Thứ tư 14/05/2025 - 14:17
Thủy sản
Cá cam, cá nhụ bốn râu mở cơ hội đa dạng hóa đối tượng nuôi biển
Thứ Tư 14/05/2025 - 14:10
Cá cam hướng tới mô hình nuôi lồng trên biển, cá nhụ bốn râu thích hợp mô hình ao nước lợ khu vực ven biển và khu vực nuôi tôm nước lợ kém hiệu quả.
- 9 kiến nghị phát triển khoa học công nghệ ngành chăn nuôi, thủy sản
- Thủy sản đặt mục tiêu tự chủ về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược
- Động lực bứt phá khoa học từ Nghị quyết 57
- 'Hồi trống lệnh' hiệu triệu nhà khoa học
Cần phải tiến tới sản xuất thức ăn chuyên biệt cho cá nhụ bốn râu
Theo PGS.TS Đặng Thị Lụa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (Viện I), cá cam (Seriola dumerili Risso, 1810) và cá nhụ bốn râu (Eleutheronema tetradactylum Shaw, 1804) đã và đang được xem là đối tượng nuôi biển chủ lực quy mô công nghiệp ở một số thị trường trên thế giới, như: Đài Loan, Trung Quốc (cá nhụ) và Nhật Bản (cá cam).
Ở Việt Nam, cả 2 đối tượng cá cam và cá nhụ bốn râu đều là loài bản địa, đồng thời nước ta có bờ biển dài trên 3.200 km, mở ra tiềm năng phát triển mô hình nuôi hai đối tượng này là rất lớn.
Trong đó, cá cam hướng tới mô hình nuôi lồng trên biển, còn cá nhụ bốn râu thích hợp cho việc phát triển mô hình nuôi ao nước lợ khu vực ven biển và tại các khu vực nuôi tôm nước lợ kém hiệu quả.

PGS.TS Đặng Thị Lụa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cho biết, Viện I đã góp phần giúp Việt Nam chủ động được nguồn giống cá nhụ bốn râu, đồng thời đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên chủ động sản xuất giống cá cam. Ảnh: Tùng Đinh.
PGS.TS Lụa cho biết, Việt Nam đã cho sinh sản nhân tạo thành công cá nhụ bốn râu. “Quy trình công nghệ sản xuất và vận chuyển giống cá nhụ bốn râu” và “Quy trình công nghệ nuôi thương phẩm cá nhụ bốn râu trong ao” đã được công nhận tiến bộ kỹ thuật theo Quyết định số 718 và 719/QĐ-TCTS-KHCN&HTQT ngày 9/12/2019.
Sau khi kết quả nghiên cứu thành công bước đầu về quy trình sản xuất giống và nuôi cá thương phẩm, nhiều mô hình nuôi cá nhụ bốn râu ở Việt Nam đã được triển khai, song đến nay chưa thực sự phát triển được ở quy mô hàng hóa do quy trình công nghệ nuôi thương phẩm cần tiếp tục được hoàn thiện. Đặc biệt là Việt Nam chưa xây dựng được thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Bà Lụa cho hay, để tạo đột phá, đẩy mạnh việc phát triển nuôi quy mô lớn phục vụ xuất khẩu, công nghệ sản xuất giống và nuôi cá nhụ bốn râu ở nước ta cần được cải tiến, hoàn thiện ở những điểm sau:
Cần có đàn cá nhụ bốn râu bố mẹ chất lượng cao và số lượng lớn để sản xuất đủ số lượng giống phục vụ nuôi quy mô hàng hóa. Hiện, Viện I đang xây dựng đàn bố mẹ chất lượng cao và số lượng đủ lớn (10.000 con) cho sản xuất giống quy mô lớn.
Hiện nay, Viện I mới cho cá nhụ bốn râu đẻ được 1 lần/năm, trong, khi đó Đài Loan có thể cho cá đẻ nhiều lần/năm. Hơn nữa, cá nhụ bốn râu nuôi tại Việt Nam thường xuyên gặp phải hiện tượng cá chết ở giai đoạn 300 - 500 g/con. Qua trao đổi với chuyên gia, cá nhụ bốn râu có hệ tiêu hóa kém rất dễ bị bệnh đường ruột làm cá chết, ở Đài Loan đã có thức ăn chuyên biệt cho đối tượng cá này nhưng Việt Nam chưa có, do vậy cần phải tiến tới sản xuất thức ăn chuyên biệt cho cá nhụ bốn râu ở nước ta.
Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới nghiên cứu, sinh sản thành công giống cá cam
Còn đối với cá cam, lãnh đạo Viện I cho hay, trong thời gian vừa qua, Viện I đã gây dựng được đàn cá cam bố mẹ đủ điều kiện tham gia sinh sản với số lượng khoảng 80 con, khối lượng dao động 7 - 16 kg/con (trung bình 10 kg/con), độ tuổi từ 5+- 6+. Việc thu thập và gây dựng đàn cá cam bố mẹ từ tự nhiên là một bước quan trọng trong nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo.
Viện I đã tiến hành thử nghiệm cho cá cam sinh sản lần đâu, đợt 1 vào tháng 4/2025. Viện I đã tiến hành thử nghiệm ấp trứng và ương cá ở hai điều kiện khác nhau, đó là trên hệ thống bể (dễ theo dõi và kiểm soát nhưng nhiệt độ thấp) và trong ao có mái che (diện tích lớn, khó giám sát hơn nhưng đảm bảo được nhiệt độ cao hơn).
