Thứ ba 13/05/2025 - 16:25
Chính sách
Triển khai chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn
Thứ Ba 13/05/2025 - 16:15
Thực tế đã có nhiều mô hình làng nghề kết hợp du lịch ở Sơn La phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân nông thôn.
- Khai mạc tuần hàng OCOP, làng nghề, nông sản an toàn TP Hà Nội năm 2025
- Phải giải quyết xung đột môi trường làng nghề
- Làng nghề dệt đũi chuyên làm sản phẩm cho các nguyên thủ
- Ninh Bình – Vẻ đẹp di sản tỏa sáng trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Bình.
Sáng 13/5, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (PTNT) phối hợp với Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La tổ chức hội nghị triển khai "Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Hội nghị nhằm đưa ra các chuyên đề phát triển làng nghề gắn với lĩnh vực nông thôn, chú trọng mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch. Đây là cơ hội để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân, đồng thời thúc đẩy quá trình hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới.
Chức năng của nông thôn luôn phải là không gian mở, tiếp xúc với thiên nhiên, di sản, và các tập quán truyền thống. Có sự kết nối với các cộng đồng gia đình, làng xóm.
Du khách có thể tiếp cận với đa dạng các trải nghiệm như: Văn hóa canh tác; mua bán các đặc sản; các đồ thủ công mỹ nghệ; tham gia vào quy trình sơ chế, chế biến; học nấu ăn và thưởng lãm các món ăn; tham gia tìm hiểu cuộc sống thường nhật của cư dân; các lễ hội và nghi thức tôn giáo; tìm hiểu các câu chuyện dân gian, âm nhạc, thời trang đồng quê; các hoạt động thể thao dân tộc...

Bà Trần Thị Loan chia sẻ những kế hoạch phát triển làng nghề trong thời gian tới. Ảnh: Đức Bình.
Bà Trần Thị Loan, Trưởng phòng Ngành nghề nông thôn, Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT, Bộ Nông nghiệp và Môi trường thông tin, chiến lược này tập trung vào hai mục tiêu lớn.
Thứ nhất, phát triển kinh tế nông thôn toàn diện thông qua việc tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, giảm nghèo bền vững.
Thứ hai, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống bằng cách giữ gìn các làng nghề lâu đời, phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ thành biểu tượng văn hóa địa phương và kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch để lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử.

Long nhãn sấy Sơn La đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho bà con. Ảnh: Đức Bình.
Tỉnh Sơn La mới chỉ có làng nghề chế biến long nhãn tại Sông Mã được công nhận chính thức. Trong khi đó, nhiều làng nghề truyền thống của các dân tộc Thái, Mông, La Ha với các sản phẩm đa dạng chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ, ít được đưa ra thị trường và giá trị kinh tế thấp.
Điều này đặt ra những vấn đề cấp thiết trong xây dựng kế hoạch khôi phục và bảo tồn các nghề truyền thống tại những khu vực có tiềm năng tiếp cận thị trường. Chương trình cũng đang có nhiều chính sách hỗ trợ người dân cho vay vốn, đào tạo nghề và tiêu thụ sản phẩm.
Những công việc chính bao gồm xây dựng quy hoạch tổng thể và vùng nguyên liệu ổn định cho các làng nghề, tôn vinh các nghệ nhân, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm.

Ông Vũ Tiến Đĩnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Bình.
Ông Vũ Tiến Đĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La, chia sẻ, trước đây người dân chủ yếu sản xuất theo hình thức tự cung tự cấp, làm thừa mới đem bán. Do đó, kinh tế không có, chưa đủ để phục vụ sinh kế. Với trách nhiệm của Sở trong việc tham mưu cho UBND tỉnh, đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết tập trung vào ba nội dung chính: tìm kiếm thị trường, cải tiến mẫu mã và kiểm soát giá thành sản phẩm.
Theo ông, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề thị trường, sản xuất ra bán cho ai, thị trường cần gì. Sở sẽ đóng vai trò kết nối giữa các đơn vị tiêu thụ, tạo điều kiện để sản phẩm làng nghề tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.
Ông Đĩnh nhấn mạnh, nông dân và hợp tác xã vẫn là lực lượng nòng cốt để phát triển làng nghề. Để tiến xa hơn, cần có sự kết nối giữa các doanh nghiệp, tạo thành một cộng đồng gắn kết, cùng nhau học hỏi và phát triển thương hiệu cho địa phương. Tiếp đến sẽ là kết nối với chuyên gia, giúp tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách và định hướng quy hoạch phát triển làng nghề. Các sản phẩm phải đảm bảo có địa chỉ xuất xứ rõ ràng, minh bạch về nguồn gốc, quy trình sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng, nhằm tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Trong vai trò của Cục Kinh tế Hợp tác, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng, sẽ tham mưu cho Bộ trong việc tổng hợp và xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề, nhằm tổ chức và triển khai các chính sách liên quan với từng địa phương. Bên cạnh đó, các Chi cục PTNT cần rà soát lại các nhóm ngành nghề để đảm bảo phù hợp, đồng thời xem xét các tiêu chí công nhận làng nghề cũng như các chính sách hỗ trợ về mặt bằng và triển khai dự án.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/trien-khai-chien-luoc-phat-trien-nganh-nghe-nong-thon-d752906.html