Chủ nhật 18/05/2025 - 19:59
Lâm nghiệp
Gắn kết học thuật với chính sách lâm nghiệp thông qua mạng lưới nghiên cứu
Chủ Nhật 18/05/2025 - 19:51
Trường Đại học Lâm nghiệp gắn kết học thuật với chính sách thông qua mạng lưới nghiên cứu góp phần phát triển bền vững ngành lâm nghiệp.
- Thực hiện chiến lược lâm nghiệp bền vững từ hoạt động trồng cây
- Giải phóng sức sáng tạo cho khoa học lâm nghiệp
- Cần Giờ ứng dụng công nghệ số trong tuần tra, quản lý rừng ngập mặn
- Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ canh tác sầu riêng
Phát biểu khai mạc Hội thảo “Các khuôn khổ pháp lý toàn cầu về không gây mất rừng và tác động đối với Việt Nam” ngày 17/5 tại Hà Nội, GS.TS. Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, nhấn mạnh: “Việc hiểu rõ các quy định, xu hướng và chiến lược ứng phó là vô cùng cần thiết, không chỉ đối với cơ quan quản lý nhà nước mà còn đối với khối nghiên cứu, đào tạo và cộng đồng doanh nghiệp”.

GS.TS. Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoài Thơ.
Theo GS.TS. Phạm Văn Điển, từ năm 1990 đến nay, thế giới mất hàng triệu hecta rừng mỗi năm. Mất rừng và suy thoái rừng là hai nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu và suy giảm nghiêm trọng đa dạng sinh học, có đến 90% diện tích rừng bị phá để mở rộng đất nông nghiệp, sản xuất một số mặt hàng chủ lực.
Trước bối cảnh đó, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Quy định về sản phẩm không gây mất rừng (EUDR), có hiệu lực từ sau ngày 31/12/2025, yêu cầu các sản phẩm xuất sang thị trường châu Âu không được liên quan đến tình trạng mất rừng. Quy định này tạo ra áp lực không nhỏ đối với các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam, buộc phải có những điều chỉnh mạnh mẽ trong hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng sản phẩm để duy trì thị trường xuất khẩu.
Đứng trước những yêu cầu và thách thức đó, việc đáp ứng các quy định như EUDR không chỉ đòi hỏi sự điều chỉnh ở cấp thể chế, chính sách, mà còn yêu cầu cả hệ thống từ nhà quản lý, doanh nghiệp đến giới nghiên cứu phải cùng tham gia và phối hợp chặt chẽ. Đây là lúc cần nhìn lại mối quan hệ giữa nghiên cứu khoa học và hoạch định chính sách, vốn đang là mắt xích yếu trong nỗ lực chuyển đổi ngành lâm nghiệp theo hướng minh bạch, bền vững.
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Tô Xuân Phúc, đại diện tổ chức Forest Trends cho rằng, việc xây dựng chính sách cần dựa trên nền tảng khoa học và thực tiễn khách quan. Tuy nhiên, hiện mối liên kết giữa nghiên cứu và hoạch định chính sách tại Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn, sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu trong việc phản biện chính sách chưa được khai thác hiệu quả, cần được củng cố để nâng cao hiệu quả quản lý ngành.

Hội thảo được xem như một bước ngoặt quan trọng nhằm đặt nền móng cho việc hình thành mạng lưới các trường đại học và viện nghiên cứu trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, góp phần phát triển bền vững tài nguyên rừng.
Hội thảo này được xem như một bước đi quan trọng nhằm đặt nền móng cho việc hình thành mạng lưới các trường đại học và viện nghiên cứu trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp. Mạng lưới này không chỉ đóng vai trò kết nối, mà còn hướng đến việc trao đổi thông tin chuyên sâu, tăng cường năng lực giảng dạy và nghiên cứu chính sách cho đội ngũ giảng viên, sinh viên, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như chính sách lâm nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập sâu với thị trường quốc tế.
Ngoài ra, mạng lưới còn góp phần chia sẻ thông tin cập nhật về các cơ chế và chính sách của Việt Nam và thế giới, trong đó gồm yêu cầu pháp lý và tiêu chí bền vững đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ đất lâm nghiệp và tín chỉ carbon rừng. Qua đó, năng lực nghiên cứu của các thành viên trong mạng lưới sẽ được nâng cao, đồng thời tạo điều kiện kết nối hiệu quả giữa giới học thuật và các cơ quan hoạch định chính sách, nhất là các cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc điều hành các lĩnh vực quan trọng này.
Mục tiêu xa hơn, mạng lưới được kỳ vọng sẽ hình thành nên một “cộng đồng thực hành” (community of practice) có cùng mối quan tâm về quản lý rừng bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, cũng như cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là những nhóm yếu thế.
Mạng lưới này sẽ được triển khai bằng nhiều hình thức như trao đổi thông tin định kỳ cả trực tiếp lẫn trực tuyến, tổ chức các đợt khảo sát thực địa, hội nghị, hội thảo chính sách, tọa đàm chuyên đề, và các chương trình giao lưu học thuật giữa sinh viên và giảng viên các đơn vị thành viên.
Đại diện tổ chức Forest Trends nhấn mạnh, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu liên tục biến động, cùng với sự siết chặt của các quy định, cần tăng cường kết nối giữa giới nghiên cứu và cơ quan hoạch định chính sách.
Các nghiên cứu không chỉ đóng vai trò cung cấp thông tin đầu vào mà còn góp phần phản biện, nâng cao chất lượng chính sách, đặc biệt với các vấn đề liên quan đến truy xuất nguồn gốc, không mất rừng, công bằng và bền vững.

TS. Tô Xuân Phúc (bên trái) và GS.TS. Phạm Văn Điển (bên phải) ủng hộ việc đưa các kiến thức, chính sách và nội dung nghiên cứu mới vào giảng dạy, góp phần xây dựng phản ứng chính sách trong cộng đồng học thuật. Ảnh: Hoài Thơ.
Đặc biệt, để tiếp cận đa dạng đối tượng và tăng cường hiệu quả truyền thông học thuật, nhà trường cũng đang xây dựng các ấn phẩm học thuật song ngữ (tiếng Việt - tiếng Anh) để phục vụ nghiên cứu và đào tạo, đồng thời nâng cao khả năng tham gia các diễn đàn quốc tế.
Trao đổi tại hội thảo, PGS.TS. Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, cho biết, Việt Nam hiện đang tập trung vào xây dựng Nghị định về tín chỉ carbon rừng và chuẩn bị triển khai quy định EUDR. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện khung pháp lý về quyền sở hữu carbon rừng và cơ chế chia sẻ lợi ích để thu hút đầu tư vào thị trường này.
Đối với EUDR, việc xây dựng cơ sở pháp lý và hạ tầng dữ liệu truy xuất nguồn gốc gỗ và lâm sản vào cuối năm nay là yêu cầu cấp bách, đòi hỏi sự đầu tư vào nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng công nghệ AI vào mã hóa rừng trồng.
Hội thảo lần này không chỉ có ý nghĩa cập nhật thông tin quan trọng về các khuôn khổ pháp lý toàn cầu mà còn tạo ra một nền tảng vững chắc để thúc đẩy sự kết nối, hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức nghiên cứu, từ đó hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như đã cam kết tại Hội nghị COP26.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/gan-ket-hoc-thuat-voi-chinh-sach-lam-nghiep-thong-qua-mang-luoi-nghien-cuu-d753823.html