| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 29/05/2025 - 05:29

Chính trị

Không để lợi ích nhóm chi phối bộ máy sau sáp nhập

Thứ Hai 26/05/2025 - 14:13

Bộ Chính trị yêu cầu hoàn tất sáp nhập cấp tỉnh trước 15/8, nhấn mạnh phải ngăn chặn tư tưởng cục bộ, lợi ích nhóm trong xây dựng bộ máy, nhân sự sau hợp nhất.

Ngày 25/5, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 157-KL/TW, yêu cầu hoàn tất sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 15/7 và cấp tỉnh trước ngày 15/8. Đây là bước cụ thể hóa các chủ trương lớn về tổ chức lại bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Bộ Chính trị yêu cầu hoàn thành sáp nhập cấp tỉnh trước 15/8. Ảnh minh họa.

Bộ Chính trị yêu cầu hoàn thành sáp nhập cấp tỉnh trước 15/8. Ảnh minh họa.

Điều được nhấn mạnh, trong văn bản do Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú ký, không chỉ là tiến độ, mà là yêu cầu chính trị cốt lõi: Trong toàn bộ quá trình sắp xếp, phải tuyệt đối tránh tư tưởng cục bộ địa phương, lợi ích nhóm, tiêu cực. Cảnh báo này phản ánh sự quan tâm của Trung ương trước những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình hợp nhất, đặc biệt là ở khâu bố trí nhân sự và thiết kế bộ máy mới.

Thực tế cho thấy, sáp nhập các tỉnh, thành sẽ dẫn tới giải thể những đảng bộ cũ và thành lập các tổ chức đảng mới. Đi kèm theo đó là tái cấu trúc toàn diện hệ thống chính trị, hành chính cấp tỉnh, tác động trực tiếp đến quyền lực, vị trí và lợi ích của nhiều cán bộ đương nhiệm.

Tổng Bí thư Tô Lâm, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết 66 và 68, từng nhấn mạnh, rằng tinh gọn không chỉ là giảm số lượng, mà là làm cho bộ máy trong sạch, nâng cao năng lực, trách nhiệm cá nhân và tính công khai, minh bạch trong hoạt động. Đây là kim chỉ nam để các cấp ủy, chính quyền không sa vào tư duy hình thức, đối phó khi triển khai hợp nhất.

Bộ Chính trị giao các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy thuộc diện sáp nhập đồng chủ trì chỉ đạo việc xây dựng văn kiện đại hội và phương án nhân sự cấp ủy, cấp tỉnh. Mọi biểu hiện vận động không minh bạch, chia ghế, giành quyền trong giai đoạn này sẽ đi ngược lại tinh thần đổi mới mà Đảng đề ra.

Trao quyền chủ động cho địa phương trong tổ chức nhân sự cũng đi kèm yêu cầu chặt chẽ không để xảy ra tác động, can thiệp trái quy định, đồng thời xử lý nghiêm mọi sai phạm. Bộ Chính trị nhấn mạnh nguyên tắc bảo đảm đoàn kết nội bộ, tránh để tái diễn tình trạng cạnh tranh ngầm giữa các nhóm quyền lực địa phương, vốn có thể kéo lùi hiệu quả cải cách bộ máy.

Không chỉ là bố trí con người, quá trình sáp nhập cấp tỉnh còn đặt ra yêu cầu đồng bộ về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền. Bộ Chính trị yêu cầu Đảng ủy Chính phủ sớm trình ban hành Nghị định mới về phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, nhằm bảo đảm rành mạch, không chồng chéo trong quản lý Nhà nước. Các địa phương cũng phải hoàn tất xác định vị trí việc làm và biên chế trong vòng 5 năm, đúng theo định mức, tránh tình trạng bộ máy phình to trở lại sau tinh giản.

Để bảo đảm quá trình chuyển tiếp suôn sẻ, việc bàn giao chức năng từ cấp huyện về cấp xã, nơi trở thành cấp chính quyền sau sáp nhập, sẽ bắt đầu từ ngày 1/7, khi các văn bản pháp luật liên quan có hiệu lực. Bộ Chính trị nhấn mạnh không được để xảy ra gián đoạn trong vận hành bộ máy, không để trống ghế quản lý địa bàn, lĩnh vực. Mọi hoạt động hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp phải được bảo đảm thông suốt, bất kể địa giới có thay đổi hay cơ cấu tổ chức có biến động.

Một điểm đáng chú ý nữa, là việc kết thúc tổ chức công đoàn trong các cơ quan hành chính, lực lượng vũ trang và đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách. Đây là bước chuẩn bị cho sửa đổi Hiến pháp và Luật Công đoàn trong thời gian tới, nhằm xây dựng một mô hình tổ chức công quyền tinh gọn, hiệu quả hơn, tách bạch giữa quản lý Nhà nước và hoạt động đại diện quyền lợi.

Với hàng loạt mốc thời gian cụ thể, quá trình sáp nhập đang bước vào cao điểm. Nhưng vượt lên trên sơ đồ tổ chức hay các con số, điều then chốt là tinh thần cải cách không bị làm nhẹ đi bởi những thỏa hiệp ngầm, sự cục bộ hay lợi ích nhóm. Đó không chỉ là phép thử cho năng lực điều hành, mà còn là thước đo trách nhiệm chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/khong-de-loi-ich-nhom-chi-phoi-bo-may-sau-sap-nhap-d755016.html