Thứ tư 21/05/2025 - 12:10
Thủy sản
Enzyme và thảo dược thay thế kháng sinh trong nuôi lươn không bùn
Thứ Tư 21/05/2025 - 12:09
Enzyme và thảo dược là giải pháp thay thế kháng sinh hiệu quả trong nuôi lươn không bùn, giúp tăng sức đề kháng và bảo vệ môi trường nuôi.
- Công nghệ tạo hạt phân bón - Lời giải cho bài toán giảm phát thải
- Công nghệ nano sẵn sàng cách mạng hóa nông nghiệp toàn cầu
- Lươn Việt Nam chinh phục thị trường khó tính
- Chăn nuôi gà bằng thảo dược, đảm bảo quyền phúc lợi động vật
Trong những năm gần đây, mô hình nuôi lươn không bùn đang trở thành xu hướng tại nhiều địa phương, trong đó có Kiên Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh...
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang, so với phương pháp truyền thống, nuôi lươn không bùn dễ áp dụng, chi phí đầu tư tương đối thấp và ít xảy ra dịch bệnh nên được nhiều nông dân tận dụng không gian xung quanh nhà, hoặc chuồng nuôi lợn bỏ trống sau các đợt dịch tai xanh để chuyển sang nuôi lươn.
Tuy nhiên, chính việc loại bỏ lớp bùn đáy - nơi cư trú tự nhiên của các vi sinh vật có lợi, khiến môi trường ao nuôi dễ mất cân bằng, từ đó làm gia tăng nguy cơ phát sinh bệnh, đặc biệt là bệnh đường ruột, nhiễm nấm, ký sinh trùng và hội chứng stress do mật độ cao.
Trong bối cảnh đó, việc thay thế kháng sinh bằng các chế phẩm enzyme và thảo dược tự nhiên đang trở thành một trong những giải pháp công nghệ sinh học mới, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu về nuôi trồng thủy sản an toàn và hướng đến xuất khẩu bền vững.
Thách thức trong mô hình nuôi lươn không bùn
Nhà nghiên cứu Ayah Rebhi Hilles (Đại học Y khoa UCMS - Ấn Độ) và các cộng sự đã công bố kết quả nghiên cứu "Tiềm năng điều trị của chất nhầy da từ lươn đồng (Monopterus albus): Đánh giá trên cơ thể sống và bằng chứng mô học".
Nghiên cứu cho thấy, lươn là loài da trơn, không vảy, dễ bị tổn thương bởi vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng ngoài da. Trong môi trường nuôi không bùn (tức là lươn được nuôi trong bể nhựa, bể xi măng hoặc bể composite không có lớp bùn đáy), người nuôi phải liên tục xử lý chất nhầy do lươn tiết ra, chất thải tích tụ, và đặc biệt là sự biến động nhanh chóng của môi trường nước. Nếu không quản lý tốt, môi trường nước sẽ nhanh chóng bị ô nhiễm, sinh khí độc như amoniac, nitrit và hydrogen sulfide, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển.

Lươn là loài da trơn, không vảy, cấu tạo cơ thể khiến chúng dễ bị tổn thương bởi vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng ngoài da. Ảnh minh họa.
Trước đây, nhiều hộ nuôi thường dựa vào kháng sinh để xử lý bệnh. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc đã dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, tồn dư thuốc trong thịt lươn, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và bị cấm xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản. Chính vì vậy, nhu cầu về các giải pháp thay thế kháng sinh tự nhiên, an toàn và hiệu quả lâu dài đang ngày càng được quan tâm.
Enzyme và thảo dược: Giải pháp sinh học thay thế kháng sinh
Theo nghiên cứu "So sánh tác động của enzyme protease ngoại sinh trong khẩu phần có và không có bột cá đối với tăng trưởng, tiêu hóa, miễn dịch và sức khỏe đường ruột của tôm thẻ chân trắng" của TS. Mirasha Hasanthi và các cộng sự thuộc Đại học Quốc gia Jeju (Hàn Quốc) cho biết trong nuôi trồng thủy sản, các loại enzyme như protease, amylase, lipase thường được bổ sung trực tiếp vào khẩu phần ăn hoặc môi trường nước nhằm hỗ trợ tiêu hóa và cải thiện chất lượng nước.

