| Hotline: 0983.970.780

Thứ hai 12/05/2025 - 23:25

Thị trường

Thị trường nông sản Việt đa kênh, đa hướng: [Bài 4] EVFTA và ưu thế thuế 0%

Thứ Hai 12/05/2025 - 06:41

Xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu cho hàng Việt Nam là cam kết cao nhất EU từng dành cho đối tác trong các hiệp định thương mại đã ký.

Châu Âu - điểm đến chiến lược cho nông sản phân khúc cao

Bài liên quan

EU là thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản (NLTS) lớn thứ ba trên thế giới, với quy mô tiêu dùng thực phẩm và đồ uống đạt khoảng 1.000 tỷ EUR mỗi năm, chiếm 21,4% tổng chi tiêu hộ gia đình (Eurostat, 2020). Trong đó, mỗi năm châu Âu nhập khẩu khoảng 300 tỷ USD các mặt hàng NLST.

Xét theo nhóm ngành hàng, EU là thị trường nhập khẩu thủy sản và rau quả lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 34% tổng giá trị nhập khẩu thủy sản toàn cầu và khoảng 45-50% lượng rau quả nhập khẩu. 

Đây cũng là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất, chiếm hơn 60% tổng lượng nhập khẩu và hơn 30% lượng tiêu thụ toàn cầu. Đối với gỗ và sản phẩm gỗ, EU chiếm hơn 32% giá trị nhập khẩu toàn cầu, đứng thứ hai sau Hoa Kỳ.

Ngoài ra, châu Âu nhập khẩu khoảng 40% tổng lượng hạt điều nhân trên thế giới, đồng thời là thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn thứ hai toàn cầu với tỷ trọng 8,6% (ITC, 2021).

Biểu đồ cơ cấu thị phần nông sản nhập khẩu từ một số quốc gia vào EU.

Biểu đồ cơ cấu thị phần nông sản nhập khẩu từ một số quốc gia vào EU.

Việt Nam đứng thứ 12 trong số các đối tác xuất khẩu sang EU và có nhiều lợi thế so với các nước ASEAN. Song, xét về cơ cấu thị phần nông sản thì vẫn còn rất nhiều dư địa. Thị phần của Việt Nam còn khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 2% tổng giá trị nhập khẩu NLTS vào EU. Trong khi đó, các đối tác lớn khác như Brazil (10,9%), Anh (9,8%), Hoa Kỳ (7,5%), Ukraine (7,5%), Na Uy (5,1%) và Trung Quốc (4,7%)...

Tôi cho rằng, Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng từ thị trường này. Một phần do khoảng cách địa lý xa, nhưng quan trọng hơn là cách tiếp cận của EU đòi hỏi sự đầu tư dài hạn, tuân thủ bài bản các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe. 

Chưa khai thác triệt để EVFTA

Việt Nam là quốc gia châu Á thứ tư ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Liên minh châu Âu, sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.

Ngay khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, EU đã xóa bỏ thuế nhập khẩu với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương ứng 70,3% kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam. Sau 7 năm, mức cắt giảm thuế sẽ áp dụng với 99,2% dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch.

Các sản phẩm gạo đã xát, xay, gạo thơm được hưởng lợi từ EVFTA. Ảnh minh họa.

Các sản phẩm gạo đã xát, xay, gạo thơm được hưởng lợi từ EVFTA. Ảnh minh họa.

Phần còn lại (0,3% kim ngạch) được áp dụng hạn ngạch thuế quan với thuế suất 0%, bao gồm 14 mặt hàng như: trứng và lòng đỏ trứng gia cầm, tỏi, ngô ngọt, các loại gạo (đã xát, xay, gạo thơm), tinh bột sắn, cá ngừ, surimi, đường (gồm đường đặc biệt và sản phẩm có hàm lượng đường cao), nấm, ethanol, mannitol, sorbitol, dextrin và tinh bột biến tính.

Việc xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu cho hàng Việt Nam là cam kết cao nhất EU từng dành cho đối tác trong các FTA đã ký, và càng có ý nghĩa khi EU luôn nằm trong nhóm ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Theo đó, EVFTA không chỉ mở rộng thị trường cho các nhóm NLTS chủ lực, mà còn giúp đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào từ EU phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo cơ hội thu hút đầu tư chất lượng cao vào ngành nông nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Chuyển dịch từ xuất khẩu thô sang chế biến sâu

Bài liên quan

Đây là chiến lược kinh tế được nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ động áp dụng, từng bước đa dạng hóa danh mục sản phẩm và đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu quốc gia. 

