Sáng kiến cơ chế gặp gỡ thường niên cấp Bộ trưởng
Ngày 28/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã Hội đàm trực tiếp với bà Tôn Mai Quân, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 27-29/5.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Tổng cục trưởng Tôn Mai Quân nhất trí thiết lập cơ chế họp luân phiên, thường niên cấp Bộ trưởng. Ảnh: ICC.
"Đây cũng là chuyến công tác đầu tiên của tôi trong vai trò Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Trưởng đoàn công tác. Tôi tin tưởng rằng, cả tôi và đồng chí Tôn Mai Quân đều mới nhận cương vị mới từ đầu năm nay, chúng ta sẽ có nhiều thời gian và động lực thúc đẩy mối quan hệ của hai cơ quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và thực chất, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ đối tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại nông, lâm, thủy sản", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu.
Theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Môi trường, cuộc Hội đàm góp phần cụ thể hóa Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 4 năm nay.
Tại buổi Hội đàm trực tiếp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã nêu sáng kiến thiết lập cơ chế gặp gỡ thường niên cấp Bộ trưởng giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Tổng cục Hải quan Trung Quốc để giải quyết các vấn đề liên quan tới thương mại nông sản.
Bà Tôn Mai Quân, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, bày tỏ nhất trí cao với Bộ trưởng Đỗ Đức Duy.
Bà Tôn Mai Quân cũng cho biết, sáng kiến của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy về cơ chế gặp gỡ thường niên cấp Bộ trưởng giữa GACC và Bộ Nông nghiệp và Môi trường, là bước đi cụ thể, đóng góp vào việc thúc đẩy cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam.
Theo bà Tôn, các cơ quan liên quan của GACC sẽ phối hợp chặt chẽ với các đoàn công tác, cơ quan liên quan của Việt Nam trong thúc đẩy thương mại hai nước.
Tạo thuận lợi tối đa cho nông sản Việt
Trong cuộc Hội đàm giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết: "Phía Trung Quốc và Việt Nam thống nhất tăng cường năng lực thông quan, kiểm tra chất lượng tại các cửa khẩu, sẵn sàng kéo dài thời gian thông quan để giảm ùn tắc".
Bà Tôn Mai Quân cho biết hai bên đã đạt được nhận thức chung trong nhiều lĩnh vực xuất nhập khẩu giữa hai nước.
"Để chào đón nông sản Việt Nam sắp bước vào mùa thu hoạch chính vụ, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan ở cửa khẩu tăng thời gian làm việc, tăng số lượng nhân viên kiểm tra để tạo thuận lợi tối đa cho nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc”, bà Tôn Mai Quân nêu rõ thiện chí.
Đến thời điểm hiện tại, hai bên đã ký 28 Thỏa thuận ghi nhớ/Nghị định thư về xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản giữa hai nước, đây thể hiện sự hợp tác chặt chẽ và nỗ lực của hai bên. Hiện đã có nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó gồm 15 mặt hàng rau quả (dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, ớt, chanh leo, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít); cá sấu, khỉ nuôi, tổ yến, bột cá và một số sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; mặt hàng sữa và thủy sản các loại.
Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá cao việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã quyết định cập nhật bổ sung 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tại buổi Hội đàm. Ảnh: ICC.
Theo Bộ trưởng, đây là minh chứng rõ nét cho sự phối hợp hiệu quả giữa hai bên, đồng thời cũng là nguồn động viên rất lớn đối với người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam.
“Chúng tôi cũng rất chia sẻ với những quan ngại của phía Trung Quốc liên quan đến chỉ tiêu an toàn thực phẩm, đặc biệt là Cadimi và chất nhuộm Vàng O. Ngay sau khi nhận được thông tin cảnh báo, Việt Nam đã tiến hành điều tra nguyên nhân, triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát và khắc phục trên toàn chuỗi sản xuất - sơ chế - xuất khẩu. Kết quả đã được tổng hợp thành báo cáo và gửi cho Tổng cục để cập nhật tiến độ và chứng minh năng lực kiểm soát của phía Việt Nam”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thông tin.
Phía Việt Nam sẽ nỗ lực tăng cường biện pháp kiểm soát chất lượng sầu riêng theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và xuất khẩu, sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xử lý các tình huống phát sinh liên quan đến chất lượng và an toàn thực phẩm.
