| Hotline: 0983.970.780

Thứ hai 05/05/2025 - 07:19

Trồng trọt

Dân Thôm Mòn hưởng lợi kép nhờ đường hoa

Thứ Hai 05/05/2025 - 07:07

Với mục đích ban đầu để tạo cảnh quan, người dân xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu (Sơn La) bất ngờ thấy lúa sạch sâu bệnh từ khi có những con đường hoa.

Những bờ hoa tô điểm thêm cảnh quan cho cánh đồng ở xã Thôm Mòn. Ảnh: Đức Bình.

Những bờ hoa tô điểm thêm cảnh quan cho cánh đồng ở xã Thôm Mòn. Ảnh: Đức Bình.

Có bờ hoa, lúa sạch sâu bệnh

Bài liên quan

Trong cái lạnh se se cuối xuân của xã Thôm Mòn, những bờ hoa rực rỡ vươn mình khoe sắc dọc theo quốc lộ 6 dẫn vào thị trấn Thuận Châu. Đây là kết quả của chương trình gieo trồng hoa tạo cảnh quan, được bà con địa phương triển khai hơn 3 năm qua để xây dựng nông thôn mới.

Năm nay, bà con phấn khởi vì nguồn nước dồi dào, hệ thống kênh mương thủy lợi hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng. Phía dưới những bờ hoa rực rỡ là cánh đồng lúa xanh mướt, báo hiệu vụ mùa bội thu. Những thửa ruộng lúa đang bước vào giai đoạn sinh trưởng tốt, sẵn sàng cho thu hoạch vào giữa tháng 5.

Gần đây, nông dân ở Thôm Mòn thấy sâu bệnh trên lúa giảm hẳn. Thế nhưng không phải ai cũng biết về tác dụng phía sau của những bờ hoa trồng bên cạnh ruộng lúa, họ chỉ kháo nhau rằng năm nay sâu bệnh giảm, lẽ ra cùng kỳ năm ngoái, chắc đã phải phun 1 - 2 lần chống rầy nhưng năm nay chưa phải phun lần nào.

Bà Lò Thị Hoa (bản Nà Tý, xã Thôm Mòn) cho biết từ khi có những bờ hoa, ruộng lúa sạch hẳn sâu bệnh. Ảnh: Đức Bình.

Bà Lò Thị Hoa (bản Nà Tý, xã Thôm Mòn) cho biết từ khi có những bờ hoa, ruộng lúa sạch hẳn sâu bệnh. Ảnh: Đức Bình.

Bài liên quan

Bà Lò Thị Hoa, trú tại bản Nà Tý, xã Thôm Mòn chia sẻ: "Nhìn những bông hoa khoe sắc thắm bên bờ ruộng, tôi rất phấn khởi vì mang lại vẻ đẹp cho khu vực đồng ruộng nơi đây. Tôi cũng chưa từng nghe nhiều về tác dụng đi kèm của những cây hoa, nhưng quả thật từ khi chúng xuất hiện, số lần phun thuốc trừ sâu của bà con nơi đây giảm hẳn. Đơn cử như năm nay, tới cuối tháng 3 rồi tôi vẫn chưa phải phun thuốc cho ruộng lúa nhà mình lần nào”.

Trồng hoa trên bờ ruộng thu hút và hạn chế sự phát triển của các loài côn trùng gây hại như rầy, châu chấu, một số loài sâu hại (sâu xanh, sâu cuốn lá…). Mô hình này còn gia thu hút, đa dạng thêm các loài thiên địch như ong, bướm, bọ rùa… để tiêu diệt sinh vật gây hại, bảo vệ cây trồng theo cách tự nhiên.

Xã Thôm Mòn triển khai mô hình trồng hoa trên diện rộng với hơn 200m đường hoa chia thành 10 tổ sản xuất. Mỗi tổ trồng một loại hoa khác nhau, chủ yếu là hoa vạn thọ, sao nhái và một số giống hoa ngắn ngày phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.

