ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ VIỆN KHOA HỌC THỦY LỢI MIỀN NAM Thực hiện: MINH SÁNG #MC: Hôm nay, ngày 27/5, Đảng bộ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tổ chức Đại hội lần thứ 18, nhiệm kỳ 2025 - 2030, trong không khí thi đua sôi nổi cùng toàn ngành Nông nghiệp và Môi trường, hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng và Đại hội Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường lần thứ nhất. Đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường tới dự và chỉ đạo hội nghị. Phát biểu tại đại hội, đồng chí Trần Bá Hoằng, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhấn mạnh: Nhiệm kỳ qua, dù còn nhiều khó khăn, Đảng bộ Viện đã nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, đóng góp hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ trẻ ngày càng trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Trong nhiệm kỳ tới, Viện sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi thực hiện cơ chế tự chủ. Do đó, việc lựa chọn đội ngũ lãnh đạo có năng lực, bản lĩnh, trí tuệ là yếu tố then chốt. Chỉ đạo tại đại hội, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ NN và MT, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp biểu dương những thành tựu nổi bật của Viện, nhất là trong công tác dự báo thiên tai, từ hạn hán, xâm nhập mặn, đến sạt lở… góp phần giúp Bộ tham mưu Chính phủ kịp thời điều hành sản xuất và hỗ trợ đời sống người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thứ trưởng tin tưởng, Đại hội lần thứ 18 sẽ là dấu mốc quan trọng, xác lập tầm nhìn và định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2050 vì một nền khoa học thủy lợi gắn kết chặt chẽ với thực tiễn và phát triển bền vững. |
ĐẠI HỘI BAN QUẢN LÝ CÁC DỰ ÁN NÔNG NGHIỆP Thực hiện: TRẦN VĂN – QUANG DŨNG #MC: Cũng trong hôm nay (27/5), tại Hà Nội, Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ lần thứ VII, nhiệm kỳ 2025-2030. Đồng chí Hoàng Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường dự và chỉ đạo Đại hội. Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thứ trưởng Hoàng Trung ghi nhận và biểu dương những kết quả Đảng bộ Ban quản lý các dự án Nông nghiệp đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đồng thời đề nghị, Đảng bộ Ban quản lý các dự án Nông nghiệp phát huy tối đa nguồn lực, tranh thủ sự tạo điều kiện của Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ, vượt qua mọi khó khăn thách thức, tập trung thực hiện tốt các chương trình, dự án theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt đề xuất, báo cáo chủ trương đầu tư, báo cáo đầu tư/văn kiện dự án mới; phấn đấu đưa ít nhất 4 dự án mới đi vào triển khai thực hiện trong thời gian tới. Ngay sau Đại hội, Thứ trưởng Hoàng Trung cũng đề nghị, Đảng ủy Ban khẩn trương xây dựng quy chế làm việc của Đảng bộ, Đảng uỷ nhiệm kỳ 2025-2030; xây dựng chương trình làm việc toàn khoá và hằng năm của Đảng bộ Ban. Trong đó phân công nhiệm vụ “rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm” trong Đảng uỷ, tập thể lãnh đạo và đến từng đảng viên; tăng cường quản lý đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, làm tốt công tác kiểm tra giám sát, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, các đề án quan trọng của Ban và của Bộ./. |
KIỂM SOÁT NGUY CƠ DỊCH BỆNH TRONG BUÔN BÁN ĐỘNG VẬT HOANG DÃ Thực hiện: THANH THỦY #MC: Thưa quý vị và các bạn! Trong 2 ngày hôm nay 27/5 và ngày mai 28/5, tại Hải Phòng, nhóm công tác phòng chống đại dịch - chương trình đối tác một sức khỏe (OHP) tổ chức hội thảo chủ đề ‘Áp dụng các hướng dẫn của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh trong buôn bán động vật hoang dã’. Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), để kiểm soát dịch bệnh từ động vật hoang dã, Việt Nam cần tăng cường áp dụng các hướng dẫn của Tổ chức Thú y Thế giới. Tài liệu hướng dẫn của tổ chức này đã cung cấp một khung phân tích rủi ro toàn diện gồm: nhận diện mối nguy, đánh giá phơi nhiễm, mô tả và quản lý rủi ro, cùng truyền thông. Trong bối cảnh thương mại động vật hoang dã phức tạp, Việt Nam cần linh hoạt vận dụng cách tiếp cận Một Sức khỏe, phối hợp liên ngành y tế - thú y – môi trường; phân tích rủi ro theo chuỗi, ưu tiên kiểm soát tại các điểm nóng như chợ buôn bán, điểm trung chuyển và cơ sở nuôi nhốt kém an toàn sinh học. Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về cách thức triển khai và lồng ghép các tiêu chuẩn và hướng dẫn của Tổ chức Thú y Thế giới vào trường hợp thực tế ở Việt Nam. Đặc biệt, có sự hiện diện trực tiếp của các chuyên gia của Tổ chức Thú y Thế giới đến từ Bangkok. |
