Phát triển bền vững ngành mía đường từ cánh đồng đến nhà máy
Thứ Sáu 07/03/2025 , 17:20 (GMT+7)
Trong những năm qua, với sự đầu tư mạnh mẽ từ người dân cùng những chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp, cây mía ở vùng Đông Trường Sơn (tỉnh Gia Lai) không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn ngày càng phát triển bền vững hơn.
Phát triển bền vững ngành mía đường từ cánh đồng đến nhà máy
Là cây trồng chủ lực vủa vùng Đông Trường Sơn, cây mía đang bước vào vụ thu hoạch. Nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa trong sản xuất, những năm gần đây, cây mía mang lại thu nhập tốt cho người dân, cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác ở vùng Đông Trường Sơn.
Phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Phước, làng Brò, xã An Trung, huyện Kông Chro:
Trước đây tôi trồng chủ yếu là cây bắp, cây mì, đậu xanh, lợi nhuận kinh tế hàng năm khá thấp không đạt như mình mong muốn như trồng cây mía. Từ năm 2001, 2002, tôi bắt đầu chuyển sang trồng cây mía và đã đem lại lợi nhuận khá cao, mỗi ha trừ chi phí dư được từ 30 – 40 triệu, giúp bà con nông dân có đượ thu nhập ổn định. Đặc biệt, mình làm mô hình mẫu lớn, áp dụng cơ giới hoá nhất là vào đợt thu hoạch giúp giảm bớt chi phí, đem lại lợi nhuận cao hơn hẳn.
Năm nay, người dân vùng Đông Trường Sơn thuộc thị xã An Khê và các huyện Kbang, Đăk Pơ, Kông Chro có lý do để vui mừng khi diện tích trồng mía liên tục được mở rộng và đạt sản lượng cao. Tổng diện tích mía vụ 2024 – 2025 đã tăng lên trên 31.500 ha (so với 29.000ha của vụ trước), năng suất bình quân đạt 80 tấn/ha. Để có được thành quả này, Nhà máy đường An Khê đã chi hàng nghìn tỷ đồng trang bị máy cày - trồng, chăm sóc và máy thu hoạch mía liên hợp nhằm phục vụ cho người dân vùng nguyên liệu mía.
Phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê:
Từ năm 2020 đến nay, Chính phủ cùng Bộ Công Thương, Bộ NN- PTNT đã đưa ra các quyết định về chống bán phá giá, chống thất thu thuế, chống buôn lậu đường đã giúp cho giá đường trong nước neo ở mức cao. Giá mía nguyên liệu mua vào bình quân ở mức 1,1 triệu đồng/ tấn/ 10 trữ đường tại ruộng. Đây cùng đã giúp cho bà con có lãi tốt và từ đó áp dụng cơ chế kỹ thuật ở 4 huyện Đông Gia Lai, đặc biệt là vùng mía huyện Kông Chro có một niềm tin rất là lớn trong phát triển mía, chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía.
Bên cạnh hỗ trợ vốn, kỹ thuật, Nhà máy đường An Khê còn phối hợp với chính quyền địa phương việc vận động người dân thực hiện dồn điền, đổi thửa, phát triển cánh đồng mía mẫu lớn. Đến nay, hơn 4.000ha mía của người dân đã được cơ giới hoá hoàn toàn, giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.
Phỏng vấn ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang:
Huyện xác định cây mía là cây trồng chủ lực đối với các địa phương phía Nam của huyện. Hiện nay, diện tích trồng mía trên toàn huyện đạt trên 10.400 ha. Huyện cũng đã trển khai nhiều chương trình, dự án và cùng phối hợp với Nhà máy đường An Khê tổ chức vận động, tuyên truyền cùng với bà con nông dân tiến hành ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hoá vào sản xuất từ khâu làm đất, trồng và chăm sóc đến thu hoạch mía, vì vậy mà tiết kiệm được rất nhiều chi phí để nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho người dân góp phần xoá đói giảm nghèo trên địa bàn của huyện.
Từ một cây trồng tưởng chừng bấp bênh, mía đang trở thành “cây vàng” của vùng Đông Trường Sơn. Với sự vào cuộc của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, cây mía không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn mở ra hướng đi mới với việc sản suất năng lượng sinh học từ nguồn phế phụ phẩm, đưa Gia Lai thành vùng mía trọng điểm của cả nước.