
Hành động sớm tại cộng đồng là giải pháp then chốt ứng phó thiên tai
Hành động sớm tại cộng đồng là giải pháp then chốt ứng phó thiên tai; Giao khoán bảo vệ giúp giảm áp lực lên rừng tự nhiên; Cao điểm phòng trừ sâu bệnh hại lúa.
Quỳnh Anh | 07:15 28/04/2025
BẢN TIN NÔNG NGHIỆP TUẦN QUA
SỐ – 16– 2025
Kịch bản; Dựng; Biên tập: Xuân Hào, Quỳnh Anh
Kỹ thuật: : Bình Thành – DũngSEO
Đồ họa: Khánh Thiện
MC1: Tùng Sơn
MC2: Anh Quỳnh
Nhạc hiệu (25 giây)
Xin kính chào quý vị và bà con, cảm ơn quý vị và bà con đã đến với bản tin Nông Nghiệp Tuần Qua của Kênh Nông Nghiệp radio. Bây giờ sẽ là những nội dung chính sẽ có trong bản tin ngày hôm nay.
Headline ( 45 giây)
- Hành động sớm tại cộng đồng là giải pháp then chốt ứng phó thiên tai
- Giao khoán bảo vệ giúp giảm áp lực lên rừng tự nhiên
- Mưa đá kèm gió lốc gây thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng
- Cao điểm phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân
- Hạn hán kéo dài đe dọa mùa na
- Trà Vinh còn hơn 9.000 hộ chăn nuôi chưa đảm bảo vệ sinh thú y
- Giá keo giống ở tỉnh Nghệ An tăng gấp đôi năm ngoái
- Hà Nội: Hơn 1.000 ha đất lúa được chuyển đổi mục đích sử dụng hàng năm
Sau đây là nội dung chi tiết:
- Hành động sớm tại cộng đồng là giải pháp then chốt ứng phó thiên tai
Thưa quý vị và bà con, trong tuần qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai tổ chức Tọa đàm 'Giải pháp, công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại cộng đồng'. Theo thông tin tại Tọa đàm, nhiều năm gần đây, đa số thiệt hại về người do sạt lở đất và lũ lụt, lũ quét gây ra. Do đó, việc thiết lập và duy trì vận hành hệ thống thông tin, cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét là vấn đề quan trọng. Từ năm 2016 đến nay, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai đã vận động tài trợ, đảm bảo kinh phí lắp đặt hơn 900 trạm đo mưa tự động và 24 tháp cảnh báo lũ tự động chuyên dùng cảnh báo mưa lũ ở cộng đồng tại 49 tỉnh/thành phố trên cả nước. Qua đó, phục vụ hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo mưa lũ ở các địa phương cũng như kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống lũ lụt. Thông tin thêm về nội dung này, Nông nghiệp Radio sẽ tiếp tục gửi tới quý vị trong phần sau của chương trình.
-
Giao khoán bảo vệ rừng giúp giảm áp lực lên rừng tự nhiên
Tại Hội thảo “Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp” vừa diễn ra, Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, qua 30 năm triển khai, chính sách giao khoán đất lâm nghiệp tại nước ta đã góp phần quan trọng trong việc phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao thu nhập cho người dân và cải thiện hiệu quả quản lý rừng. Khảo sát tại 7 tỉnh đại diện cho các vùng sinh thái và mô hình doanh nghiệp cho thấy, chính sách giao khoán giúp người dân có thêm việc làm, cải thiện sinh kế, thúc đẩy phát triển nông lâm kết hợp. Giao khoán bảo vệ rừng giúp ổn định an ninh trật tự, giảm áp lực lên rừng tự nhiên, nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên và môi trường. Thu nhập từ lâm nghiệp chiếm trung bình 31,73% tổng thu nhập của hộ nhận khoán.
- Mưa đá kèm gió lốc gây thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng
Cũng trong tuần qua, mưa đá kèm theo gió lốc xảy ra tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang khiến nhiều nhà ở, chuồng trại, hoa màu của người dân bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng. Cụ thể, thông kê của Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mèo Vạc cho thấy, trận mưa đá vừa xảy ra đã khiến có 662 hộ bị ảnh hưởng về nhà ở, cùng với đó là 45 hộ bị thiệt hại về chuồng trại. Về sản xuất, 45 ha cây trồng hàng năm gồm ngô, dưa chuột, đậu, bí, ... trên địa bàn huyện thiệt hại 30 - 70%. Trước tình trạng đó, UBND huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo UBND các xã huy động lực lượng tại chỗ tham gia giúp đỡ các hộ bị thiệt hại khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân chủ động chằng néo nhà cửa, phòng chống thiên tai ngay từ đầu mùa.
- Cao điểm phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nam Định, thời tiết những ngày vừa qua thuận lợi cho các trà lúa sinh trưởng, phát triển, đồng thời cũng thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại. Để bảo vệ an toàn sản xuất vụ xuân 2025, Chi cục Trồng trọt và BVTV Nam Định đề nghị UBND, cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố chỉ đạo các xã/thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kiểm tra đồng ruộng, phân loại trà lúa để có biện pháp chăm sóc phù hợp. Lưu ý, không bón phân ure khi lúa ôm đòng - sắp trỗ nhằm giảm thiểu sự phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh cuối vụ, nhất là bệnh bạc lá trong điều kiện gặp mưa to, gió lớn. Bên cạnh đó, tổ chức đợt cao điểm phun trừ dịch hại. Trong đó tiếp tục phun trừ bệnh đạo ôn lá khi chớm xuất hiện và diện tích đã phun nhưng vẫn còn vết bệnh cấp tính.
- Hạn hán kéo dài đe dọa mùa na
Cây na là một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Lạng Sơn. Hiện toàn tỉnh có khoảng 4.200 ha trồng na, tuy nhiên những tháng gần đây do hạn hán kéo dài, quá trình sinh trưởng của cây bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là tại các vùng đồi núi cao, do thiếu độ ẩm, dưỡng chất nên cây na vẫn chưa ra lá non. Tại những vùng đất thấp hơn, người dân cố gắng tận dụng nguồn nước từ mương, sông, suối để tưới cho cây, những cây na trên diện tích này đã có lá non nhưng màu sắc nhạt hơn hẳn so với mọi năm. Trong bối cảnh hạn hán vẫn đang diễn ra, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con theo dõi sát diễn biến thời tiết để ứng phó kịp thời; ưu tiên tưới nước cho những diện tích có điều kiện thuận lợi, sử dụng tưới nước tiết kiệm.

- Trà Vinh còn hơn 9.000 hộ chăn nuôi chưa đảm bảo vệ sinh thú y
Tỉnh Trà Vinh có hơn 102.600 cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Tính đến đầu năm nay, 100% cơ sở nuôi trồng thủy sản thuộc đối tượng đăng ký thủ tục môi trường đã thực hiện đầy đủ, đúng các nội dung cam kết về bảo vệ môi trường và hơn 90% cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải phát sinh theo quy định. Mặc dù phần lớn các cơ sở, hộ dân đã thực hiện biện pháp xử lý chất thải, tuy nhiên hiện vẫn còn hơn 9.000 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y, xử lý chất thải. Đồng thời tình trạng nuôi gia súc, gia cầm tự phát, nhỏ lẻ, không theo quy hoạch vùng nuôi đang diễn ra tại một số địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường.
-
Giá keo giống ở tỉnh Nghệ An tăng gấp đôi năm ngoái
Tại tỉnh Nghệ An, do nhu cầu trồng rừng lớn, nguồn cung thiếu hụt cục bộ nên hiện nay giá keo giống đang ở mức cao, gấp đôi so với năm ngoái. Giá dao động 1,4 nghìn đồng đến 1,8 nghìn đồng/cây, tùy vào từng loại giống. Nhiều cơ sở giống rơi vào tình trạng “cháy hàng”, cung không đủ cầu. Mỗi năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An trồng mới khoảng 20 nghìn ha rừng nguyên liệu, phần lớn là keo. Ngoài cây keo giống được sản xuất tại địa bàn, các đại lý còn nhập từ các tỉnh phía Bắc về để bán cho người dân. Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 30 đơn vị sản xuất, kinh doanh cây giống có giấy phép đăng ký kinh doanh. Nhằm bảo đảm chất lượng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An khuyến cáo các địa phương cần tăng cường công tác quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Đối với bà con nông dân nên chọn mua giống có nguồn gốc rõ ràng...
-
Hà Nội: Hơn 1.000 ha đất lúa được chuyển đổi mục đích sử dụng hàng năm
Tính đến đầu năm 2024, tổng diện tích đất lúa của Hà Nội đạt khoảng 97.000 ha. Trong đó, mỗi năm có trên dưới 1.000 ha đất được chuyển đổi sang các loại hình canh tác khác phù hợp hơn với điều kiện thực tế và nhu cầu thị trường. Riêng năm nay, Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục chuyển đổi thêm 535 ha đất lúa sang trồng cây hàng năm, 180 ha sang trồng cây lâu năm và 561 ha áp dụng mô hình lúa kết hợp thủy sản. So với canh tác lúa đơn thuần vốn cho thu nhập trung bình chỉ từ 50 - 60 triệu đồng/ha/năm, thì các mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. Cụ thể: Trồng rau ngắn ngày đạt từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm; Trồng hoa các loại lên tới 450 - 500 triệu đồng/ha/năm; Trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ mang lại 550 - 700 triệu đồng/ha/năm.
Nhạc cắt
Thưa quý vị và bà con, những năm gần đây, Việt Nam đã có bước tiến dài trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ dự báo, cảnh báo lũ quétvà sạt lở đất – từ hệ thống cảm biến đo mưa tự động, kỹ thuật viễn thám, bản đồ nguy cơ đến các mô hình trí tuệ nhân tạo - AI, dữ liệu lớn. Thế nhưng công nghệ chỉ là một phần của lời giải. Vấn đề then chốt là làm sao để thông tin cảnh báo, thường được phát ra bằng các thuật ngữ kỹ thuật, bản đồ phức tạp có thể được người dân ở vùng sâu, vùng xa hiểu rõ và chủ động hành động. Nhấn mạnh cảnh báo sớm và hành động sớm tại cộng đồng chính là yếu tố then chốt nhằm giảm thiểu tổn thất do thiên tai gây ra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành chia sẻ:
Đối thoại
Băng
Quỳnh Anh
Nhạc
Nội dung vừa rồi cũng kết thúc bản tin Nông nghiệp hôm nay. Xin kính chào quý vị và bà con, hẹn gặp lại quý vị và bà con ở bản tin sau!
Hành động sớm tại cộng đồng là giải pháp then chốt ứng phó thiên tai
Hành động sớm tại cộng đồng là giải pháp then chốt ứng phó thiên tai; Giao khoán bảo vệ giúp giảm áp lực lên rừng tự nhiên; Cao điểm phòng trừ sâu bệnh hại lúa.
Quỳnh Anh
Tin liên quan
Các chương trình
Dù bạn là bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, nhân viên hành chính hay bảo vệ, thì mỗi người đều đang góp phần giữ cho sự sống được vẹn tròn.
Trong khi miền Bắc đón những đợt mưa rào giải nhiệt sau nhiều ngày oi nóng, thì Nam Bộ và Tây Nguyên lại chuyển sang hình thái mưa dông vào chiều tối