EU SẮP THANH TRA MỘT SỐ NÔNG SẢN CỦA VIỆT NAM Thực hiện: QUANG DŨNG Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, EU vừa có văn bản đề xuất cử đoàn thanh tra đến Việt Nam để kiểm tra, đánh giá các biện pháp kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật trong một số mặt hàng xuất khẩu sang khu vực này. Những loại hàng hóa mà EU tập trung kiểm tra là sầu riêng, thanh long và ớt. Theo kế hoạch, đoàn thanh tra sẽ làm việc tại các địa phương: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, các chuyên gia EU sẽ đến trực tiếp vùng trồng và cơ sở sơ chế, đóng gói để đánh giá việc tuân thủ quy định pháp luật về an toàn thực phẩm và khả năng truy xuất nguồn gốc. Dự kiến, ngày 11/6, đoàn bắt đầu làm việc tại tỉnh Bình Thuận, sau đó tiếp tục di chuyển tới các tỉnh miền Tây để giám sát lô hàng thanh long, sầu riêng và ớt. Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật yêu cầu các cơ sở trong diện thanh tra chuẩn bị đầy đủ hồ sơ liên quan đến điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, mỗi cơ sở cần xây dựng báo cáo tóm tắt về thực trạng sản xuất để làm việc với đoàn thanh tra. |
XUẤT KHẨU RAU QUẢ SỤT GIẢM THÁNG THỨ 5 LIÊN TIẾP Thực hiện: QUANG DŨNG Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 5/2025 chỉ đạt 496 triệu USD, giảm mạnh 35,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây đã là tháng thứ 5 liên tiếp ngành hàng này sụt giảm. Trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động, áp lực cạnh tranh gia tăng và tiêu chuẩn nhập khẩu ngày càng khắt khe, ngành rau quả Việt Nam buộc phải bước vào giai đoạn tái cấu trúc toàn diện nếu không muốn bị tụt lại phía sau. Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn nhất - ghi nhận mức sụt giảm tới 33%. Ngược lại, xuất khẩu vào các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản lại có tín hiệu lạc quan, tăng lần lượt 65% và 22%. Thị trường càng khó tính, dư địa tăng trưởng càng lớn - nếu doanh nghiệp đáp ứng được chuẩn quốc tế. Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, xuất khẩu nông sản giờ đây không còn là "cuộc chơi" của giá rẻ hay thị trường dễ tính. Khi các rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe, việc chủ động thích ứng từ vùng trồng đến chế biến, logistics và thị trường đích… là điều kiện sống còn để nông sản Việt vững bước trên sân chơi toàn cầu. |
LỄ HỘI TẬN HƯỞNG ĐÀ NẴNG 2025 Thực hiện: PHẠM HUY Phát biểu tại buổi họp báo công bố Lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng 2025 diễn ra vào hôm nay (27/5), Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, đây là lễ hội được thành phố đầu tư quy mô lớn, chuyên nghiệp, kết hợp các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao, văn hóa, ẩm thực và du lịch phong phú, độc đáo. Nổi bật tại lễ hội là không gian ẩm thực Da nang Summer Taste với hơn 60 gian hàng, không gian nghệ thuật sắp đặt Câu chuyện làng chài Đà Nẵng tại bãi biển Mân Thái, cùng các hoạt động như trình diễn diều nghệ thuật, check-in Sắc màu nghệ thuật biển…Ngoài ra còn có các hoạt động thể thao như trình diễn thuyền buồm trên sông Hàn, Ngày hội SUP “Danang Colorful Festival”… cũng hứa hẹn thu hút đông đảo du khách tham gia. |
