Gạo Việt Nam dẫn đầu về giá trên toàn cầu; Giá cà phê thế giới giảm, giá trong nước vẫn tăng; Lâm Đồng hỗ trợ kiểm tra chất lượng sầu riêng; Cần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện dẫn đầu trên toàn cầu. Hiện giá gạo tẻ thường tiêu chuẩn 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã trở lại vị trí số 1, với 397 USD/tấn; trong khi của Thái Lan là 395 USD/tấn, Pakistan là 387 USD/tấn và Ấn Độ là 376 USD/tấn. Gạo cao cấp của Việt Nam cũng đang đạt giá cao nhất, với 1.200 USD/tấn ( đối vớigạo ST 25), trong khi gạo Thơm Lài, gạo Hom Mali của Thái Lan và gạo Basmati của Ấn Độ đều có giá thấp hơn… Lý do là bởi gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu khắt khe từ các thị trường như EU, Mỹ và Nhật Bản. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu từ các nước như Philippines, Indonesia và châu Phi cũng tăng mạnh, góp phần đẩy giá gạo xuất khẩu lên cao.
GIÁ CÀ PHÊ THẾ GIỚI GIẢM, GIÁ TRONG NƯỚC VẪN TĂNG
Biên tập: Phạm Huy
Trên thị trường thế giới, giá cà phê hôm nay (18/4) đồng loạt quay đầu giảm mạnh so với phiên giao dịch hôm qua. Giá cà phê Robusta trên sàn London quay đầu giảm mạnh so với phiên giao dịch hôm qua, mức giảm từ 92 - 135 USD/tấn, dao động 5.098 - 5.398 USD/tấn. Giá cà phê Arabica trên sàn New York cùng xu hướng giảm, mức giảm từ 0,55 - 1,65 cent/lb so với phiên giao dịch trước đó, dao động 353.50 - 380.90 cent/lb. Trong nước, giá cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên tiếp đà tăng nhẹ so với phiên giao dịch hôm qua, mức tăng từ 700 - 800 đồng/kg. Hiện giá thu mua trung bình ở mức 133.700 đồng/kg.
LÂM ĐỒNG ĐỀ XUẤT HỖ TRỢ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG SẦU RIÊNG
Thực hiện: QUANG DŨNG
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường cử cán bộ các Trung tâm phân tích trực thuộc đã được Trung Quốc và Việt Nam chỉ định, hỗ trợ địa phương thực hiện kiểm tra đối với các sản phẩm sầu riêng để phục vụ xuất khẩu đặc biệt là cho niên vụ 2025. Hiện nay, các đơn vị kiểm nghiệm được chỉ định trong nước đang tạm dừng tiếp nhận mẫu phân tích. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa có đơn vị nào đáp ứng được việc phân tích chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với sầu riêng để xuất khẩu, đặc biệt là chất vàng Ô để đáp ứng nhu cầu phân tích các chỉ tiêu kim loại nặng và chất vàng Ô trong sản phẩm sầu riêng phục vụ xuất khẩu theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.
CẦN ĐA DẠNG HÓA ĐỐI TƯỢNG NUÔI THỦY SẢN
Phạm Huy
Trước những biến động của thị trường xuất khẩu và tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu, các chuyên gia cho biết việc tập trung nuôi một số loài chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng hay cá tra tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi giá thị trường biến động hoặc xảy ra dịch bệnh, người nuôi có thể bị thiệt hại nặng nề. Do đó, các địa phương cần chủ động chuyển hướng, đưa vào nuôi các loài có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng như cá rô phi, cá chẽm, cá mú, cua biển hay một số loài nhuyễn thể.Ngoài ra, việc đầu tư vào công nghệ nuôi hiện đại, ứng dụng các mô hình tuần hoàn, kiểm soát tốt môi trường nước, cùng với con giống chất lượng và kiểm dịch chặt chẽ cũng là yếu tố then chốt giúp phát triển bền vững.