Trung tâm Kinh tế nông nghiệp ĐBSCL 450ha sẽ trở thành điểm đến đa mục tiêu
Thứ Hai 22/08/2022 , 18:53 (GMT+7)
Trung tâm Kinh tế nông nghiệp ĐBSCL 450ha sẽ trở thành điểm đến đa mục tiêu. Xác định thang đo từng mục tiêu trong Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng. Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão Maon. Thả sò huyết dưới tán rừng có thêm lợi nhuận 50 triệu đồng/ha.
Trung tâm Kinh tế nông nghiệp ĐBSCL 450ha sẽ trở thành điểm đến đa mục tiêu
Báo cáo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan về Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ chiều 22/8.
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho biết, dự thảo về việc phê duyệt Đề án thành lập trung tâm xác định mục tiêu chung là thu hút đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Về mục tiêu cụ thể, trung tâm sẽ phát triển hạ tầng dịch vụ logistics phục vụ nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản, hiệu quả các dịch vụ vận chuyển, bảo quản, giảm tỷ lệ hư hỏng và thất thoát.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Cần Thơ và các ngành chức năng tham gia xây dựng dự thảo cần xác định rõ mục tiêu và ý nghĩa khi hình thành trung tâm. Để các doanh nghiệp có thể tham khảo và có quyết định tham gia phù hợp. Các đơn vị xây dựng dự thảo cần bám sát tờ trình 547 của chính phủ trình quốc hội nêu rõ việc thành lập trung tâm ”Một điểm đến đa mục tiêu” góp phần hình thành nên chuỗi liên kết sản xuất gắn với nhà nông, nhà sản xuất và nhà xuất nhập khẩu. D
ự kiến Trung tâm SẼ có tên giao dịch là “Trung tâm kinh tế Nông nghiệp Đồng Bằng sông Cửu Long” vớI diện tích 450 ha.
Xác định thang đo từng mục tiêu trong Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng
Cũng trong chiều 22/8, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp tục nghe đề án “sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến xuất khẩu.”
Ông Nuyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt cho biết, đề án tập trung chủ yếu ở các tỉnh ĐBSCL như: Đồng Tháp, Long An, An giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Đây đều là những địa phương có lợi thế về đường thuỷ để vận chuyển lúa gạo từ địa điểm thu hoạch tới nơi sơ chế, chế biến.
Cục trưởng Cục trồng trọt kiến nghị Bộ trưởng đề xuất chính phủ ban hành các chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp lớn tham gia và đống vai trò then chốt cho đề án, cũng như có cơ chế hỗ trợ tín dụng với người dân để bà con an tâm sản xuất.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, Đề án không chỉ dừng lại ở mục tiêu 1 triệu ha chuyên canh, mà chúng ta cần hướng tới việc nâng cao giá trị ngành hàng và gia tăng thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, Cục trồng trọt cần xác định thang đo cho từng mục tiêu để có kế hoạch thực hiện đề án phù hợp và sát thực tiễn.
ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI MẠNH LÊN THÀNH BÃO MAON
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, chiều 22/8, áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở phía Đông đảo Luzon, Philippines đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Maon.
Do ảnh hưởng của bão, từ chiều 23/8, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6-7, ngày 24/8 tăng lên cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 4,0-6,0m; biển động mạnh.
Dự báo 13 giờ ngày 24/8, tâm bão Maon cách Hồng Kông, Trung Quốc khoảng 550km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11.
Thả sò huyết dưới tán rừng có thêm lợi nhuận 50 triệu đồng/ha
Những năm gần đây ngư dân Kiên Giang đã có sáng kiến thả thêm sò huyết trong ao nuôi thủy sản dưới tán rừng nhận khoán.
Việc thả nuôi thêm sò huyết dưới tán rừng tốn ít chi phí, chỉ phải mua con giống, trong quá trình nuôi không cần cho ăn, vì sò chỉ ăn bã thực vật, thủy sinh.
Điều này cũng góp phần cải tạo môi trường nước do sò lọc tảo, xử lý mùn bã hữu cơ vi sinh vật
Nuôi sò huyết mỗi lứa nuôi 12 tháng, thời điểm thả giống thuận nhất khoảng tháng 5, 6 Dương lịch. Sau khoảng 1 năm thả nuôi, sò huyết có thể thu hoạch, trọng lượng từ khoảng 130 con/kg, thời điểm chính vụ sò huyết được thương lái thu mua từ 95.000 -130.000 đồng/kg.
Theo các hộ thả nuôi, với chi phí đầu tư từ 20 – 25 triệu đồng/ha, chủ yếu là tiền mua con giống và công chăm sóc. Mỗi lứa nuôi trung bình từ 10 – 12 tháng, thu hoạch được 2 – 3 tấn sò huyết thương phẩm/ha cho lãi khoảng 50 triệu đồng.