Giao mùa, sâu bệnh phát sinh trên nhiều loại cây trồng
Chủ Nhật 13/04/2025 , 13:37 (GMT+7)
Giao mùa, sâu bệnh phát sinh trên nhiều loại cây trồng; Sôi động mùa thu hoạch rơm tại miền Tây; 3 cặp sếu trống - mái nhập ngoại được đưa về Tràm Chim; Hội diều làng Bá Dương Nội rực rỡ sắc màu dân gian.
TIN 1: GIAO MÙA, SÂU BỆNH PHÁT SINH TRÊN NHIỀU LOẠI CÂY TRỒNG
VĂN VŨ KHAI THÁC
Hiện tại, thời tiết chuyển lạnh về đêm và sáng sớm, ban ngày nhiệt độ tăng, là điều kiện thuận lợi cho sinh vật gây hại phát triển mạnh trên nhiều loại cây trồng. Ghi nhận tại tỉnh Điện Biên, toàn tỉnh có hơn 2.700 ha cây trồng bị nhiễm sâu bệnh. Trong đó, hơn 1.500 ha lúa đông xuân nhiễm các loại bệnh như đạo ôn, khô vằn, đốm nâu, ruồi đục nõn; 390 ha cà phê tại huyện Mường Ảng bị bệnh đốm mắt cua, khô vằn; gần 670 ha cây ăn quả tại Tuần Giáo, Mường Ảng và Mường Chà bị mối, rệp bông và sâu đục quả tấn công. Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến dịch hại, khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ phù hợp. Đặc biệt, với các huyện như Nậm Pồ, Mường Nhé và Điện Biên, nơi từng phát hiện châu chấu tre, cần chủ động điều tra, nắm bắt ổ trứng để triển khai phương án phòng chống hiệu quả và an toàn.
TIN 2: SÔI ĐỘNG MÙA THU HOẠCH RƠM TẠI MIỀN TÂY
VĂN VŨ KHAI THÁC
Hiện nay, tại nhiều địa phương vùng Đồng Tháp Mười, sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân 2024-2025, nghề cuộn và mua bán rơm đang mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân địa phương. Rơm sau khi thu hoạch được máy cuộn thành từng cuộn 20kg, bán cho thương lái với giá khoảng 17.000 đồng/cuộn, khi đến các tỉnh khác có thể lên đến hơn 30.000 đồng/cuộn.
Mỗi máy cuộn rơm có thể cuộn từ 600 đến 700 cuộn/ngày, giúp chủ máy thu về từ 2–3 triệu đồng/ngày. Nhu cầu sử dụng rơm cuộn cho chăn nuôi, trồng trọt ngày càng tăng, khiến mặt hàng này ngày càng được ưa chuộng tại vùng Đồng Tháp Mười.
TIN 3: 3 CẶP SẾU TRỐNG - MÁI NHẬP NGOẠI ĐƯỢC ĐƯA VỀ TRÀM CHIM
VĂN VŨ KHAI THÁC
Nhằm phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh vừa tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ đầu tiên từ Vương quốc Thái Lan.
Đây là kết quả hợp tác giữa UBND tỉnh Đồng Tháp, Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan , Hiệp hội Vườn thú Việt Nam , Hiệp hội Sếu Quốc tế và Thảo cầm viên Sài Gòn. Các cá thể sếu này có độ tuổi từ 7-8 tháng, được nuôi dưỡng tại Vườn thú Nakhon Ratchasima và vận chuyển về Việt Nam bằng đường hàng không. Sau khi kiểm tra sức khỏe, 6 cá thể sếu - gồm 3 trống và 3 mái - được đưa về Thảo cầm viên Sài Gòn để cách ly, sau đó sẽ chuyển về Vườn quốc gia Tràm Chim để chăm sóc và tái thả tự nhiên. Đây là bước khởi đầu quan trọng trong chương trình bảo tồn sếu đầu đỏ giữa Việt Nam và Thái Lan, mở ra hy vọng phục hồi loài chim quý hiếm này tại Đồng Tháp.
TIN 4: HỘI DIỀU LÀNG BÁ DƯƠNG NỘI RỰC RỠ SẮC MÀU DÂN GIAN
Hội diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội, vừa vinh dự đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, cũng được nhận bằng công nhận Danh hiệu Nghề truyền thống Hà Nội “Nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội”.
Hàng năm, Hội thi thả diều làng Bá Dương Nội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 14 đến 16/3 (âm lịch), trong đó chính hội là ngày 15/3, thời điểm bắt đầu một mùa vụ gieo trồng mới của người nông dân thời xưa.
Hội thi năm nay thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là thanh thiếu niên đến chiêm ngưỡng những cánh diều lớn bay cao, ngân vang tiếng sáo giữa trời xuân. Sự kiện này góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đồng thời quảng bá nét đẹp văn hóa dân gian giữa lòng Thủ đô.