Nhờ nguồn nước kênh Đông Củ Chi mà vùng đất thép đang đổi thay căn bản về đời sống kinh tế ở địa phương, tạo tiền đề để nơi đây ngày càng giàu đẹp.
Từ vùng đất trắng bạc màu, đất thép thành đồng, Củ Chi ngày càng trở nên trù phú, màu mỡ nhờ dòng nước kênh Đông. Nhờ có công trình thủy lợi này, suốt 30 năm qua, TPHCM đã chủ động được nguồn nước, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt cho khu dân cư và công nghiệp. Công trình còn có vai trò quan trọng trong việc đẩy mặn khu vực ven sông Sài Gòn và chống cháy rừng.
Dọc các tuyến kênh Đông Củ Chi, san sát những trang trại, mô hình nông nghiệp hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đất thép Củ Chi ngày nay được mệnh danh là “thủ phủ” của nhiều cây trồng, vật nuôi đô thị của TP.HCM.
Ông Đỗ Chí Dũng, Ấp Cây Trôm, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP.HCM: Xã mà có kênh Đông thì làm đạt hơn ngày xưa là 50%. Còn không có thì nông dân phải tốn tiền điện để bơm này kia. Gần kênh Đông mà có nước nôi này kia nó rất ok. Vô nước được xả nặng, người làm đồng loạt được. Hồi xưa là không có đồng loạt được, mệnh ai đó làm. Bây giờ nước về là làm nguyên một cánh đồng rồi bắt đầu cắt nguyên cánh đồng, nó rất đã luôn rồi, làm nó dễ làm lắm. Nông dân phấn khởi vì nó.
Nằm sát dòng kênh Đông, HTX Sinh vật cảnh Sài Gòn là một trong những mô hình điểm về nuôi cá cảnh xuất khẩu của TP.HCM. Nhờ dòng nước mát và đạt tiêu chuẩn của kênh Đông Củ Chi, mỗi năm, đơn vị này cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước hàng triệu con cá cảnh, thủy sinh với doanh thu hơn 10 triệu USD.
Anh Nguyễn Văn Thư, HTX Sinh vật cảnh Sài Gòn, huyện Củ Chi, TP.HCM:Nguồn nước ở kênh Đông Củ Chi nói chung là tương đối phù hợp với nhu cầu của người dân nuôi cá kiểng. Về pH hoặc là độ cứng của nước thì cũng tương đối là ổn định. Nguồn nước kênh Đông thì độ pH cũng ổn định là trên 7. Nói chung là cái pH nó phù hợp với nuôi những dòng cá đẻ con rất là tốt.
Kênh Đông Củ Chi thuộc hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng, được hoàn thành cơ bản vào năm 1985. Kênh có chiều rộng trên 6m, tổng chiều dài các kênh tưới hơn 500 km và 200 km kênh tiêu.Công trình thủy lợi đã góp phần to lớn trong việc khai thác tổng hợp nguồn nước phục vụ đa mục tiêu theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và dân sinh của thành phố.
Ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM:Về mặt quy hoạch thủy lợi mà để cấp nước đáp ứng cái quy hoạch của thành phố trong thời gian đến năm 2030 đến kể cả 2045 - 2050 thì vấn đề là chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cùng với các Sở, ban, ngành tiếp tục tham mưu thành phố để mà tiếp tục đầu tư. Hiện nay cũng đang triển khai nghiên cứu dự án đầu tư nâng cấp kênh Đông giai đoạn hai để nhằm mục tiêu là vừa để đảm bảo bền vững công trình, để phục vụ theo cái hướng bền vững. Rồi nâng cao nguồn nước để đảm bảo cái tần suất cấp nước tốt nhất để mà đảm bảo theo cái quy hoạch cấp nước của thành phố.
Không chỉ là một công trình thủy lợi, kênh Đông Củ Chi là minh chứng sống động cho sự bền bỉ và sáng tạo của người dân vùng đất thép. Nhờ dòng nước ấy, từ một vùng đất trắng bạc màu, Củ Chi đã vươn mình trở thành vùng đất sinh sôi và thịnh vượng.
Trong hành trình hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng và bền vững, kênh Đông Củ Chi sẽ tiếp tục là mạch nguồn không chỉ của đất đai, mà còn của khát vọng và niềm tin nơi người nông dân hôm nay và mai sau.