| Hotline: 0983.970.780

Thứ hai 19/05/2025 - 15:31

Lâm nghiệp

Trường Đại học Lâm nghiệp kiên định thực hiện lời dạy của Bác

Thứ Hai 19/05/2025 - 15:28

Học theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Trường Đại học Lâm nghiệp quyết tâm hướng tới trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về lâm nghiệp.

Nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2025), nhà giáo ưu tú, GS.TS. Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp có bài viết gửi gắm tới toàn thể giảng viên, giao viên, viên chức, người lao động và các em học sinh, sinh viên của nhà trường cần thấm nhuần sâu sắc tư tưởng và lời dạy của Người, chung tay phát triển Trường Đại học Lâm nghiệp ngày càng vững mạnh, vươn tầm, hội nhập quốc tế.

Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác Hồ luôn quan tâm đến việc trồng cây, gây rừng. Ảnh: TTXVN.

Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác Hồ luôn quan tâm đến việc trồng cây, gây rừng. Ảnh: TTXVN.

Lời dạy thiêng liêng - Hành động kiên định

“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, lời dạy bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1958 không chỉ là kim chỉ nam cho sự nghiệp giáo dục mà còn thể hiện sâu sắc triết lý phát triển bền vững, dài hạn cho dân tộc. Tư tưởng “trồng cây” và “trồng người” của Bác là hai trụ cột không tách rời, cùng hướng tới mục tiêu dựng xây một đất nước cường thịnh, bền vững và nhân văn.

Trường Đại học Lâm nghiệp là một trong số rất ít trường đại học tại Việt Nam cùng lúc trực tiếp đảm nhận hai sứ mệnh gắn liền với lời dạy thiêng liêng đó. Hơn 60 năm qua, ngôi trường này đã kiên định trên hành trình thực hiện tư tưởng của Bác bằng những hành động thiết thực, đổi mới sáng tạo, và khát vọng hội nhập mạnh mẽ.

Bác Hồ với sự nghiệp trồng cây - xây rừng

Ngày 28/11/1959, trên Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào “Tết trồng cây”. Người viết: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”, và căn dặn: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Với tầm nhìn vượt thời đại, Bác khẳng định: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.

Không dừng ở lời kêu gọi, Bác còn đích thân trồng cây ở nhiều nơi, từ Công viên Thống Nhất đến Đồi Ba Vì, và luôn nhấn mạnh: “Trồng cây nào tốt cây ấy”. Rừng không chỉ là tài nguyên mà còn là sinh mệnh của đất, là trụ đỡ sinh thái và an ninh quốc gia. Tư tưởng “rừng là vàng” ấy vẫn sáng rõ đến hôm nay, càng trở nên thời sự khi biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường ngày một gia tăng.

Trường Đại học Lâm nghiệp cùng lúc thực hiện hai sứ mệnh 'trồng cây' và 'trồng người'. Ảnh: VNUF.

Trường Đại học Lâm nghiệp cùng lúc thực hiện hai sứ mệnh “trồng cây” và “trồng người”. Ảnh: VNUF.

Bác Hồ với sự nghiệp trồng người - phát triển đất nước

Ngay trong những năm đầu xây dựng chính quyền cách mạng, Bác Hồ đã xác định rõ vai trò then chốt của giáo dục: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945), Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không... chính là nhờ công học tập của các em”.

Bác không chỉ quan tâm đến học để biết, mà nhấn mạnh học để rèn nhân cách, để cống hiến. Người nêu rõ: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”. Đó chính là tinh thần "trồng người" toàn diện: đức - trí - thể - mỹ, học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn.

Trường Đại học Lâm nghiệp - Gắn kết trọn vẹn giữa “trồng cây” và “trồng người”

Thành lập năm 1964, Trường Đại học Lâm nghiệp ra đời trong chính dòng chảy tư tưởng của Bác về phát triển lâm nghiệp và giáo dục. Hơn 60 năm qua, Nhà trường đã đào tạo hàng chục ngàn kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ - là lực lượng nòng cốt trong hệ thống quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tài nguyên thiên nhiên và môi trường của Việt Nam.

