| Hotline: 0983.970.780

Thứ sáu 09/05/2025 - 07:01

Thời sự Nông nghiệp - Môi trường

Nghị quyết 57: Cơ hội và trách nhiệm đổi mới

Thứ Sáu 09/05/2025 - 06:54

Nghị quyết 57 không chỉ mở ra cơ hội mà còn là trách nhiệm đổi mới để các nhà khoa học phát huy năng lực nghiên cứu và đóng góp hiệu quả hơn cho ngành.

GS.TS Trần Thục – Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam. Ảnh: Yên Thi.

GS.TS Trần Thục – Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam. Ảnh: Yên Thi.

Muốn chuyển đổi số, cần có hạ tầng số

Có thể tóm tắt hoạt động của ngành khí tượng thủy văn (KTTV) thành 4 bước: Đo đạc ở tại hiện trường; truyền thông tin về trung ương; phân tích; đưa ra bản tin dự báo và cung cấp những kiến thức cho xã hội. Thời gian qua, ngành KTTV đã có những bước tiến đáng kể nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ (KHCN) và sự đầu tư của nhà nước. Tuy nhiên, cần phải phát triển hơn nữa.

Hiện nay, công nghệ số đang phát triển rất nhanh chóng. Vì thế theo tôi cần phải có một chiến lược chuyển đổi số cho ngành. Cần phải sắp xếp lại các đơn vị và có một đơn vị phụ trách về chuyển đổi số cho ngành KTTV.

Việc có thể làm ngay được là áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong dự báo KTTV. Hiện tại, chúng ta bị phụ thuộc quá nhiều vào các mô hình tính toán, các phân tích của các chuyên gia. Hãy để máy tính, để trí tuệ nhân tạo giúp chúng ta làm những điều này và chúng ta là người kiểm tra lại cuối cùng. Muốn có chuyển đổi số, muốn có công nghệ thông minh nhân tạo, chúng ta cần có hạ tầng số. Đó là hạ tầng về quan trắc số liệu, công nghệ tính toán và nhân lực.

Việc hợp nhất thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tạo điều kiện để ngành KTTV phát triển và phục vụ tốt hơn nữa. Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi vốn rất nhạy cảm với thời tiết, khí hậu, rất cần những thông tin thời tiết. Với cơ sở đó, việc đầu tư chung giữa các ngành, các lĩnh vực trong Bộ sẽ phù hợp và hiệu quả hơn.

(GS.TS Trần Thục – Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam).

Làm khoa học cần sự tự tin, lòng tin và cơ chế

Công nghệ tạo sự khác biệt, tạo ra sự thay đổi. Những vấn đề càng khó càng cần phải có công nghệ để giải quyết. Trong lĩnh vực môi trường như kiểm soát ô nhiễm nước thải công nghiệp chẳng hạn, xu hướng hiện nay là nâng cao hiệu quả xử lý, loại bỏ các chất ô nhiễm ra khỏi nước thải. Hai là tối ưu hóa chi phí xử lý như tốn ít điện, ít hóa chất, ít diện tích tiêu thụ, ít tài nguyên. Ba là thu hồi các chất có ích từ chất thải, tái sử dụng và nâng cao hiệu quả kinh tế.

GS.TS Nguyễn Việt Anh – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam. Ảnh: Yên Thi.

GS.TS Nguyễn Việt Anh – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam. Ảnh: Yên Thi.

Để đi theo các xu hướng này, khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt. Vừa qua, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu ứng dụng, làm chủ công nghệ xử lý nước thải phân tán áp dụng cho nhiều đối tượng khác nhau, chi phí thấp, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nghiên cứu về công nghệ bọt mịn và siêu mịn trong xử lý ô nhiễm nước – một giải pháp công nghệ thân thiện với môi trường; công nghệ thu hồi tài nguyên từ bùn thải, chất thải rắn và tái sử dụng nước thải.

Ở góc độ người làm khoa học môi trường, tôi cho rằng chúng ta có khá nhiều thuận lợi. Được nhà nước quan tâm với việc ban hành Nghị quyết 57, được xã hội thấy cần, được doanh nghiệp đặt hàng, dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn thông tin..., vì thế nếu có tâm huyết, có chuyên môn, đầu tư nghiên cứu thỏa đáng thì không thiếu việc.

Mặc dù vậy, công tác nghiên cứu KHCN vẫn còn nhiều khó khăn. Nguồn lực cho nghiên cứu khoa học và nguồn lực để doanh nghiệp ứng dụng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy vẫn có hành xử rằng: “Thà chạy bằng công nghệ cũ mà bị xử phạt hành chính còn hơn là phải cải tiến công nghệ”.

Một khía cạnh khác là hiện nay chúng ta đang hiểu chưa đúng cái khái niệm của một đề tài khoa học với một sản phẩm KHCN (vốn rất kỳ vọng là phải ứng dụng ngoài thực tế). Đề tài nghiệm thu xong, công bố kết quả nghiên cứu bằng các bài báo, bằng các cuốn sách... Nhưng để ứng dụng được ra thực tế, phải phát triển ra các mô hình, có thử nghiệm, đánh giá rồi cải tiến mô hình đó, hoàn thiện công nghệ, tích hợp vào một dây chuyền đầy đủ của một nhà máy…

Như vậy, đề tài khoa học chỉ có sứ mệnh là nghiên cứu một phần của công nghệ mà chúng ta kỳ vọng ứng dụng được. Chúng ta thay đổi phải thay đổi quan niệm giữa hỗ trợ kinh phí cho làm đề tài với việc tạo hành lang và cơ chế phù hợp để đưa sản phẩm KHCN vào thực tiễn. Nếu tách rời hai việc đó về quan niệm nhưng kết nối chúng lại với nhau về cơ chế, về cách quản lý thì mới thay đổi được tình hình nghiên cứu KHCN hiện nay.

