3 quy trình nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao
Chủ Nhật 17/12/2023 , 08:24 (GMT+7)
Viện Nghiên cứu Hải sản đã tổ chức tập huấn, giới thiệu 3 nội dung, quy trình nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân tỉnh Nam Định.
3 quy trình nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao
Tỉnh Nam Định có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, với diện tích đất nuôi trồng hơn 17.000ha, có 72km bờ biển với hệ sinh thái bãi bồi ven biển đa dạng, phong phú. Các đối tượng nuôi đa dạng, nhiều loại có giá trị kinh tế cao, trở thành sản phẩm chủ lực như tôm thẻ chân trắng, ngao và cá biển.
Những năm gần đây, phương thức nuôi đã được chuyển dần từ nuôi quảng canh cải tiến sang nuôi bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh. Việc ứng dụng khoa học cộng nghệ trong nuôi trồng thủy sản, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng đã giúp cho người dân cải thiện được hiệu quả kinh tế.
Tuy vậy, cũng như nhiều địa phương khác, hiện nay nuôi trồng thuỷ sản của địa phương này đang phải đối mặt với một số vấn đề thách thức và khó khăn như: quản lý quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nguồn giống thủy sản, ô nhiễm môi trường,… đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế.
Từ thực tế này, để giúp người dân và địa phương về lĩnh vực công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, những năm qua, Viện Nghiên cứu Hải sản đã nhiều lần khảo sát rồi tổ chức các lớp tập huấn để giới thiệu những quy trình công nghệ mới đến người dân.
Mới đây nhất, Viện Nghiên cứu Hải sản đã tập huấn, giới thiệu 3 nội dung, quy trình nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao bao gồm: Quy trình nuôi rạm thương phẩm bằng giống nhân tạo; quy trình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng vụ đông đạt năng suất cao trong nhà bạt; quy trình nuôi thương phẩm cá bống bớp toàn đực trong ao đầm nước lợ và hướng dẫn một số nội dung về con giống, thức ăn cho thủy sản nuôi.
Xong các buổi tập huấn, từ người dân cho đến lãnh đạo các phòng ban, đơn vị ở Nam Định tham dự đều tỏ ra rất hào hứng, phấn khởi, nhiều người mạnh dạn đề xuất có thêm các lớp tương tự trong thời gian tới, giúp người dân nắm bắt thêm kiến thức để ứng dụng vào thực tế, khắc phục những khó khăn đang gặp trong nuôi trồng thủy sản.