Thứ năm 29/05/2025 - 07:02
Đầu tư - Tài chính
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Chi ngân sách cũng phải tính lãi, lời
Thứ Hai 26/05/2025 - 17:38
Ông Nguyễn Văn Thắng cho rằng, chi tiêu công cần được tính như khoản vay ngân hàng, đảm bảo hiệu quả rõ ràng, tránh lãng phí và gánh nặng ngân sách cho thế hệ sau.
- Tránh nguy cơ vô chủ tài sản công sau sáp nhập
- Đề xuất thuế TTĐB nước giải khát có đường: Cần đánh giá tác động đa chiều
- Đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết 31/12/2030
- Bán hàng online không kê khai thu nhập có thể bị xử phạt, truy thu thuế
Phát biểu tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) ngày 26/5 trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu quan điểm, các khoản vay ODA, vay từ Trung ương, vay nước ngoài, phát hành trái phiếu... cần “tư duy như khoản vay của ngân hàng”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trả lời tại nghị trường. Ảnh: Quốc hội.
Vấn đề được ông đưa ra trong bối cảnh Chính phủ đề xuất nâng trần nợ công cho các địa phương, nhưng đồng thời yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hiệu quả sử dụng vốn, tránh tình trạng vay về mà không tạo ra giá trị gia tăng tương xứng.
Theo Bộ trưởng, hiện trần nợ công Quốc hội cho phép là 60% GDP, nhưng đến hết năm 2024, tỷ lệ này mới ở mức 34,7%. Điều này cho thấy dư địa tài khóa còn khá rộng.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Tài chính nhận xét, mở rộng hạn mức vay cho ngân sách địa phương không đồng nghĩa với việc dễ dãi trong chi tiêu. Tất cả các khoản vay đều phải rõ hiệu quả đầu tư, tính toán được khả năng hoàn vốn.
Tư duy này phản ánh một cách tiếp cận mới trong điều hành ngân sách công. Nếu trước đây, chi tiêu công thường gắn với các khoản cấp phát, phân bổ theo kế hoạch, thì nay, Bộ Tài chính nhấn mạnh yếu tố hiệu quả, tương tự doanh nghiệp khi đi vay vốn, phải cân đo chi phí, lợi ích và chịu trách nhiệm với từng đồng vốn sử dụng.
Đề xuất tăng trần nợ cho địa phương được nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ, nhất là trong bối cảnh nhu cầu đầu tư cho hạ tầng, chuyển đổi số, khoa học công nghệ ngày càng lớn. Tuy nhiên, cũng xuất hiện những lo ngại về rủi ro tài khóa nếu không kiểm soát chặt. Đáp lại, ông Thắng cam kết, bội chi và nợ công sẽ luôn trong giới hạn cho phép. Đồng thời chỉ ra thêm, vấn đề không chỉ là trần nợ, mà là chất lượng chi tiêu.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên lấy ví dụ gần đây, khi Bộ Chính trị chỉ đạo tăng thêm 1% chi cho các lĩnh vực như nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tương đương khoảng 25.000 tỷ đồng. Nếu không có cơ chế linh hoạt trong chi ngân sách, không có nguồn dự phòng đủ mạnh, sẽ khó đáp ứng các nhu cầu đột xuất nhưng cấp thiết như vậy.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề xuất nâng tỷ lệ dự phòng ngân sách từ 4% lên 5%, để chủ động hơn trước những tình huống mới mà vẫn trong khuôn khổ ngân sách đã được Quốc hội phê duyệt.
Một điểm chú ý nữa được ông Thắng nhắc, là tinh thần phân cấp mạnh mẽ trong chi ngân sách. Dự thảo Luật lần này trao thêm quyền cho Chính phủ và Thủ tướng trong việc phân bổ, điều chỉnh dự toán thu - chi giữa các bộ ngành và địa phương, không làm tăng tổng mức chi nhưng đảm bảo tính linh hoạt và kịp thời theo tình hình thực tế.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, phân quyền, phân cấp phải đi kèm với trách nhiệm và kỷ luật ngân sách. Không thể để tình trạng hiểu sai quy định, chi không hiệu quả hoặc không đúng mục tiêu, gây gánh nặng cho Trung ương lẫn địa phương.
Bộ Tài chính đang phối hợp Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, đảm bảo phân cấp phân quyền tối đa cho các cấp, các ngành trong bối cảnh cả nước nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên năm nay và hai con số vào giai đoạn tới.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bo-truong-bo-tai-chinh-chi-ngan-sach-cung-phai-tinh-lai-loi-d755083.html