Thứ ba 13/05/2025 - 18:09
Thế giới
Bắc Phi trở thành tiểu vùng nóng lên nhanh nhất ở châu Phi
Thứ Ba 13/05/2025 - 18:04
Nhiệt độ tăng cao trên khắp châu Phi đang khiến lục địa này trở nên khan hiếm nước và mất an ninh lương thực, trong đó Bắc Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
- Australia tài trợ công nghệ nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu
- Đại dương đang nóng lên với tốc độ đáng lo ngại
- Biến đổi khí hậu khiến chuột “tràn lan” khắp đường phố
- Thành phố Fuji mất hơn một tháng mùa Đông mỗi năm do biến đổi khí hậu
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết những tác động của thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của sự phát triển kinh tế - xã hội ở châu Phi và làm trầm trọng thêm nạn đói, tình trạng mất an ninh và di tán của nhiều gia đình.
Thời tiết bất thường khắp châu Phi
Theo WMO, nhiệt độ bề mặt trung bình trên khắp châu Phi vào năm 2024 cao hơn khoảng 0,86 độ C so với mức trung bình của giai đoạn 1991-2020. Cũng trong năm ngoái, Bắc Phi ghi nhận mức thay đổi nhiệt độ cao nhất là 1,28 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020, khiến đây trở thành tiểu vùng nóng lên nhanh nhất ở châu Phi.
Nhiệt độ bề mặt đại dương cũng cao nhất trong lịch sử. WMO cho biết nhiệt độ bề mặt nước biển tăng nhanh ở Đại Tây Dương và Biển Địa Trung Hải. Hầu như toàn bộ khu vực đại dương xung quanh châu Phi đã bị ảnh hưởng bởi các đợt nắng nóng trên biển có cường độ mạnh, nghiêm trọng hoặc cực độ vào năm ngoái, đặc biệt là ở Đại Tây Dương nhiệt đới.

Châu Phi đang đối mặt với 'những thực tế cấp bách và ngày càng gia tăng' về biến đổi khí hậu như hạn hán dai dẳng và lũ lụt gây chết người. Ảnh: UN News.
Người đứng đầu WMO, bà Celeste Saulo đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề cấp bách và đang leo thang trên khắp lục địa châu Phi, một số quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng lũ lụt nghiêm trọng do lượng mưa quá lớn, trong khi một số quốc gia khác đang phải hứng chịu hạn hán và tình trạng thiếu nước dai dẳng.
WMO đã làm rõ tình trạng đặc biệt dễ bị tổn thương của châu Phi trước sự nóng lên của hành tinh - chủ yếu là do các quốc gia giàu có đốt nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, cơ quan này cho biết lũ lụt, nắng nóng và hạn hán đã buộc 700.000 người phải rời bỏ nhà cửa trên khắp lục địa vào năm ngoái.
WMO cũng cho hay hiện tượng El Nino đã diễn ra từ năm 2023 đến đầu năm 2024 và đóng vai trò chính trong các hình thái mưa trên khắp châu Phi. Chỉ riêng ở miền Bắc Nigeria vào tháng 9 năm ngoái, 230 người đã thiệt mạng trong trận lũ lụt càn quét thủ phủ Maiduguri của bang Borno, khiến 600.000 người phải di dời, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các bệnh viện và làm ô nhiễm nguồn nước tại các trại tị nạn.
Ở cấp độ khu vực, mực nước dâng cao do mưa lớn đã tàn phá Tây Phi và ảnh hưởng đến 4 triệu người.
Trái lại, cũng trong năm 2024, Malawi, Zambia và Zimbabwe phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong ít nhất 2 thập kỷ, với sản lượng thu hoạch ngũ cốc ở Zambia và Zimbabwe lần lượt ở mức gần 43% và 50% so với mức trung bình 5 năm.
Theo cơ quan khí tượng của Liên hợp quốc, đợt nắng nóng cũng là mối đe dọa ngày càng tăng đối với sức khỏe, sự phát triển và châu Phi, đồng thời thập kỷ qua cũng là thập kỷ nóng nhất trong lịch sử.
Nhiệt độ cao đã ảnh hưởng đến giáo dục trẻ em, các trường học phải đóng cửa vào tháng 3/2024 tại Nam Sudan khi nhiệt độ lên tới 45 độ C. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), năm 2024, ít nhất 242 triệu học sinh trên toàn thế giới đã nghỉ học vì thời tiết khắc nghiệt, nhiều em trong số đó ở châu Phi cận Sahara.
