Thứ năm 15/05/2025 - 17:56
Chính trị
Đại biểu Quốc hội kỳ vọng đột phá từ thể chế hóa Nghị quyết 68
Thứ Năm 15/05/2025 - 17:50
Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân được ĐBQH thảo luận nhấn mạnh hỗ trợ đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ và cải cách chính sách doanh nghiệp.
- Nghị quyết 68 tạo cơ hội bứt phá thị trường bất động sản
- Chuyện đất công, đất tư và kinh tế tư nhân
- Kinh tế tư nhân cần nhất điều gì để phát triển?
- Kiểm soát biến động giá đất sản xuất kinh doanh
Chiều 15/5, tại Tổ 13 gồm các Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hậu Giang, Đắk Lắk, Lào Cai, Bắc Ninh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tham dự phiên thảo luận về các dự thảo nghị quyết quan trọng, trong đó nổi bật là dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tổ về phát triển kinh tế tư nhân, chiều 15/5. Ảnh: Lâm Hiển.
Kinh tế tư nhân - trụ cột được xác lập rõ ràng
Đồng tình với định hướng lớn trong dự thảo Nghị quyết, nhiều đại biểu khẳng định, việc thể chế hóa các chủ trương từ Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị là yêu cầu cấp bách và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đánh giá, dự thảo đã thể hiện tư duy chính sách đổi mới, toàn diện, với cách tiếp cận đồng bộ trên nhiều phương diện cốt lõi như đất đai, tín dụng, thuế, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính.
“Đây là bước đi thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc kiến tạo môi trường thuận lợi, minh bạch và bình đẳng cho kinh tế tư nhân phát triển bền vững, lâu dài”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) cũng cho rằng, Nghị quyết 68 là một dấu mốc về mặt nhận thức và tư duy chính trị, thể hiện quan điểm mới của Đảng trong việc coi kinh tế tư nhân là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) nhấn mạnh, người dân, đặc biệt là khối các doanh nghiệp rất kỳ vọng vào Nghị quyết của Quốc hội lần này. Ảnh: Lâm Hiển.
Theo đại biểu, việc phát triển kinh tế tư nhân không chỉ thúc đẩy sản xuất vật chất, mà còn tạo động lực phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, hấp thụ vốn và nâng cao năng suất lao động. “Nghị quyết này mang tính lịch sử, là lựa chọn sống còn để phát triển đất nước, cần được thể chế hóa một cách đầy đủ, kịp thời và nhất quán trong hệ thống pháp luật”, ông Bảo nói.
Thể chế hóa đồng bộ, khắc phục tính rời rạc trong chính sách
Đặt trong bối cảnh nhiều dự án luật đang được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín, đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) đề nghị các cơ quan chủ trì cần khẩn trương rà soát, cập nhật các nội dung của Nghị quyết 68 vào các dự luật như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Hải quan… để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và tránh chồng chéo.
“Các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 68 liên quan đến thẩm quyền lập pháp của Quốc hội là rất lớn, đòi hỏi phải được đánh giá, chuẩn bị kỹ lưỡng. Chính phủ cần đề xuất các dự án luật cần sửa đổi, bổ sung, đưa vào chương trình lập pháp năm 2025 và định hướng lập pháp nhiệm kỳ tới”, ông Nam nêu rõ.
Cần thiết lập các cơ chế đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và khởi nghiệp
Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị bổ sung các quy định về hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực. Đặc biệt, ông nhấn mạnh sự cấp thiết trong việc hỗ trợ chi phí đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), một rào cản lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và các startup tại Việt Nam hiện nay.

ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đề nghị rút ngắn thời gian xử lý thủ tục liên quan, đặc biệt dành cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và khởi nghiệp sáng tạo. Ảnh: Lâm Hiển.
Theo đại biểu, tài sản vô hình như ý tưởng, thuật toán, công nghệ độc quyền chính là cốt lõi cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên, do thiếu năng lực tài chính và pháp lý, nhiều doanh nghiệp chưa thể bảo hộ kịp thời, dẫn đến mất nhãn hiệu, bị chiếm tên miền hoặc không thể gọi vốn.
Dẫn chứng từ quốc tế, ông So cho biết, Singapore hiện hỗ trợ đến 70% chi phí đăng ký SHTT quốc tế, còn Hàn Quốc đã giúp hơn 11.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa bảo vệ quyền SHTT thông qua các trung tâm IP.
“Ở Việt Nam, nếu không có chính sách cụ thể, doanh nghiệp nhỏ khó có cơ hội phát triển thành tập đoàn lớn”, đại biểu cảnh báo và đề nghị dự thảo Nghị quyết cần quy định cụ thể về chính sách tài chính và thủ tục đơn giản hóa trong lĩnh vực này.
Chính sách cần rõ ràng, khả thi và có cơ chế thực thi hiệu quả
Một nội dung khác được đại biểu Nguyễn Như So quan tâm là Khoản 2 Điều 12 của dự thảo Nghị quyết, quy định “Cung cấp miễn phí một số dịch vụ tư vấn, đào tạo… cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh”. Theo ông, quy định hiện tại còn quá chung chung, chưa rõ phạm vi, tiêu chí hay cơ quan chủ trì, khiến việc triển khai dễ bị dàn trải và kém hiệu quả.
“Tôi đề nghị xác định rõ các nhóm dịch vụ ưu tiên, thiết kế chương trình mẫu có tính thực tiễn cao và quy định rõ cơ chế phối hợp giữa Trung ương, địa phương và đơn vị triển khai để đảm bảo tính khả thi”, ông nói.
Bên cạnh các góp ý về nội dung, các đại biểu tại Tổ 13 cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của việc tổ chức thực hiện Nghị quyết. Theo đó, dự thảo cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn, đồng thời lưu ý đến khả năng tiếp cận chính sách và điều kiện thụ hưởng để các chính sách thực sự đi vào cuộc sống.

Phiên thảo luận tại Tổ 13 về phát triển kinh tế tư nhân, chiều 15/5. Ảnh: Lâm Hiển.
Các đại biểu cũng đề nghị thiết lập cơ chế tham vấn chính sách có hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng. “Kinh tế tư nhân cần được lắng nghe và tham gia thực chất vào quá trình hoạch định, điều chỉnh và giám sát chính sách, chứ không chỉ là đối tượng thụ hưởng một chiều”, một đại biểu nhấn mạnh.
Phiên thảo luận tổ chiều 15/5 cho thấy sự đồng thuận cao giữa các ĐBQH trong việc thúc đẩy một nghị quyết mang tính đột phá, nhằm khơi thông các điểm nghẽn và tạo lập môi trường phát triển bền vững cho khu vực kinh tế tư nhân - khu vực đang chiếm hơn 40% GDP, tạo việc làm cho hàng triệu lao động và ngày càng giữ vai trò trung tâm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Sự thành công của Nghị quyết lần này, vì thế, không chỉ nằm ở tư duy tiến bộ, mà còn phụ thuộc vào mức độ cụ thể hóa trong từng điều khoản pháp lý và hành động chính sách sắp tới.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-ky-vong-dot-pha-tu-the-che-hoa-nghi-quyet-68-d753389.html