Không chỉ thu hút thiên địch, kìm hãm sự phát triển của quần thể sâu hại, mô hình 'ruộng lúa, bờ hoa' còn tạo cảnh quan thanh bình cho những cánh đồng. Ảnh: Đức Bình.

Không chỉ thu hút thiên địch, kìm hãm sự phát triển của quần thể sâu hại, mô hình "ruộng lúa, bờ hoa" còn tạo cảnh quan thanh bình cho những cánh đồng. Ảnh: Đức Bình.

Bài liên quan

Bà Lường Thị Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã Thôm Mòn cho biết: "Ban đầu, xã phối hợp cùng các phòng ban vận động bà con trồng hoa ven đường và xung quanh cánh đồng. Chúng tôi tổ chức các cuộc thi giữa các nhóm để khuyến khích bà con chăm sóc hoa tốt hơn. Nhận thấy lợi ích kép như vậy, bộ phận phụ trách nông nghiệp xã đang nghiên cứu mở rộng mô hình để tối ưu hóa lợi ích trong sản xuất nông nghiệp”.

Nhờ giảm thiểu sâu bệnh, mô hình này đã góp phần thay đổi thói quen lạm dụng thuốc BVTV của bà con, việc sử dụng thuốc ngày càng hạn chế. Điều này không chỉ giúp nông dân tiết kiệm được chi phí mà còn bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.

Khuyến khích nhân rộng

Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác về mức độ giảm sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn nhờ những con đường hoa nhưng theo phản ánh của người dân, các loài sinh vật hại trên đồng ruộng xuất hiện muộn hơn và mức độ gây hại nhẹ hơn nhiều so với các năm trước.

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thuận Châu cho biết: Trước đây, bà con có thói quen phun thuốc BVTV theo kiểu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, dẫn đến lạm dụng và không theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Một vụ lúa có thể phun từ 4 - 5 lần, thậm chí hơn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. Nhưng kể từ khi triển khai mô hình trồng hoa, số lần phun thuốc giảm rõ rệt. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy tiềm năng ứng dụng mô hình này là rất lớn và quan trọng trong định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Huyện Thuận Châu sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình 'ruộng lúa bờ hoa'. Ảnh: Đức Bình.

Huyện Thuận Châu sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình "ruộng lúa bờ hoa". Ảnh: Đức Bình.

Năm 2025, huyện Thuận Châu gieo cấy hơn 1.500ha lúa xuân. Để đảm bảo hiệu quả canh tác, Phòng Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với các xã triển khai các biện pháp thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Cụ thể, tại từng xã, bản, các tổ khuyến nông được thành lập để tuyên truyền, hướng dẫn bà con áp dụng phương pháp “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm) nhằm hướng tới nền nông nghiệp xanh và bền vững.

Bà con tích cực ra quân làm thủy lợi, đảm bảo nguồn nước tưới, sử dụng nước tiết kiệm và hợp lý, đặc biệt trong mùa khô hạn. Đồng thời, địa phương cũng đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng công nghệ gieo mạ nền, mạ khay để tăng năng suất. Toàn bộ diện tích mạ được phủ nilon để phòng chống rét và sâu bệnh hại trong giai đoạn đầu sinh trưởng.

Với mô hình “ruộng lúa bờ hoa”, bà Phạm Thị Thanh Hường, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thuận Châu cho biết sẽ cần được nghiên cứu kỹ lưỡng về phương pháp trồng và các loài hoa phù hợp; khuyến khích tiếp tục nhân rộng ra các xã khác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và tiến tới giảm lượng thuốc BVTV ở mức thấp nhất. Đây là hướng đi bền vững để phát triển nông nghiệp xanh, tiết kiệm chi phí và bảo vệ sức khỏe cho nông dân.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/dan-thom-mon-huong-loi-kep-nho-duong-hoa-d744198.html