| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 08/05/2025 - 07:13

Khoa học - Công nghệ

Đòn bẩy cho nuôi biển

Thứ Năm 08/05/2025 - 06:22

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã tạo ra nhiều công nghệ và giống thủy sản có giá trị cao, giúp thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi biển.

Làm chủ công nghệ giống thủy sản giá trị

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (gọi tắt Viện III) là một trong những viện nghiên cứu có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi biển.

Trong bối cảnh kinh phí đầu tư còn hạn hẹp, Viện III đã nghiên cứu thành công nhiều giống thủy sản có giá trị cao phục vụ nuôi biển. Ảnh: Kim Sơ.

Trong bối cảnh kinh phí đầu tư còn hạn hẹp, Viện III đã nghiên cứu thành công nhiều giống thủy sản có giá trị cao phục vụ nuôi biển. Ảnh: Kim Sơ.

Bài liên quan

Thời gian qua, Viện đã nghiên cứu và làm chủ công nghệ sản xuất con giống nhân tạo nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, góp phần bảo tồn nguồn gen, đa dạng sinh học, đóng góp tích cực cho việc phát triển ngành thủy sản các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và cả nước. 

Theo PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện III, một số công trình nghiên cứu nổi bật gần đây của Viện có thể kể tới như công nghệ sản xuất giống nhân tạo, nuôi thương phẩm các đối tượng nhuyễn thể (động vật thân mềm), cá biển, giáp xác, da gai... có giá trị kinh tế và đã trở thành nghề nuôi ở nhiều vùng ven biển, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài liên quan

Các đối tượng nhuyễn thể gồm vẹm xanh, trai ngọc, ốc hương, điệp quạt, hàu, bào ngư, sò huyết, ốc nhảy, tu hài, mực. Cá biển gồm cá măng, cá chẽm, cá mú lai, cá mú chấm cam, cá mú cọp, cá mú đỏ, cá song da báo, cá mặt quỷ, cá gáy, cá đục bạc. Giáp xác có tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, ghẹ xanh, tôm mũ ni, cua biển (cua xanh), cua huỳnh đế, tôm tít. Nhóm da gai có hải sâm trắng, hải sâm đen, hải sâm vú, cầu gai sọ dừa.

Ngoài ra, các đối tượng thủy sản nước ngọt và nước lạnh như cá chình, tôm càng xanh, cá tầm, cá hồi, cá lăng đuôi đỏ…;nhóm giun đốt như sá sùng, giun nhiều tơ… cũng đã được Viện III nghiên cứu sản xuất giống thành công và chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn sản xuất ở nhiều địa phương trên cả nước.

Nhiều giống thủy sản giá trị cao do Viện III nghiên cứu đã được người dân, doanh nghiệp đón nhận, đưa vào sản xuất. Ảnh: Kim Sơ.

Nhiều giống thủy sản giá trị cao do Viện III nghiên cứu đã được người dân, doanh nghiệp đón nhận, đưa vào sản xuất. Ảnh: Kim Sơ.

Bài liên quan

“Từ những kết quả nghiên cứu, chúng tôi đã chuyển giao, ứng dụng tại các địa phương ven biển trên cả nước. Chẳng hạn như cua biển, ốc hương, tôm sú, tôm thẻ chân trắng nhiều địa phương như Cà Mau, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận... đã tiếp nhận và ứng dụng rất thành công. Từ đó, hình thành nghề sản xuất giống các đối tương này trong nước, giúp người nuôi thương phẩm chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào con giống tự nhiên, nâng cao hiệu quả kinh tế”, PGS.TS Võ Văn Nha chia sẻ.

Ngoài việc tiếp tục phát triển các đối tượng nuôi đã thành công ở giai đoạn trước như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, ốc hương..., Viện III đã nghiên cứu và xây dựng thành công quy trình sản xuất giống thủy sản phục vụ nuôi biển như nhóm cá biển (cá chẽm, cá mú lai, cá mú chấm cam, cá mú cọp, cá mú đỏ, cá gáy, cá đục...), nhuyễn thể (hàu, tu hài, bào ngư, vẹm, sò huyết, trai tai tượng, trai ngọc nữ, điệp quạt, điệp seo…); công nghệ ương, nuôi thương phẩm tôm hùm trong lồng trên biển, trong hệ thống tuần hoàn nước (RAS); xây dựng thành công quy trình công nghệ ương, nuôi cá chình trong ao và trong hệ thống thuần hoàn nước.

Những năm qua, Viện III đã nghiên cứu và chuyển giao rất nhiều giống có giá trị cao phục vụ nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Kim Sơ.

Những năm qua, Viện III đã nghiên cứu và chuyển giao rất nhiều giống có giá trị cao phục vụ nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Kim Sơ.

Cùng với đó, các đối tượng cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi), cá nước ngọt (cá lăng đuôi đỏ, cá thát lát…) và một số đối tượng có giá trị kinh tế khác như sá sùng, hải sâm cát, hải sâm vú… cũng đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống nhân tạo, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, tạo nghề nuôi thương phẩm tại nhiều địa phương ở miền Trung, Tây Nguyên.

Nhiều công nghệ đột phá

Không chỉ sản xuất con giống, Viện III còn nghiên cứu, chuyển giao các quy trình nuôi mới có tính đột phá và được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn sản xuất.

