Tăng trưởng quý I của ngành nông, lâm, thuỷ sản cao nhất kể từ năm 2022
Chủ Nhật 13/04/2025 , 20:41 (GMT+7)
Tăng trưởng quý I của ngành nông, lâm thuỷ sản cao nhất kể từ năm 2022; Không gian trưng bày sản phẩm muối Tuyết Diêm tại Hà Nội;Trao quà gia đình chính sách tại Quảng Trị; Đặt lồng bè nuôi cá cho sinh viên thực nghiệm tại Cát Bà.
ĐỨC VIỆT - THANH THUỶ SẢN XUẤT
Chiều 13/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị giao ban nhằm đánh giá kết quả công tác quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm cho tháng 4 và quý II năm 2025. Trong quý I năm nay, ngành nông, lâm, thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng 3,74% – mức tăng cao nhất trong quý I của 4 năm gần nhất. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024. Những kết quả này cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, ngành vẫn đang đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là các biến động phức tạp trên thị trường quốc tế.
Việc Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế đối ứng mới đang làm gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng tăng trưởng của ngành trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo công tác điều hành tháng 4 và quý ii, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, để duy trì đà tăng trưởng, cần kiên định với mục tiêu tuy nhiên phải linh hoạt trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Bộ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan đến thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đồng thời, đẩy mạnh khai thác các thị trường mới đầy tiềm năng như các quốc gia Hồi giáo, thị trường Halal, Trung Đông, và châu Phi. Ngoài ra, ngành sẽ tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, giảm thiểu rủi ro và bất lợi cho doanh nghiệp cũng như nông dân trong nước.
TIN 2: KHÔNG GIAN TRƯNG BÀY SẢN PHẨM MUỐI TUYẾT DIÊM TẠI HÀ NỘI
ĐOÀN PHÒNG SẢN XUẤT
Ngày 13/4, tại Hà Nội, sự kiện “Ra mắt không gian trưng bày sản phẩm muối Tuyết Diêm” đã diễn ra tại khu phố cổ do Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với UBND thị xã Sông Cầu (Phú Yên) và tổ chức.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đã đến dự và nhấn mạnh việc cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu muối Tuyết Diêm phù hợp với bối cảnh mới, kết hợp quảng bá với các đặc sản khác như nước mắm, để nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm địa phương. Ông cũng khẳng định: “Làm muối không chỉ để mưu sinh mà còn để giữ lại hồn quê giữa cuộc sống hiện đại”.
Muối Tuyết Diêm, đặc sản nổi tiếng của vùng biển Sông Cầu, Phú Yên được biết đến với vị tinh khiết, quy trình truyền thống, kết tinh từ nắng, gió và công sức người dân miền biển. Không gian trưng bày là cầu nối văn hóa giữa Phú Yên và Hà Nội, góp phần quảng bá sản vật quê hương tới người dân Thủ đô và du khách quốc tế.
TIN 3: TRAO QUÀ GIA ĐÌNH CHÍNH SÁCH TẠI QUẢNG TRỊ
VÕ DŨNG SẢN XUẤT
Đoàn công tác của Học viện Chính trị do Thiếu tướng Đặng Sỹ Lộc, Giám đốc Học viện làm trưởng đoàn vừa thực hiện chuyến hành trình về nguồn đầy ý nghĩa tại tỉnh Quảng Trị. Đoàn đã dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 và Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.
Bên cạnh hoạt động tri ân tại các địa chỉ đỏ, đoàn công tác Học viện Chính trị đã thăm hỏi, động viên và trao tặng 20 phần quà ý nghĩa cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng và các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
TIN 4: ĐẶT LỒNG BÈ NUÔI CÁ CHO SINH VIÊN THỰC NGHIỆM TẠI CÁT BÀ
ĐINH MƯỜI SẢN XUẤT
Trong khuôn khổ dự án hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Trường Cao đẳng Thủy sản và Công nghệ thực phẩm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã triển khai mô hình nuôi cá lồng bè tại thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng để phục vụ công tác thực hành cho sinh viên.
Lồng bè được làm bằng nhựa HDPE, theo quy chuẩn thành phố Hải Phòng ban hành, đảm bảo an toàn, thân thiện với môi trường và phù hợp cảnh quan. Các loại cá được nuôi là cá song, cá chim vây vàng, cá hồng, cá sủ – những giống cá có giá trị kinh tế, quen thuộc với người dân địa phương.
Sau một năm triển khai, mô hình đã chứng minh hiệu quả trong kết hợp giảng dạy dữa lý thuyết và tực tiễn của nhà trường. Nhà trường mong muốn tiếp tục được Đại sứ quán Nhật Bản hỗ trợ phát triển mô hình bền vững, gắn đào tạo với phát triển kinh tế địa phương.