Vacxin dịch tả lợn Châu Phi mang tới yên tâm cho hàng triệu người chăn nuôi
Thứ Sáu 03/06/2022 , 19:36 (GMT+7)
Vacxin dịch tả lợn Châu Phi mang tới yên tâm cho hàng triệu người chăn nuôi. Siết chặt quản lý mã số vùng trồng. Giá rau xanh tăng mạnh do mưa lớn kéo dài. Giá lúa mì nhập khẩu tăng 35%.
VACXIN DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI MANG TỚI YÊN TÂM CHO HÀNG TRIỆU NGƯỜI CHĂN NUÔI
Sau hơn 2 năm nghiên cứu, chiều nay (3/6), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức tổ chức công bố sản xuất thành công vacxin thương mại phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi do Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco sản xuất. Qua đó, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất được vacxin loại dịch bệnh nguy hiển trên lợn này.
Khẳng định nỗ lực của ngành Thú y, các doanh nghiệp và các nhà khoa học Việt Nam trong việc hợp tác hiệu quả với các nhà khoa học thế giới trong việc làm chủ công nghệ nghiên cứu, sản xuất vacxin, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, đây là tiền đề quan trọng góp phần phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, 1 con lợn có thể với nhiều người không có giá trị lớn nhưng với 1,7 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đó là cả một gia tài. Bộ trưởng đánh giá việc công bố vacxin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi thương mại sẽ đem lại sự yên tâm cho hàng triệu người chăn nuôi lợn ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hãy vì trách nhiệm với xã hội, vì 2 tiếng ‘bà con’ mà cân bằng giữa giá thành và lợi nhuận, để bà con nông dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn với loại vacxin này. Từ đó xây dựng ngành chăn nuôi vững vàng hơn, để người nông dân bớt đi những ánh mắt thất thần vì dịch bệnh. Theo lộ trình được Bộ NN&PTNT đề ra, sau lễ công bố ngày hôm nay, Cục Thú y sẽ giám sát chất lượng vacxin NAVET-ASFVAC của 10 lô sản xuất liên tiếp. Đồng thời, tổ chức giát sát việc sử dụng vacxin theo 2 giai đoạn.
SIẾT CHẶT QUẢN LÝ MÃ SỐ VÙNG TRỒNG
Trước tình trạng sử dụng sai mã số vùng trồng để xuất khẩu hàng hóa, Cục Bảo vệ thực vừa có công văn gửi Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh, đại diện vùng trồng và cơ sở đóng gói đề nghị tăng cường quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu.Công văn nêu rõ, sai phạm khi sử dụng không đúng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đã khiến nước nhập khẩu cảnh báo vi phạm hoặc tạm dừng nhập khẩu. Ảnh hưởng lớn đến uy tín hàng nông sản Việt, nghiêm trọng hơn sẽ làm mất thị trường xuất khẩu.Nhằm siết chặt quản lý, từ ngày 6/6, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng sẽ chỉ làm thủ tục kiểm dịch thực vật cho các lô hàng xuất khẩu có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đứng tên tổ chức/cá nhân sở hữu mã số.Ngoài ra, danh sách các vùng trồng và cơ sở đóng gói sẽ được cập nhật liên tục và được chia sẻ trên cơ sở dữ liệu của Cục Bảo vệ thực vật.
GIÁ RAU XANH TĂNG MẠNH DO MƯA LỚN KÉO DÀI
Thời gian qua, mưa lớn liên tục trên địa bàn thành phố Hà Nội đã khiến nhiều diện tích canh tác rau màu bị hư hại, giá các loại rau xanh cũng tăng từ 2 – 3 lần.Khảo sát tại một số chợ truyền thống trên địa bàn thủ đô, bắp cải tăng từ 10.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg; khoai tây từ 10.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg; cải thảo từ 8.000 đồng/kg lên 24.000 đồng/kg; dưa chuột từ 13.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg…Theo một số tiểu thương, giá rau xanh tăng mạnh do mưa to kéo dài liên tục gây ngập úng. Bên cạnh đó, giá xăng lại điều chỉnh tăng cũng đẩy chi phí vận chuyển lên cao.
GIÁ LÚA MÌ NHẬP KHẨU TĂNG 35%
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 5, cả nước nhập khẩu hơn 1,73 triệu tấn lúa mì, trị giá khoảng 638 triệu USD. So với cùng kỳ 2021, lượng nhập khẩu giảm 2%, nhưng giá trị tăng trên 32,5%.Kéo theo giá nhập khẩu bình quân đạt 368 USD/tấn, tăng tới 35,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương gần 100 USD.Tính đến hết tháng 4/2022, Australia là nhà cung cấp lúa mì lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu từ thị trường này giảm gần 250.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, các thị trường lớn khác đều ghi nhận sự tăng trưởng khá như: Brazil, Hoa Kỳ, Ấn Độ.