Chưa kể muốn có ứng dụng thì phải có sự tham gia của doanh nghiệp. Các nhà khoa học phải tự tin để làm chủ công nghệ, còn doanh nghiệp phải tin tưởng các nhà khoa học để đầu tư, cùng đồng hành, và nhà nước là xúc tác tạo nên cơ chế. "Ba nhà" phải kết hợp với nhau thì tiến trình KHCN mới đi lên phía trước.

(GS.TS Nguyễn Việt Anh – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam).

Cần chú trọng hợp tác quốc tế

Nghị quyết 57 được các nhà khoa học, đặc biệt là các viện nghiên cứu như chúng tôi rất mong chờ. Bởi Nghị quyết 57 ra đời sẽ tăng kinh phí cho các chương trình nghiên cứu cơ bản, giúp các nhà khoa học yên tâm công tác. Thêm nữa, Nghị quyết 57 sẽ cho các viện nghiên cứu, các nhà khoa học được thành lập các doanh nghiệp để chính họ phát triển sản phẩm của họ, không phải đi liên danh, liên kết hoặc gửi gắm vào các doanh nghiệp như thời gian qua.

PGS.TS Khuất Hữu Trung, Phó Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp. Ảnh: Yên Thi.

PGS.TS Khuất Hữu Trung, Phó Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp. Ảnh: Yên Thi.

Ở Viện Di truyền nông nghiệp, công tác hợp tác quốc tế những năm qua rất mạnh. Chúng tôi có Phòng liên kết Việt Pháp, Phòng liên kết Việt Mỹ, Phòng liên kết Việt Nhật và sắp tới chúng tôi sẽ ký biên bản ghi nhớ với một viện nghiên cứu về thực vật của Côn Minh và viện nghiên cứu về nấm ở Quảng Đông (Trung Quốc).

Tôi cho rằng, phải có hợp tác quốc tế mới có thể thúc đẩy khoa học phát triển. Chúng tôi có thể trao đổi kinh nghiệm, các phương pháp nghiên cứu, cử cán bộ sang học tập tại các phòng thí nghiệm hiện đại, tiếp cận với những thiết bị mới, chuyên sâu.

Chúng tôi cũng kỳ vọng Nghị quyết 57 sẽ tạo cú hích cho việc đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học.

(PGS.TS Khuất Hữu Trung, Phó Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp).

Chuyển từ thích nghi bị động sang chủ động bứt phá

Nghị quyết số 57-NQ/TW ra đời như một luồng sinh khí mới, tạo niềm tin và động lực để các viện, trung tâm nghiên cứu chuyển từ “thích nghi bị động” sang “chủ động bứt phá”. Việc xác lập các cơ chế như khoán theo sản phẩm đầu ra, giao quyền tự chủ thực chất, định giá kết quả nghiên cứu, thúc đẩy thị trường KHCN… sẽ là nền tảng để khoa học không còn đứng ngoài dòng chảy phát triển kinh tế - xã hội mà thực sự là lực đẩy trung tâm.

Theo PGS.TS Đặng Văn Đông (trái) thăm mô hình sản xuất giống sen mới do Viện Nghiên cứu Rau quả nghiên cứu, chọn tạo. Ảnh: Trung Quân.

Theo PGS.TS Đặng Văn Đông (trái) thăm mô hình sản xuất giống sen mới do Viện Nghiên cứu Rau quả nghiên cứu, chọn tạo. Ảnh: Trung Quân.

Nghị quyết còn là bước ngoặt chiến lược trong tư duy phát triển KHCN, tương tự như vai trò của Khoán 10 trong nông nghiệp ba thập niên trước. Đây không chỉ là một nghị quyết chính sách mà là một nghị quyết giải phóng tư duy khoa học, kích hoạt hành động và thực thi mục tiêu, mở ra một hệ sinh thái chính sách đổi mới toàn diện.

Chính những đổi mới này đang tạo ra niềm tin và động lực mới cho giới khoa học, đặc biệt là các viện nghiên cứu ứng dụng như Viện Nghiên cứu Rau quả. Khi được “cởi trói”, nhà khoa học sẽ chủ động, sáng tạo và gắn bó hơn với thực tiễn sản xuất, thị trường. Đây là yếu tố quyết định để Việt Nam có thể chuyển từ đi sau, làm theo sang đi cùng, cạnh tranh trong hệ sinh thái KHCN toàn cầu.

Chúng tôi xác định rõ rằng, Nghị quyết 57 không chỉ là cơ hội mà còn là trách nhiệm đổi mới để phát huy năng lực nghiên cứu và đóng góp hiệu quả hơn cho ngành. Nếu trước đây làm được ít mà phải lo nhiều thì nay với tinh thần của Nghị quyết 57, chúng tôi tin rằng mình có thể làm được nhiều, lo ít hơn. Đặc biệt là làm đúng điều mà xã hội và thị trường cần. Đó chính là nền tảng để các nhà khoa học tạo ra những đột phá mạnh mẽ, thực chất và có tầm ảnh hưởng rộng hơn trong giai đoạn tới.

(PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả).

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nghi-quyet-57-co-hoi-va-trach-nhiem-doi-moi-d752166.html