Kết quả ương cá cam trong hai mô hình khác nhau cho thấy sự sai khác khá rõ rệt, mặc dù các điều kiện chăm sóc và cung cấp thức ăn là tương đồng. Ở điều kiện ương trong bể, cá cam có phản ứng chậm và khả năng bắt mỗi kém; sau 20 ngày ương, tỷ lệ hao hụt cao, luyện sử dụng thức ăn công nghiệp không thành công và ghi nhận không có dấu hiệu của việc tiếp tục phát triển.

Hiện tại Việt Nam đã cho đẻ nhân tạo thành công cá cam. Ảnh: Viện I.
Ngược lại, khi ương cá cam trong ao có mái che, cá hoạt động linh hoạt và bắt môi tốt; đến ngày thứ 18, cá đã bắt đầu ăn thức ăn tổng hợp, tỷ lệ sống đến giai đoạn này ước đạt 25 - 30%.
Việc cá cam tiếp nhận sử dụng thức ăn công nghiệp thay cho thức ăn tự nhiên mở ra cơ hội lớn của việc thành công trong sản xuất giống cá cam vì khâu chuyển tiếp thức ăn được cho là một khâu kỹ thuật then chốt. Hiện tại đàn cá cam đang được tiếp tục ương lên cá giống tại Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc, Cát Bà, Hải Phòng và tiến tới thử nghiệm mô hình nuôi thương phẩm.
Hiện nay, do nhu cầu con giống và để giảm thiểu rủi ro của việc phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên, một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc đã và đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất giống nhân tạo cá cam nhưng chưa thành công. Nguyên nhân chính là do điều kiện khí hậu lạnh ảnh hưởng đến tỷ lệ trứng thụ tinh, sự phát triển của phôi, ấu trùng và do nguồn thức ăn cho giai đoạn ấu trùng cá không phù hợp dẫn tới tỷ lệ sống giai đoạn ấu trùng (cá con) quá thấp.
Như vậy, hiện tại Việt Nam đã cho đẻ nhân tạo thành công cá cam và nếu trong giai đoạn tới đây việc tiếp tục ương nuôi cá cam từ cá hương đến cá giống thành công thì có thể nói Việt Nam là nước đầu tiên sản xuất giống cá cam thành công có khả năng thương mại.
Tháo gỡ “điểm nghẽn” để tạo đột phá
Kết quả nghiên cứu thành công quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá nhụ bốn râu và bước đầu thành công trong sinh sản nhân tạo cá cam của Viện I đã góp phần giúp Việt Nam chủ động được nguồn giống cá nhụ bốn râu, đồng thời đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên chủ động sản xuất giống cá cam và có khả năng thương mại tạo ra sự đột phá cho phát triển nuôi biển trong thời gian tới.
PGS.TS Lụa cũng đã đưa ra đề xuất một số kiến nghị để đưa hai đối tượng mới này trở thành đối tượng nuôi biển chủ lực quy mô công nghiệp, tạo sự đột phát theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, đó là:
Cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá cam để tối ưu các chỉ tiêu kỹ thuật phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Nghiên cứu hoàn thiện một số điểm tồn tại trong công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá nhụ bốn râu (công nghệ cho cá đẻ nhiều lần/năm; khắc phục hiện tượng cá chết giai đoạn 300 - 500 g/con; nghiên cứu phát triển thức ăn chuyên biệt cho cá nhụ bốn râu) tạo điều kiện hoàn thiện công nghệ phát triển nuôi quy mô lớn phục vụ xuất khẩu.
Xây dựng “Chương trình phát triển nuôi cá nhụ bốn râu quy mô hàng hóa phục vụ xuất khẩu” với sự tham gia của mạng lưới các doanh nghiệp.
Tình hình phát triển cá nhụ bốn râu, cá cam ở một số thị trường trên thế giới
- Tại Malaysia, cá nhụ bốn râu là một trong 15 loài nuôi quan trọng trong chiến lược phát triển nuôi biển.
- Tại Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc…, cá nhụ bốn râu đã được đưa vào nuôi ở các ao đầm nước mặn lợ nhằm thay thế cho việc nuôi tôm không thành công do ô nhiễm môi trường và vấn đề dịch bệnh.
- Tại Đài Loan, cá nhụ bốn râu gần đây đã trở thành đối tượng nuôi chủ lực phục vụ cho xuất khẩu. Hàng năm sản lượng cá nhụ nuôi tại Đài Loan đạt khoảng 300.000 tấn và 70% sản lượng này được xuất khẩu sang Trung Quốc dưới dạng tươi sống hoặc đông lạnh, giá cá thương phẩm dao động 250.000 - 300.000 đồng/kg.
- Tại Nhật Bản, cá cam được xác định là đối tượng cá biển nuôi chủ lực chiếm hơn 50% tổng sản lượng nuôi trông thủy sản biển của nước này. Sản lượng cá cam nuôi của Nhật Bản đạt khoảng 100.000 - 150.000 tấn/năm và giá cá cam thương phẩm khoảng 1 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, nghề nuôi cá cam thương phẩm ở nước này vẫn chủ yếu vẫn dựa vào nguồn cá cam giống thu gom từ tự nhiên vào khoảng tháng 4 - 5 hàng năm và nhập khẩu nguồn giống thu gom tự nhiên từ một số quốc gia.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/ca-cam-ca-nhu-bon-rau-mo-co-hoi-da-dang-hoa-doi-tuong-nuoi-bien-d752566.html