Chế phẩm enzyme được bổ sung vào khẩu phần ăn giúp lươn tiêu hóa tốt hơn, giảm bệnh đường ruột và cải thiện chất lượng nước ao nuôi. Ảnh minh họa.
Ứng dụng enzyme trong thức ăn như protease giúp phân giải protein phức tạp thành các axit amin dễ hấp thu; amylase phân hủy tinh bột dư thừa (thường xuất hiện khi sử dụng thức ăn công nghiệp); lipase hỗ trợ tiêu hóa chất béo, giúp lươn phát triển ổn định.
Khi enzyme được bổ sung vào khẩu phần ăn, lươn hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, tốc độ tăng trưởng nhanh, hệ vi sinh đường ruột được cải thiện, từ đó giảm thiểu các bệnh tiêu hóa và giảm lượng phân thải ra môi trường. Ngoài ra, một số chế phẩm còn kết hợp enzyme với vi sinh vật có lợi như bacillus subtilis, giúp phân hủy chất nhầy do lươn tiết ra, là nguyên nhân chính gây mất oxy và ô nhiễm nước trong mô hình nuôi không bùn.
Với nghiên cứu "Thúc đẩy nuôi trồng thủy sản bền vững: Tìm kiếm các giải pháp thay thế kháng sinh để chống lại mầm bệnh" của PGS. Saima Mukhtar và các cộng sự tại Đại học Y King Edward (Pakistan), thảo dược đang được xem là một trong giải pháp "xanh" để thay thế hoàn toàn kháng sinh trong phòng và trị bệnh cho lươn. Các loại dược liệu như tỏi, nghệ, xuyên tâm liên, gừng, lá xoan, kim ngân hoa, neem Ấn Độ đã được nghiên cứu và ứng dụng thực tế tại nhiều mô hình nuôi thủy sản ở Việt Nam.
Cũng theo nghiên cứu này, tỏi và nghệ chứa hoạt chất allicin và curcumin có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm mạnh. Khi trộn vào thức ăn hoặc pha vào nước tắm cho lươn, những hoạt chất này có thể tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh mà không làm ảnh hưởng đến hệ vi sinh có lợi. Xuyên tâm liên có chứa andrographolide, một hoạt chất kháng virus và kháng viêm tự nhiên, được dùng nhiều trong y học cổ truyền và nay đang được khai thác trong thủy sản. Lá xoan và neem Ấn Độ thường được sử dụng để xua đuổi ký sinh trùng, rận cá và giảm nhiễm trùng ngoài da.

Cây neem Ấn Độ (Azadirachta indica) được biết đến là một loại thảo dược quý, thường được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản để xua đuổi ký sinh trùng và phòng ngừa bệnh nhờ các đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm tự nhiên. Ảnh minh họa.
Các dược liệu này được sử dụng dưới nhiều dạng: bột, cao lỏng, viên nén hoặc chiết xuất tinh dầu. Một số mô hình còn kết hợp với công nghệ nano và vi bọc (microencapsulation) để bảo vệ hoạt chất không bị phân hủy trong đường tiêu hóa, tăng hiệu quả sinh học.
Nghiên cứu từ Đại học Cần Thơ và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II cho thấy: khi sử dụng thảo dược định kỳ, tỷ lệ bệnh đường ruột ở lươn giảm đến 60-80%, tỷ lệ sống tăng, chi phí điều trị bệnh giảm đáng kể.
Việc sử dụng enzyme và thảo dược trong nuôi lươn không bùn không chỉ là giải pháp kỹ thuật thay thế kháng sinh, mà còn là xu hướng phát triển bền vững cho ngành thủy sản Việt Nam. Trong bối cảnh thị trường quốc tế ngày càng ưu tiên các sản phẩm "xanh - sạch - không kháng sinh", thì những mô hình kết hợp công nghệ sinh học, tự động hóa và thảo dược bản địa chính là chìa khóa giúp người nuôi Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng, mở rộng thị trường và giảm thiểu rủi ro dịch bệnh lâu dài.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/enzyme-va-thao-duoc-thay-the-khang-sinh-trong-nuoi-luon-khong-bun-d753839.html