| Hotline: 0983.970.780

Thứ hai 28/04/2025 - 15:46

Khuyến nông

Vùng rốn phèn thành 'vương quốc khóm'

Thứ Hai 28/04/2025 - 15:45

Đến Tân Phước hôm nay, ấn tượng nhất là những cánh đồng khóm bạt ngàn, hút tầm mắt, nhiều nhất là các xã Hưng Thạnh, Tân Hòa Đông, Thạnh Mỹ, Thạnh Tân, Mỹ Phước.

Bước ngoặt hồi sinh vùng đất chết

Đồng Tháp Mười là vùng đất “rốn lũ, rốn phèn” lâu đời, có diện tích 700.000ha, bao gồm 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang, trong đó riêng Tiền Giang được quy hoạch với diện tích tự nhiên 92.500ha thuộc 3 huyện Cái Bè, Cai Lậy và Châu Thành.

Trước đây, do đất nhiễm phèn nặng nên năng suất lúa khu vực Đồng Tháp Mười chỉ đạt khoảng 700kg/ha, cuộc sống người dân rất khó khăn, chủ yếu dựa vào tự nhiên. Từ thời Pháp thuộc đến chính quyền Sài Gòn, đã có nhiều công trình nghiên cứu và khai thác vùng này nhưng đều thất bại. Ngay cả sau giải phóng, khi đến đây, các chuyên gia nước ngoài cũng từng khẳng định Đồng Tháp Mười không thể trồng lúa.

Từ vùng đất hoang hóa, đến nay huyện Tân Phước đã có hơn 16.000ha đất chuyên canh cây khóm, lớn nhất Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Từ vùng đất hoang hóa, đến nay huyện Tân Phước đã có hơn 16.000ha đất chuyên canh cây khóm, lớn nhất Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, thấy được tiềm năng của vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Tiền Giang đã quyết định khai hoang, quyết tâm đưa vùng Đồng Tháp Mười thành trọng điểm phát triển kinh tế nông nghiệp.

Năm 1976, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành chỉ thị đào kinh Trương Văn Sanh bắt đầu từ xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy) đến xã Phú Mỹ, huyện Châu Thành (nay thuộc huyện Tân Phước) dài gần 20km, mở màn cho chiến dịch khai phá Đồng Tháp Mười. Tiếp theo đó là thực hiện chủ trương đào tiếp kinh Hai Hạt song song với kinh Trương Văn Sanh, kinh Bắc Đông dài hơn 40km và 7 tuyến kinh sườn, tổng chiều dài 70km.

Cùng với đó, tỉnh thành lập Nông trường Tân Lập, Nông trường Nguyễn Văn Phùng rồi vận động nhân dân các huyện đến khai hoang. Vùng đất phèn Đồng Tháp Mười bắt đầu chuyển mình. Khi đất có dấu hiệu hồi sinh, người dân đến bám trụ trên vùng đất Đồng Tháp Mười ngày càng đông.

Từ đó, công tác xây dựng cơ sở hạ tầng càng trở nên cấp bách, phải tiến hành khẩn trương vừa để phục vụ nhân dân, vừa xây dựng cơ sở vật chất, từng bước hình thành đơn vị hành chính cấp huyện. Ngày 27/8/1994, tỉnh tổ chức lễ công bố Nghị định 68/NĐ-CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ về thành lập huyện Tân Phước, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới về kinh tế, xã hội cho vùng đất khó nhưng giàu tiềm năng này.

Nhiều tỷ phú khóm

Ngay khi mới thành lập huyện Tân Phước, vùng đất này còn khoảng 15.000ha bị hoang hóa, chiếm 44% diện tích tự nhiên. Sau gần 50 năm khai phá Đồng Tháp Mười và hơn 30 năm thành lập huyện Tân Phước, cùng với cây lúa, cây khóm là một trong hai cây trồng chủ lực của địa phương.

Mỗi năm 'vương quốc khóm' Tiền Giang cung cấp cho thị trường khoảng 260.000 tấn trái khóm. Ảnh: Minh Đảm.

Mỗi năm "vương quốc khóm" Tiền Giang cung cấp cho thị trường khoảng 260.000 tấn trái khóm. Ảnh: Minh Đảm.

Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của cây khóm vùng Đồng Tháp Mười, huyện đã quy hoạch vùng trồng khóm chuyên canh tập trung tại các xã Hưng Thạnh, Mỹ Phước, Thạnh Mỹ, Thạnh Tân, Tân Hòa Đông… Đồng thời, đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất, bảo đảm hiệu quả vùng chuyên canh, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.

Đến nay, huyện đã đầu tư, nâng cấp 134 ô bao, xử lý, gia cố gần 719km đê, nâng công suất 172 trạm bơm điện với 293 máy bơm. Bên cạnh đó, xây dựng 190 cống các loại, thông dòng chảy hệ thống kênh các cấp (I, II, III) với tổng chiều dài khoảng 688km và hơn 1.100km kênh nội đồng.

