
Ông NGUYỄN VĂN LUÔN Giám đốc Hợp An Bình
"Mô hình tưới ướt – khô xen kẽ này là một mô hình mới, một cách làm mới. Hiện nay, tình hình giá lúa đang có phần chậm và thấp, nên việc áp dụng mô hình này giúp giảm chi phí đầu vào, nhất là phân bón. Thông thường, với một mẫu ruộng thì chi phí hết khoảng 15 triệu đồng, nhưng làm theo mô hình này có thể giảm còn khoảng 10 triệu. Như vậy, lợi nhuận tăng lên khoảng 5 triệu đồng. Tôi thấy mô hình này hiện tại mang lại hiệu quả rõ rệt. Mong rằng vụ Hè Thu tới sẽ được nhân rộng để tất cả thành viên trong Hợp tác xã cùng áp dụng."
Trong khi ĐBSCL là vựa lúa cả nước thì Tây Ninh được xem là vựa lúa của miền Đông Nam bộ với diện tích trên 145 ngàn ha/3 vụ. Dù không nằm trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, song Tây Ninh đặt ra mục tiêu chuyển đổi xanh toàn bộ diện tích trồng lúa. Với kết quả mô hình “Canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ” đã và đang mở ra hướng đi mới cho ngành hàng lúa gạo địa phương phát triển xanh và phát thải thấp.