HUY ĐỘNG SỨC DÂN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Thực hiện: QUANG DŨNG MC: Thưa quý vị và các bạn! Xây dựng nông thôn mới không chỉ là cuộc cách mạng về hạ tầng, mà còn là hành trình thay đổi tư duy, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường trong mỗi người dân. Tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La – nơi địa hình hiểm trở, cuộc sống từng nhiều thiếu thốn – hơn 8 năm qua đã chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ nhờ sự đồng lòng, đồng thuận giữa “ý Đảng” và “lòng dân”. Với phương châm “lấy dân làm gốc”, hàng trăm hộ dân đã tự nguyện hiến đất, góp công, góp của để làm đường, làm cầu, xây dựng những công trình phục vụ cộng đồng. Từ một vùng khó khăn, Ngọc Chiến hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới – xanh hơn, sạch hơn, văn minh và đáng sống hơn. Phóng sự sau sẽ phản ánh rõ nét quá trình chuyển mình ấy – từ ý chí, hành động, đến niềm tin vào tương lai của một vùng quê đang vươn lên từng ngày. Sau hơn 8 năm xây dựng NTM, xã Ngọc Chiến thuộc huyện Mường La đã có 833 hộ hiến đất với diện tích 33.000 m2 để làm đường giao thông. Tổng vốn nhân dân đóng góp để làm đường giao thông nông thôn và công trình phục vụ cộng đồng trên 115 tỷ đồng. Đến nay, Ngọc Chiến đã cứng hóa được 100% các tuyến đường xã, bản, liên bản, đảm bảo giao thông thông suốt; 100% đường ngõ, xóm sạch, đẹp, đi lại thuận tiện quanh năm. Ông LƯỜNG VĂN THƯƠNG Bí thư chi bộ Bản Phày, xã Ngọc Chiến, Mường La, Sơn La Trước kia bà con chưa hiểu, mình đả thông thì bà con hiểu ra. Mình khoán vật liệu theo nhân khẩu, mỗi khẩu là 50 cân. Làm xong bà con rất nhiệt tình, khách du lịch đến xem đông lắm, bà con thấy là con đường bản mình rất là xanh, sạch, đẹp” Từ năm 2016 đến nay, huyện Mường La đã xây dựng mới và cải tạo nâng cấp các cơ sở hạ tầng, với tổng số vốn đầu tư trên 156 tỷ đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ hơn 105 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 51 tỷ đồng. Điều này 1 lần nữa khẳng định, khi nhân dân đồng thuận thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Ông NGUYỄN VĂN TÂM Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, Sơn La Ngoài cái nguồn ngân sách Nhà nước các chương trình mục tiêu ra được Trung ương có tỉnh thì cái nguồn lực trong dân làm một cái nguồn đặc biệt quan trọng đối với trong xây dựng nông thôn mới đặc biệt là kết cấu hạ tầng cái toàn bộ các cái các tuyến đường nội bản liên bản hầu như là có sự đóng góp tự nguyện của người dân đây nhà nước thì hỗ trợ xi măng thôi nên hầu như là các tuyến đường nội bản đã được ứng hóa và các kết cấu hạ tầng như đường trường trạm cơ bản là được đầu tư. Đến hết năm 2024, toàn tỉnh Sơn La đã cố 74 xã đạt chuẩn NTM trong đó 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 80 bản đạt chuẩn NTM và 23 bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Kết quả này, càng vững chắc hơn quan điểm khi người dân thực sự trở thành chủ thể, khi họ thấy được lợi ích thiết thực của việc xây dựng NTM đối với cuộc sống của chính mình, họ sẽ tự nguyện đóng góp công sức, trí tuệ và của cải để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Ông NGUYỄN THÀNH CÔNG Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Vai trò chủ thể người dân ở tỉnh Sơn La đang ngày càng đi lên, chúng ta tự hào vì điều đó. Những năm trước đây, chúng ta đưa các chương trình dự án vào người dân thụ động để thụ hưởng các dự án. Nhưng bây giờ các dự án vào, các chuỗi sản xuất vào vai trò chủ thể của người dân, biết mình làm NTM làm cái gì, chủ động cùng với nhà nước làm các dự án đầu tư và góp công góp sức như chúng ta thấy trong thời gian qua. Trong xây dựng NTM, nhà nước giữ vai trò đưa ra chủ trương, định hướng, còn nhân dân đóng vai trò hạt nhân. Việc huy động sức dân không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực, mà còn tạo sự đồng thuận, tự giác và bền vững. Trong giai đoạn tiếp theo, việc xây dựng NTM, NTM nâng cao hay NTM kiểu mẫu sẽ càng có nhiều tiêu chí cao hơn, thì việc tổ chức, vận động và hướng dẫn người dân tham gia một cách chủ động, tích cực, minh bạch sẽ vẫn là bài toán trung tâm trong hành trình này. Có như vậy, mới góp phần xây dựng nên những miền quê trù phú, dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh./. |