Khi hệ thống kinh nội đồng được xây dựng hoàn thiện, nước ngọt luồn sâu vào vùng “rốn lũ, rốn phèn”. Nhờ nước phèn được xổ xả, diện tích cây lúa và cây khóm đã mở rộng vào các xã vùng sâu của Tân Phước. Ngành nông nghiệp đã nỗ lực tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Vì thế, năng suất, chất lượng của hạt lúa, quả khóm dần được nâng lên.

Ưu điểm cây khóm là thích hợp thổ nhưỡng vùng đất nhiễm phèn Đồng Tháp Mười, cho năng suất, sản lượng cao và đầu ra thuận lợi. Nhờ cây khóm chuyên canh, nhiều nông dân sau vài năm bội thu đã tạo dựng được cơ nghiệp vững vàng, trở thành tỷ phú trên vùng Đồng Tháp Mười hoang hóa khi xưa.

Ông Đặng Văn Hòa, tỷ phú khóm ở vùng đất Tân Phước. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Đặng Văn Hòa, tỷ phú khóm ở vùng đất Tân Phước. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Đặng Văn Hòa (70 tuổi, hiện đang cư ngụ khu phố 4, thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước) vốn nguyên quán ở huyện Chợ Gạo. Năm 1978, ông hưởng ứng lời kêu gọi khai hoang vùng Đồng Tháp Mười theo chủ trương của Đảng và nhà nước.

Ban đầu, ông Hòa làm cán bộ trong nông trường. Đến năm 1987, theo khuyến cáo của các nhà khoa học và kinh nghiệm của những người đi trước, ông chọn cây khóm để khởi nghiệp trên vùng đất phèn này. Sau gần 50 năm gắn bó với vùng đất này, ông có trong tay cơ ngơi hơn 20ha đất chuyên trồng khóm, mỗi năm thu lợi nhuận hàng tỷ đồng.

“Về quy trình canh tác, tháng nắng phải tưới nước đầy đủ, cây giống phải đồng cỡ, tưới phân mỗi tháng 1 lần. Mình xử lý để trái ra đồng loạt. Cây khóm rất dễ trồng. Mỗi năm tôi bán khoảng 500 tấn khóm. Đời sống nhân dân ở đây ai cũng vậy, rất ổn định”, ông Hòa phấn khởi.

"Vương quốc khóm"

Huyện Tân Phước hiện có hơn 16.000ha đất trồng khóm với sản lượng trên 260.000 tấn/năm, là địa phương duy nhất của tỉnh Tiên Giang có diện tích lớn chuyên canh cây khóm. Gần đây, hạ tầng giao thông vùng Đồng Tháp Mười được quan tâm đầu tư, việc vận chuyển, mua bán khóm dễ dàng nên đầu ra thuận lợi hơn. Tích lũy được vốn, nông dân đầu tư mua sắm phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất, giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Ngoài việc bán trái khóm tươi, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn chế biến ra kẹo, mứt khóm, nước khóm phục vụ giải khát rất có giá trị.

Thương lái đến tận cánh đồng thu mua khóm. Ảnh: Minh Đảm.

Thương lái đến tận cánh đồng thu mua khóm. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Bùi Hữu Thiện, nông dân ở xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước đã có 15 năm vào lập nghiệp nơi đây. Từ 1ha ban đầu, giờ đây gia đình ông là chủ 20ha khóm ở các xã Phú Mỹ, Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông, Hưng Thạnh. Mỗi năm, ông thu hoạch được hơn 500 tấn khóm. Ông Thiện cho biết, khóm là cây thích hợp với vùng đất nhiễm phèn chua, dễ trồng, dễ chăm sóc và có thu nhập ổn định.

“Khi mới về đây, tôi cũng chưa biết gì về cây khóm. Qua học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, tôi thấy khóm rất dễ trồng nên tôi ngày càng yêu thích và mở rộng diện tích. Chu kỳ trồng khóm là 3 năm mới phải trồng lại. Sau khoảng 1 năm cây khóm bắt đầu cho trái, bình quân 1,5 tháng sẽ thu hoạch 1 đợt, doanh thu 1 tỷ đồng/ha trong một chu kỳ trồng. Nếu giá khóm 8.000 đồng/kg như hiện nay, trừ hết chi phí sẽ lãi 50%", ông Thiện nói.

Qua gần 50 năm khai phá, cải tạo vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang với nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng cây khóm nơi đây vẫn xanh tươi, trĩu quả. Cây khóm đã thủy chung, gắn bó và cho quả ngọt bù đắp lại công sức, tinh thần cần cù, chịu khó của người dân trong quá trình chinh phục vùng đất khó. Quanh năm, cánh đồng khóm ở huyện Tân Phước luôn có thu hoạch, trái khóm chín đỏ, ngọt lịm, thơm lừng, mang nét đặc trưng của vùng đất mới.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/vung-ron-phen-thanh-vuong-quoc-khom-d750368.html