Dù thị trường EU nổi tiếng với các yêu cầu khắt khe, người châu Âu rất cởi mở, ưa thích khám phá những sản phẩm mới, đặc biệt sản phẩm nông sản nhiệt đới. Họ có xu hướng trải nghiệm các sản phẩm họ từng biết đến qua du lịch, ẩm thực. Do vậy, các loại trái cây và sản phẩm nhiệt đới từ Việt Nam để lại dấu ấn trong lòng thực khách, ngày càng được ưa chuộng.

EU sở hữu hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật hoàn chỉnh, minh bạch và cập nhật thường xuyên. Mục tiêu của hệ thống này là bảo vệ sức khỏe con người, động thực vật và môi trường toàn diện.

Cách tiếp cận quản lý thực phẩm của các nước phương Tây mang tính tích hợp và xuyên suốt toàn chuỗi cung ứng, “từ trang trại đến bàn ăn”, bao gồm cả các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, động vật và thức ăn chăn nuôi.

Chỉ những quốc gia và doanh nghiệp đã được Liên minh phê duyệt, có chương trình kiểm soát quốc gia phù hợp, mới được phép tiếp cận thị trường.

Các tiêu chí bao gồm: kiểm soát dịch bệnh, dư lượng hóa chất, kháng sinh, vi sinh vật gây hại, kim loại nặng… đặc biệt đối với các sản phẩm thủy sản và gia súc, gia cầm.

Nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào EU có thể phải đáp ứng những yêu cầu cao hơn về mức dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật. Ảnh: Tùng Đinh.

Nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào EU có thể phải đáp ứng những yêu cầu cao hơn về mức dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngành cà phê chế biến đã có những bước chuyển mình rõ nét. Từ khi EVFTA có hiệu lực, nhiều dòng thuế đối với sản phẩm nông sản chế biến, đặc biệt là cà phê, đã được cắt giảm về 0%. Trước đây, một số mặt hàng phải chịu thuế từ 7,5% đến 11,5%, gây nhiều hạn chế cho xuất khẩu. Việc xóa bỏ thuế tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho Việt Nam so với các quốc gia xuất khẩu cà phê khác như Brazil hay Indonesia.

Nhờ tận dụng tốt cơ hội, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ, trở thành đối tác lớn thứ hai sau Vương quốc Anh về xuất khẩu cà phê hòa tan sang EU, chiếm 18% thị phần nhập khẩu nhóm sản phẩm này. 

Đây là thời điểm thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cà phê chế biến sâu, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng giá trị cao, từng bước thâm nhập thị trường cà phê rang xay tại châu Âu. 

Bên cạnh đó, một số mặt hàng chế biến từ gạo như bún, phở, bánh đa nem, bánh tráng… đã phổ biến trong các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại châu Âu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xu hướng ẩm thực đa dạng.

Với nhóm sản phẩm từ rau quả, doanh nghiệp trong nước không chỉ tập trung vào xuất khẩu hoa quả tươi vốn là thế mạnh truyền thống, mà còn đẩy mạnh chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị. 

Các sản phẩm đông lạnh, đóng hộp, sấy khô hay dạng cô đặc (purée) phục vụ chế biến thực phẩm từ Việt Nam đã hiện diện ngày càng nhiều tại thị trường EU, đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư công nghệ và kỹ thuật chế biến hiện đại. Ảnh: Minh Phúc.

Doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư công nghệ và kỹ thuật chế biến hiện đại. Ảnh: Minh Phúc.

Bài toán công nghệ và thương hiệu

Trên thực tế, việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của EU là thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Việc thiếu vùng sản xuất quy mô lớn, có khả năng truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng ổn định đang là rào cản lớn để mở rộng thị phần tại thị trường EU, vốn đòi hỏi tính nhất quán và bền vững trong chuỗi cung ứng.

Để cải thiện chuỗi cung ứng thực phẩm, nhà nước và doanh nghiệp cần hợp tác để chuyên nghiệp hóa khâu sản xuất, phù hợp cách tiếp cận riêng biệt của EU với các tiêu chí cụ thể về an toàn thực phẩm, phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội. Việc đa dạng hóa chủng loại giúp đáp ứng nhiều phân khúc khác nhau tại thị trường EU.

Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng thương hiệu và tổ chức xúc tiến thương mại bài bản, khắc phục tình trạng triển khai rời rạc, thiếu tính kết nối, xuất khẩu nhỏ lẻ và thiếu ổn định về kênh phân phối. Đây là nguyên nhân khiến nhiều sản phẩm vẫn chưa tạo được chỗ đứng vững chắc và chưa được người tiêu dùng EU nhận diện rõ.

Nếu vượt qua rào cản, việc chinh phục thị trường EU sẽ không chỉ mở rộng quy mô xuất khẩu mà còn giúp nâng tầm giá trị nông sản Việt trên thị trường toàn cầu.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/thi-truong-nong-san-viet-da-kenh-da-huongbai-4-evfta-va-uu-the-thue-0-d752535.html