Ngọc Nương 9 - Khẳng định ưu thế giống lúa chất lượng cao
Thứ Ba 27/05/2025 , 11:12 (GMT+7)
Xoài Việt Nam chiếm 97% thị phần nhập khẩu tại Trung Quốc; Gạo thơm được chào bán với giá 750 - 780 USD/tấn; Ngọc Nương 9 - Khẳng định ưu thế giống lúa chất lượng cao; Sản xuất hơn 250 vạn cây giống phục vụ trồng rừng.
XOÀI VIỆT NAM CHIẾM 97% THỊ PHẦN NHẬP KHẨU TẠI TRUNG QUỐC
Thực hiện: QUANG DŨNG
Theo số liệu Hải quan Trung Quốc, trong quý I năm nay, nước này chi 29 triệu USD nhập khẩu xoài từ 6 quốc gia. Trong bối cảnh Trung Quốc nhập khẩu xoài từ 5 thị trường khác đồng loạt giảm, Việt Nam trở thành điểm sáng khi cả sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu mặt hàng này đều tăng mạnh. Hiện, xoài Việt Nam chiếm tới 97% thị phần nhập khẩu tại Trung Quốc, vượt xa các đối thủ như Thái Lan, Peru, Australia, Campuchia, Philippines.
Lợi thế lớn của xoài Việt là giá cạnh tranh, trung bình chỉ khoảng 700 USD một tấn, ngang với Campuchia và thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác vốn dao động từ 6.000 đến 11.000 USD một tấn. Giá rẻ nhờ chi phí logistics thấp và khoảng cách địa lý gần, giúp hàng Việt dễ dàng tiếp cận thị trường Trung Quốc hơn. Việt Nam còn có lợi thế sản xuất xoài trái vụ - một điểm mạnh trong giai đoạn Trung Quốc khan hàng (tháng 9 năm ngoái đến tháng 3 năm nay). Đây cũng là thời điểm giá xoài loại 1 có lúc đạt 100.000 đồng một kg.
GẠO THƠM ĐƯỢC CHÀO BÁN VỚI GIÁ 750 – 780 USD/TẤN
Thực hiện: QUANG DŨNG
Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, năm nay, xuất khẩu gạo có thể đạt khoảng 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục 9 triệu tấn của năm ngoái. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đẩy mạnh các dòng gạo thơm như ST24, ST25 hay gạo chất lượng cao, tổng giá trị thu về vẫn duy trì tích cực. Các loại gạo thơm, đặc sản đang được doanh nghiệp chào bán với giá từ 750 - 780 USD/tấn, thị trường chủ yếu là khu vực châu Á và Trung Đông. Bên cạnh đó, các thị trường vẫn có nhu cầu cao đối với gạo Việt Nam nhờ chất lượng ổn định và giá cả phù hợp. Đáng chú ý, châu Âu đang nổi lên là khu vực nhập khẩu gạo lớn.
Ngày 5/6 tới đây, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ khởi động xuất khẩu lô gạo phát thải thấp đầu tiên từ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp. Việc cấp nhãn hiệu gạo Việt xanh phát thải thấp cũng sẽ được các bên quan tâm, từ đây mở ra dư địa tăng trưởng mới cho ngành hàng lúa gạo.
NGỌC NƯƠNG 9 - KHẲNG ĐỊNH ƯU THẾ GIỐNG LÚA CHẤT LƯỢNG CAO
Thực hiện: HẢI ĐĂNG – QUANG DŨNG
Vụ xuân năm 2025, giống lúa chất lượng cao Ngọc Nương 9 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) chính thức được đưa vào sản xuất đại trà. Theo đánh giá từ thực tiễn tại xã Bắc Sơn, huyện An Dương, TP. Hải Phòng, giống lúa Ngọc Nương 9 cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội như: dễ trồng, dễ chăm sóc nhờ đặc tính đẻ nhánh mạnh, thân cây cứng cáp, khả năng kháng sâu bệnh cao. Đặc biệt, vụ xuân vừa qua ghi nhận khả năng kháng đạo ôn rất tốt của giống, trong khi ở vụ mùa, cây lúa chống chịu hiệu quả với rầy nâu – 2 loại dịch hại thường xuyên gây tổn thất năng suất lớn cho bà con nông dân.
Với điều kiện thâm canh tốt, giống Ngọc Nương 9 đạt năng suất khoảng 65 tạ/ha – một con số ấn tượng đối với dòng lúa chất lượng cao. Không chỉ năng suất tốt, Ngọc Nương 9 còn được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ chất lượng gạo vượt trội, cơm thơm, mềm, dẻo – rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện đại.
SẢN XUẤT HƠN 250 VẠN CÂY GIỐNG PHỤC VỤ TRỒNG RỪNG
Thực hiện: THANH NGA
(Không phải Thanh Nga - Sơn La)
Để đáp ứng nhu cầu tiếp cận nguồn giống cây lâm nghiệp chất lượng, sạch bệnh của người dân, từ cuối năm 2024, Công ty TNHH Bảo Lâm, thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn đã vệ sinh toàn bộ vườn ươm, san lấp mặt bằng ươm 250 vạn cây giống thuộc nhóm cây bản địa, cây dược liệu, trồng rừng ngập mặn… phục vụ các dự án trồng rừng năm 2025.
Hiện, Công ty Bảo Lâm đã cung ứng hơn 100 vạn cây thiên niên kiện cho người dân xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn trồng dược liệu dưới tán rừng. Sắp tới tập trung nâng cao chất lượng cây giống để phục vụ hoạt động làm giàu rừng theo Chương trình giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ (ERPA) tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh…