Phải luôn chủ động về chiến lược và giữ vững độc lập, tự chủ
Truyền đạt chuyên đề về những điểm mới trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, các dự thảo có rất nhiều điểm mới cả về nội dung, hình thức, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải luôn luôn chủ động về chiến lược và giữ vững độc lập, tự chủ trong bối cảnh, tình hình biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề về những điểm mới trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng. Ảnh: QH.
Thủ tướng cho biết, trong thời gian gần đây, bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới phát sinh. Ở trong nước, Đảng ta đã kịp thời, linh hoạt ban hành và lãnh đạo thực hiện nhiều chủ trương, quyết sách mới, quan trọng, mang tính lịch sử, phù hợp diễn biến tình hình quốc tế và điều kiện, hoàn cảnh đất nước: Cuộc cách mạng về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; hội nhập quốc tế trong tình hình mới; phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trong năm 2025 và 2 con số trong những năm tới; phát triển khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của tăng trưởng.
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ Chính trị đã giao các Tiểu ban của Đại hội XIV bổ sung, cập nhật, hoàn thiện dự thảo các văn kiện với nhiều đổi mới cả về hình thức và nội dung, với các quan điểm, mục tiêu mới và các giải pháp, nhiệm vụ mang tính đột phá, mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Trong đó, về chủ đề Đại hội, Trung ương thống nhất chủ đề Đại hội XIV là: “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030; tự cường, tự tin, tiến mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội” .
Về quan điểm, mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn tới, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV đã bổ sung, nhấn mạnh quan điểm: Bảo đảm phát triển để ổn định và ổn định để phát triển nhanh, bền vững đất nước. Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhanh, bền vững; tháo gỡ kịp thời, dứt điểm các điểm nghẽn, nút thắt; khơi thông và giải phóng mọi nguồn lực, phát huy mọi động lực. Đột phá mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; thu hút, trọng dụng nhân tài, đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất mới.
Về mục tiêu phát triển, Trung ương bổ sung, nhấn mạnh các nội hàm: Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phát triển nhanh, bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tự cường, tự tin, tiến mạnh trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc; cải thiện và nâng cao toàn diện đời sống Nhân dân.

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại điểm cầu Nhà Quốc hội, Hà Nội. Ảnh: QH.
Về các chỉ tiêu chủ yếu 5 năm 2026-2030, rà soát, điều chỉnh một số chỉ tiêu, trong đó phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân cho giai đoạn 2026-2030 từ 10%/năm trở lên; GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 8.500 USD; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 8,5%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 40% GDP.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các báo cáo đã được bổ sung, hoàn thiện theo hướng có tính cách mạng, hành động, khả thi cao, ngắn gọn, súc tích, có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời bảo đảm tính khái quát cao của Văn kiện Đại hội Đảng. Bộ Chính trị, Trung ương đã chỉ đạo các Tiểu ban khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo văn kiện để lấy ý kiến đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; Đề nghị các đồng chí Lãnh đạo tổ chức đảng các cấp quán triệt, nghiên cứu kỹ để bổ sung, hoàn thiện văn kiện Đại hội cấp mình. Đối với các tỉnh có sáp nhập, hợp nhất thì các Ban thường vụ phải trao đổi, phối hợp để xây dựng Văn kiện của Đại hội tỉnh mới. Đồng thời, các Tiểu ban tiếp tục nghiên cứu, cập nhật, bổ sung, tiếp thu ý kiến đại hội đảng bộ các cấp để trình Hội nghị Trung ương 12.
Dự kiến ngày 15/3/2026 bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Truyền đạt chuyên đề “Về sửa đổi hiến pháp và pháp luật; Phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Quốc hội sẽ tập trung sửa đổi hiến pháp và pháp luật, phục vụ hiệu quả cho cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo đột phá để phát triển, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước, theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng.
Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, dự kiến bầu cử sớm hơn so với kỳ bầu cử trước để tạo sự đồng bộ với cấp ủy các cấp, kịp thời triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 14. Dự kiến Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là ngày Chủ nhật 15/3/2026 và ngày 6/4/2026 họp phiên họp thứ nhất của Quốc hội. Vì vậy các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, ngay từ bây giờ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn truyền đạt chuyên đề “Về sửa đổi hiến pháp và pháp luật; Phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031”. Ảnh: QH.
Về số lượng đại biểu Quốc hội, dự kiến là 500 đại biểu, trong đó tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 40%. Định hướng chung về cơ cấu là: Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 10%; đại biểu tái cử khoảng 30%; đại biểu nữ tỷ lệ ít nhất 35%, đại biểu là người dân tộc thiểu số ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước cử tri và Nhân dân. Đảng ủy Quốc hội sẽ Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13; phối hợp chặt chẽ, thực chất, thường xuyên với Đảng ủy Chính phủ; quán triệt kỹ lưỡng tới Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổ đảng các đoàn đại biểu Quốc hội để Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15 thành công tốt đẹp.