Ngoài giáo dục, nhiệt độ tăng cao trên khắp châu Phi đang khiến lục địa này trở nên khan hiếm nước và mất an ninh lương thực hơn, trong đó các quốc gia Bắc Phi là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tập trung vào Nam Sudan
Lũ lụt tàn khốc ở Nam Sudan trong những tháng gần đây đã khiến hàng nghìn người chăn nuôi mất đi những tài sản quý giá nhất của họ như dê, bò và gia súc. Những loài động vật này đóng vai trò thiết yếu trong cuộc sống của người dân và các phong tục lâu đời bao gồm hôn nhân và truyền thống văn hóa. Mọi rủi ro đều có thể ập đến do sự tàn phá của biến đổi khí hậu.
WMO cho rằng các kiểu thời tiết thất thường trên khắp châu Phi cũng đang cản trở việc canh tác, gây mất an ninh lương thực và khiến những người đã phải chạy trốn khỏi chiến tranh buộc phải di dời. Chẳng hạn, vào tháng 10/2024, lũ lụt đã ảnh hưởng đến 300.000 người ở Nam Sudan - một con số lớn đối với đất nước có 13 triệu dân, bị tổn thương bởi nhiều năm xung đột dân sự và cơ sở hạ tầng kém.
Thảm họa này đã quét sạch gia súc, với khoảng 30-34 triệu con, trung bình mỗi người dân mất khoảng 2 con vật nuôi và tình trạng nước ứ đọng đã gây ra nhiều bệnh tật. Các gia đình vốn tự cung tự cấp đã phải tìm kiếm sự giúp đỡ.
Trong khi đó, Nam Sudan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tàn khốc, tình trạng di dời hàng loạt tồi tệ hơn do chiến tranh ở nước láng giềng Sudan, cũng như căng thẳng leo thang trong nước và bạo lực lan rộng. Các báo cáo cho thấy giao tranh ở Sudan đã làm chệch hướng nền kinh tế Nam Sudan, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ để tạo ra 90% doanh thu quốc gia.
Khi lũ lụt không tấn công, hạn hán lại hoành hành Nam Sudan. Ông Meshack Malo, đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Nam Sudan cho biết sự thay đổi theo chu kỳ giữa lũ lụt và hạn hán khiến đất nước này bị ảnh hưởng gần như một phần lớn thời gian trong năm. Trong những năm gần đây, lũ lụt đã tồi tệ hơn, dữ dội hơn và thường xuyên hơn. Điều đó có nghĩa là bất kỳ trận mưa ngắn nào sau đó cũng có thể dễ dàng gây ra lũ lụt, vì nước và đất bão hòa. Do vậy, cường độ và tần suất đó khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Tại thị trấn Kapoeta của Nam Sudan, FAO đã giúp giảm số tháng khô hạn từ 6 xuống còn 2 tháng, bằng cách thu gom và dự trữ nước để bảo vệ các loại cây trồng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Theo Tiến sĩ Ernest Afiesimama thuộc Văn phòng khu vực châu Phi của WMO tại Addis Ababa, tại các quốc gia thiếu nguồn nước để tưới tiêu cho cây trồng, khả năng phục hồi và thích ứng với khí hậu là rất quan trọng.
Mặc dù khử muối - quá trình loại bỏ muối khỏi nước biển - có thể là giải pháp cho một số quốc gia, nhưng đối với nhiều nước châu Phi, giải pháp này lại không khả thi. Thay vì chuyển sang khử muối như một phương thuốc chữa bách bệnh, các nhà khoa học môi trường cho biết việc đầu tư vào các biện pháp thích ứng bao gồm các hệ thống cảnh báo sớm để hành động và chuẩn bị là rất cấp thiết.
Tiến sĩ Dawit Solomon, người đóng góp cho Dự án Tác động tăng tốc của nghiên cứu khí hậu CGIAR cho châu Phi (AICCRA) cho biết: "Xét đến những thách thức ở châu Phi cận Sahara, khử muối đặt ra một thách thức kinh tế, môi trường và xã hội phức tạp, và có một câu hỏi về tính bền vững và công bằng lâu dài của giải pháp này".
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bac-phi-tro-thanh-tieu-vung-nong-len-nhanh-nhat-o-chau-phi-d752967.html