Kiểm tra đột xuất hoạt động khai thác than nhằm ngăn chặn vi phạm
Thứ Hai 14/04/2025 , 13:29 (GMT+7)
Nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu giảm; Giá chanh dây tăng cao do nguồn cung giảm; Sẽ kiểm tra đột xuất hoạt động khai thác than; Hà Nội gỡ vướng cho 24 dự án bất động sản.
Bản tin trưa 14/04/2025
NHU CẦU TIÊU THỤ CAO SU TOÀN CẦU GIẢM
Biên tập: Thanh Thủy
Dù có dấu hiệu phục hồi ngắn hạn, giới chuyên gia cảnh báo nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu sẽ suy giảm trong thời gian tới. Chuyên gia phân tích thị trường nhận định việc Mỹ duy trì thuế 25% với ô tô và linh kiện nhập khẩu sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành ô tô – lĩnh vực tiêu thụ cao su chủ lực, từ đó làm giảm nhu cầu toàn cầu. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, thị trường đang đối mặt rủi ro kép: cung tăng chậm nhưng cầu lại sụt giảm vì lo ngại suy thoái kinh tế và chiến tranh thương mại. Hiệp hội khuyến cáo doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu cao su chế biến, mở rộng thị trường mới, đặc biệt là EU - khu vực nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới.
GIÁ CHANH DÂY TĂNG CAO DO NGUỒN CUNG GIẢM
Biên tập: Thanh Thủy
Giá chanh dây tăng mạnh do nguồn cung giảm khiến nhiều nhà máy chế biến tại Gia Lai phải hoạt động cầm chừng. Hiện giá thu mua dao động 18.000–25.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 27.000 đồng/kg. Điều này khiến chi phí sản xuất tăng cao, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì đơn hàng.
Trong quý I/2025, sản lượng nước ép chanh dây chỉ đạt 2.398 tấn, giảm hơn 54% so với cùng kỳ. Các công ty lớn như chỉ sản xuất theo đơn hàng, hạn chế thu mua nguyên liệu do giá thành chế biến cao. Gia Lai hiện có hơn 5.400 ha chanh dây. Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh liên kết với hợp tác xã, đầu tư sản xuất giống, khôi phục diện tích nhằm ổn định đầu vào cho chế biến và xuất khẩu, nhất là sang thị trường EU.
Quảng Ninh SẼ KIỂM TRA ĐỘT XUẤT HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THAN
Thực hiện: Viết Dũng thực
Trước nguy cơ ô nhiễm không khí từ hoạt động khai thác than, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tăng cường bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các công trường, bãi thải, khai trường. Các đơn vị ngành than phải lắp đặt hệ thống phun nước cao áp dập bụi và khẩn trương trồng lại rừng, phục hồi vành đai cây xanh bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi). Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Ninh phối hợp các sở, ngành, địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở có phát thải lớn như nhà máy xi măng, nhiệt điện, bãi thải than… và xử lý nghiêm vi phạm. Địa phương được yêu cầu rà soát, giám sát chặt các nguồn ô nhiễm không khí; đồng thời phục hồi, trồng bổ sung cây xanh đô thị để tăng diện tích “lá phổi xanh”, góp phần cải thiện chất lượng môi trường.
HÀ NỘI: GỠ VƯỚNG CHO 24 DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN
Thực hiện: Thùy Linh, Viết Dũng
Hà Nội đã tháo gỡ khó khăn cho 24/36 dự án bất động sản, giúp các dự án được tái khởi động sau thời gian đình trệ.Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thành phố đã áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 170 và Nghị định 76 năm 2025, tập trung rà soát thủ tục, xác định lại giá đất, tiền sử dụng và thuê đất đối với các dự án vướng mắc. TP cũng đã xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường để đảm bảo việc xác định giá đất đúng quy định, minh bạch, công bằng. Bên cạnh đó, Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa hồ sơ liên quan đến đất đai và đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sớm triển khai dự án, nắm bắt cơ hội đầu tư.