Ưu tiên thông quan nhanh cho sầu riêng, vải
Việt Nam và Trung Quốc thống nhất thiết lập "luồng xanh nông sản", ưu tiên thông quan nhanh tại cửa khẩu đối với các mặt hàng quả tươi khi vào vụ thu hoạch cao điểm.
Hiện nay, Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Phía Việt Nam đã tháo gỡ toàn bộ vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu cá tầm và thức ăn cho chó mèo của Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam.
Theo đó, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Tổng Cục trưởng Tôn Mai Quân cùng thống nhất thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại nông sản và mở cửa thị trường trong thời gian tới với những cơ chế mới như thiết lập cơ chế “luồng xanh nông sản”, ưu tiên thông quan nhanh tại cửa khẩu đối với các mặt hàng quả tươi khi vào vụ thu hoạch cao điểm, nhất là mặt hàng vải thiều; tăng thời gian làm việc tại cửa khẩu trong mùa vụ (bao gồm cuối tuần và ngoài giờ hành chính); thiết lập cơ chế cảnh báo sớm, chia sẻ thông tin về các lô hàng vi phạm để phía Việt Nam chủ động kịp thời khắc phục; thiết lập đầu mối liên lạc kỹ thuật thường trực giữa hai bên tại các cửa khẩu, nhằm kịp thời phối hợp xử lý các tình huống phát sinh.
Nhất trí với đề nghị của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, bà Tôn Mai Quân cho biết hai bên sẽ nghiên cứu, xem xét thiết lập cơ chế họp luân phiên. Đồng thời, hai bên nhất trí thành lập tổ công tác chung về kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm để thúc đẩy hợp tác và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Cơ hội cho quả bưởi, chanh
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẽ sớm cử đoàn công tác sang kiểm tra thực địa đối với bưởi và chanh của Việt Nam để xây dựng dự thảo Nghị định thư xuất khẩu, đồng thời, tiến hành kiểm tra sầu riêng và ớt.
Liên quan đến thủy sản, phía Trung Quốc sẽ sớm phản hồi các dự thảo nghị định thư về xuất khẩu thủy sản, trong đó, tích hợp các nội dung về kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu và tích hợp vào Nghị định thư tới đây, hai bên sớm phản hồi để ký kết.
Bên cạnh đó, hai bên sớm hoàn tất các thủ tục để ký nghị định thư về thủy sản khai thác và thủy sản tươi sống của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc; xem xét ký mới một số nghị định thư thay thế cho các nghị định thư đã hết hạn và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy dẫn đầu đoàn công tác sang làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Ảnh: ICD.
Nhân chuyến thăm này, đoàn công tác đã thăm, làm việc và tìm kiếm cơ hội hợp tác với Trung tâm phân phối nông sản Tân Phát Địa, đây là đầu mối nhập khẩu và phân phối nông sản lớn bậc nhất tại Trung Quốc.
Ngoài ra, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng thăm và làm việc với Tập đoàn Cung ứng và Tiếp thị Trung Quốc, đây là tập đoàn công nghiệp phân phối nông sản quy mô lớn của Trung Quốc. Hiện Tập đoàn này có tổng tài sản gần 200 tỷ nhân dân tệ, có 11 công ty con và 32.800 nhân viên hoạt động trong một số lĩnh vực như: kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; Dịch vụ dự trữ và thương mại lương thực; Kinh doanh và dịch vụ bông; Phân phối sản phẩm nông nghiệp, chợ bán buôn sản phẩm nông nghiệp...
Việc khảo sát các trung tâm phân phối/chợ đầu mối nông sản, các công ty/tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản sẽ tạo tiền đề tốt để dẫn dắt các doanh nghiệp, địa phương tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
3 đề xuất tạo thuận lợi xuất khẩu sầu riêng
Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu sầu riêng trong năm 2025 và những năm tiếp theo, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất một số nội dung hợp tác cụ thể:
Thứ nhất, đề nghị GACC xem xét sớm điều chỉnh biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sầu riêng Việt Nam theo hướng tạo thuận lợi hơn.
Thứ hai, tạo điều kiện thông quan nhanh đối với mặt hàng sầu riêng, đặc biệt là trong thời gian cao điểm vào chính vụ thu hoạch.
Thứ ba, đề nghị GACC tiếp tục xem xét, phê duyệt bổ sung các phòng thử nghiệm đủ năng lực phân tích chỉ tiêu Cadimi và Vàng O nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kiểm tra chất lượng trước khi xuất khẩu.