Điển hình như ốc hương, nhờ sự phát triển theo chuỗi kỹ thuật nuôi của Viện III từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm bằng đăng lồng, ao đất, bể xi măng cho đến mô hình nuôi RAS đã giúp tăng năng suất, phát triển nghề nuôi ốc hương ổn định.

Viện III đã nghiên cứu thành công nhiều giống mới và quy trình nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị cao. Ảnh: Kim Sơ.

Viện III đã nghiên cứu thành công nhiều giống mới và quy trình nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị cao. Ảnh: Kim Sơ.

“Đối với nuôi ốc hương, cá chình, Viện III đã xây dựng hệ thống nuôi tuần hoàn, dùng thức ăn công nghiệp. Hiện nay, thức ăn công nghiệp nuôi ốc hương, cá chình đã được chủ động sản xuất, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế. Các nhà khoa học của Viện cũng đã sáng chế ra máy đa năng phục vụ quá trình cải tạo, vệ sinh đáy ao, san thưa và thu hoạch ốc hương hiệu quả”, PGS.TS Võ Văn Nha cho biết.

Ngoài ra, nhiều quy trình của Viện như: Quy trình nuôi thương phẩm hải sâm cát trong ao, ương tôm hùm bông giống trong lồng; quy trình sản xuất giống giun cát; quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm sá sùng trong ao đất; quy trình kiểm soát Vibrio spp. gây bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm thẻ chân trắng; quy trình kiểm soát Vibrio alginolyticus gây bệnh đỏ thân trên tôm hùm nuôi lồng; quy trình kiểm soát Rickettsia like bacteria (RLB) gây bệnh sữa trên tôm hùm nuôi lồng; giải pháp kỹ thuật điều trị bệnh sữa và bệnh đỏ thân trên tôm hùm nuôi lồng... cũng đã được Bộ Nông nghiệp và Môi trường công nhận tiến bộ kỹ thuật. Đặc biệt, quy trình sản xuất giống nhân tạo hải sâm vú đã được đăng ký độc quyền giải pháp hữu ích.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang thuộc Viện III tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang. Ảnh: Kim Sơ.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang thuộc Viện III tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang. Ảnh: Kim Sơ.

Các tiến bộ kỹ thuật đã được Bộ Nông nghiệp và Môi trường công nhận là sự hợp tác giữa Viện và các đơn vị khác gồm: Quy trình công nghệ nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng trên cát bằng nước biển ven bờ ở miền Trung đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh; quy trình nuôi thương phẩm cá chẽm trong lồng sử dụng thức ăn công nghiệp; quy trình nuôi thương phẩm cá chẽm trong ao sử dụng thức ăn công nghiệp; quy trình nuôi thương phẩm cá tầm Nga và cá tầm Xiberi trong bể, trong lồng; quy trình sản xuất giống cá tầm Nga và cá tầm Xiberi; quy trình nuôi thương phẩm cá hồi vân trong bể.

Đây là những cơ sở để Viện III thực hiện việc chuyển giao công nghệ đến các địa phương, doanh nghiệp và người dân trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên.

Các quy trình nuôi thương phẩm cá hồi vân, cá tầm trong bể nước chảy và trong lồng trên hồ chứa của Viện cũng đã tạo làn sóng phát triển nuôi cá nước lạnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tạo ra khoảng 70% sản lượng cá nước lạnh của cả nước, góp phần đáng kể phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đây là sản phẩm từ kết quả nghiên cứu của các chương trình do Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cùng các địa phương Khánh Hòa, Lâm Đồng giao Viện thực hiện từ năm 2012 đến nay.

Nghề nuôi cá tầm hiện phát triển mạnh ở khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Kim Sơ.

Nghề nuôi cá tầm hiện phát triển mạnh ở khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Kim Sơ.

Những năm gần đầy, mô hình nuôi cá chình thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp đã được Viện III nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khắp cả nước. Bên cạnh các mô hình RAS được nhiều doanh nghiệp ở miền Trung và miền Bắc tiếp nhận, các mô hình nuôi cá chình quảng canh trong ao cũng đã được Viện triển khai, tạo sinh kế cho nhiều hộ dân ở miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong xu hướng phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, đảm bảo bền vững, hiện Viện III đã và đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển và nhân rộng các mô hình nuôi ghép các đối tượng khác nhau trong cùng một hệ thống nuôi để tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Điển hình như mô hình nuôi ghép hải sâm với ốc hương trong ao cho ăn bằng thức ăn công nghiệp. Theo đó, hải sâm chung sống với ốc hương sẽ duy trì môi trường đáy ao tơi xốp, sạch, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho ốc hương sinh trưởng nhanh, đạt tỉ lệ sống cao. Mô hình đã được Viện III chuyển giao nhân rộng ở các tỉnh khu vực miền Trung và ngoài nước (Philippines, Sri Lanka). Mô hình được bạn bè quốc tế và người nuôi thủy sản nước ta đánh giá rất cao.

Theo PGS.TS Võ Văn Nha, thời gian tới, triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, Viện sẽ tập trung đột phá ở khâu giống thủy sản và công nghệ nuôi thương phẩm các đối tượng có giá trị kinh tế cao phục vụ nuôi biển. Cùng với đó, Viện cũng sẽ nghiên cứu, hợp tác, ứng dụng công nghệ mới, tăng cường quan trắc, giám sát môi trường, phòng chống dịch bệnh trên các đối tượng nuôi biển giúp người nuôi tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/don-bay-cho-nuoi-bien-d751514.html