Cà Mau đầu tư thủy lợi phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân
Thứ Ba 27/05/2025 , 17:11 (GMT+7)
Cà Mau đầu tư hệ thống thủy lợi nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường.
Cà Mau đầu tư thủy lợi phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân
MC: Thưa quý vị và các bạn! Là tỉnh nằm ở cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau từ lâu đã phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, hạn hán và thiếu nước ngọt trong mùa khô. Trong bối cảnh đó, phát triển hệ thống thủy lợi đồng bộ và hiệu quả không chỉ là yêu cầu cấp thiết, mà còn là chiến lược lâu dài giúp đảm bảo sản xuất, ổn định sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Những năm gần đây, Cà Mau đã tập trung nguồn lực đầu tư hàng loạt công trình thủy lợi trọng điểm, mang lại những hiệu quả rõ nét. Phóng sự sau đây do Báo Nông nghiệp và Môi trường thực hiện sẽ ghi nhận nỗ lực của chính quyền và người dân, cũng như kỳ vọng về một tương lai chủ động hơn trước thiên tai. Mời quý vị cùng theo dõi!
Những năm qua, người dân các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình của tỉnh Cà Mau thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng mỗi khi mùa khô đến. Sản xuất đình trệ, đời sống sinh hoạt gặp muôn vàn khó khăn.
Phát biểu Ông PHẠM VĂN CÔNG – Huyện U Minh, tỉnh Cà Mau: “Hai ba năm nay khí hậu thay đổi, độ mặn càng ngày càng tăng. Độ mặn tăng cao cùng với đó đất thì nức nẻ hết”
Trước tình hình đó, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều dự án thủy lợi trọng điểm: xây dựng cống đập ngăn mặn, đê bao ven biển, hồ trữ nước ngọt, nạo vét kênh mương... Nhờ đó, từng bước giải quyết vấn đề nước ngọt cho cả sản xuất và sinh hoạt.
Ông TRẦN QUỐC NAM - Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Cà Mau: “Hệ thống thủy lợi Cà Mau những năm qua khi được đầu tư đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Đặc biệt trong tiểu vùng chúng ta tiến hành xây dựng các ô thủy lợi đã phát huy rất hiệu quả”
Nhờ hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ, hơn 50.000 ha đất sản xuất tại các huyện trọng điểm được đảm bảo nguồn nước ổn định. Nhiều hộ dân từng bỏ đất canh tác, nay đã quay lại sản xuất. Mô hình tôm - lúa cho sản lượng đạt được hiệu quả.
Ông SỬ VĂN BÉ – Huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau: “Về sản xuất lúa do tính chủ động của sở Nông nghiệp và địa phương trong xây dựng hệ thống thủy lợi đã ngăn được mặn kịp thời, nên những năm qua sản xuất lúa đạt được năng suất cao ”
Song song với sản xuất, hệ thống cấp nước sạch cũng được mở rộng, cải thiện đáng kể đời sống sinh hoạt của người dân. Hồ nước ngọt rộng 102 ha tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, với kinh phí trên 240 tỷ đồng hồ được xây dựng từ năm 2022 và hoàn thành vào đầu năm 2025, hồ có sức chứa 3,85 triệu m3 nước, giúp cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho 11.000 hộ dân tại phương. Ngoài ra, hồ còn phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng và cung cấp một phần nước phục vụ sản xuất vào mùa khô, giúp giảm thiệt hại diện tích cây trái, hoa màu của người dân. Trong tương lai, nếu được tiếp đủ nguồn nước, hồ có khả năng trữ nước phục vụ thêm cho khu vực huyện Trần Văn Thời, huyện Thới Bình và Khu công nghiệp Khánh An, huyện U Minh.
Phát biểu Ông NGÔ THANH PHONG – Chủ tịch UBND xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau: “Hồ nước ngọt chứa 3 triệu mét khối nên khi hoàn thành sẽ có nguồn nước trong phòng chống cháy rừng, ngoài ra khi đầu tư nhà máy nước sẽ đáp ứng được nước sachc cho người dân..”
Trong 2024, tỉnh Cà Mau đã đầu tư hơn 120.000 ngàn tỷ đồng cho các công trình thủy lợi. Dự kiến, năm 2025 tỉnh tiếp tục đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa hàng trăm công trình thủy lợi và đường giao thông nông thôn. Hiện toàn tỉnh hiện có 214 cống, 17 trạm bơm điện và 1 hồ chứa nước ngọt, phục vụ hiệu quả cho nông nghiệp, thủy sản và ứng phó với thiên tai. Việc đầu tư vào thủy lợi không chỉ giúp người dân ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn mở ra con đường phát triển bền vững cho vùng đất cực Nam Tổ quốc.
MC: Thưa quý vị và các bạn! Từ những hệ thống kênh mương, cống ngăn mặn cho đến các đê bao ven biển, các công trình thủy lợi tại Cà Mau đang từng ngày khẳng định vai trò quan trọng trong việc ổn định sản xuất, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả lâu dài, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, rất cần sự chung tay của cộng đồng trong việc sử dụng, bảo vệ và vận hành công trình một cách hợp lý, bền vững. Phóng sự đến đây xin được khép lại. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin kính chào và hẹn gặp lại trong các chương trình sau!