Dù đã phát triển thành một đại học đa ngành, đa lĩnh vực (với 30 ngành đào tạo đại học, 12 ngành thạc sĩ, 6 ngành tiến sĩ), nhưng lâm nghiệp vẫn là một trụ cột vững chắc, là cốt lõi sứ mệnh và giá trị bản sắc của Trường. Theo đó, Trường chủ động cung ứng nhân lực chất lượng cao không chỉ cho ngành lâm nghiệp, mà còn cho các ngành kinh tế xanh, kinh tế số và cả khu vực kinh tế tư nhân đang bứt phá, đúng theo định hướng chiến lược phát triển đất nước.

“Khởi nghiệp từ rừng” - Triết lý phát triển toàn diện

“Khởi nghiệp từ rừng” là một triết lý bao trùm, được Nhà trường thể hiện không chỉ trong lý luận mà bằng các mô hình thực tiễn. Nhiều sinh viên, nhóm nghiên cứu đã khởi nghiệp thành công từ sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, ứng dụng AI theo dõi hấp thụ các-bon, phát triển thương hiệu dược liệu rừng, dịch vụ du lịch sinh thái, thương mại tín chỉ các-bon.

Ở tầm cao hơn, khởi nghiệp từ rừng còn là khởi nghiệp từ tư tưởng Hồ Chí Minh, nơi “trồng cây” đi đôi với “trồng người”, nơi rừng gắn với con người, và giáo dục gắn với phụng sự, là nơi cất lên bài ca con người, rừng cây và đất nước. Tư tưởng đó đang tiếp thêm động lực cho mỗi sinh viên của trường, để ra trường không chỉ là người làm nghề, mà còn là người kiến tạo.

Từ lời dạy của Bác Hồ, Trường Đại học Lâm nghiệp đang viết tiếp hành trình trồng cây - trồng người, góp phần dựng xây một Việt Nam phát triển xanh, nhân văn, có trách nhiệm, hội nhập và bền vững. Ảnh: VNUF.

Từ lời dạy của Bác Hồ, Trường Đại học Lâm nghiệp đang viết tiếp hành trình trồng cây - trồng người, góp phần dựng xây một Việt Nam phát triển xanh, nhân văn, có trách nhiệm, hội nhập và bền vững. Ảnh: VNUF.

Khát vọng năm châu - Vươn tầm quốc tế

Hướng đến tương lai, Trường Đại học Lâm nghiệp mang trong mình khát vọng năm châu - trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về lâm nghiệp nhiệt đới, quản trị tài nguyên rừng, biến đổi khí hậu, thị trường carbon và kinh tế tuần hoàn.

Trường tiên phong tích hợp AI, viễn thám, big data vào đào tạo, nghiên cứu; phát triển học phần thị trường carbon, Net-Zero, kinh tế sinh thái; đẩy mạnh hợp tác với FAO, UNDP, AFoCO, KFS, các trường đại học lớn ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Úc, Mỹ. Đó là bước đi chiến lược để trường trở thành trung tâm tri thức số - đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp xanh, góp phần phục vụ ngành, đất nước và hội nhập quốc tế.

Nhà trường đang định hình một mô hình đại học hiện đại, có tư duy của doanh nghiệp, có trái tim phụng sự cộng đồng, đồng thời mang bản lĩnh học thuật để thực hiện sự nghiệp trồng người trong thời đại mới. Với phương châm hành động rõ ràng: đào tạo gắn với thực tiễn, nghiên cứu vì cộng đồng, quản trị hướng đến đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Lâm nghiệp đang từng bước hiện thực hóa sứ mệnh mà Bác Hồ để lại.

Quyết tâm từ mỗi người - hành động của cả tập thể

Học theo Bác không chỉ là trồng một cây, mà là gieo một lý tưởng, không chỉ là dạy một môn học mà là khơi mở một tầm nhìn. Trường Đại học Lâm nghiệp cùng quyết tâm hành động, sáng tạo, có tư duy đổi mới, có bản lĩnh học thuật, có trái tim phụng sự, để góp phần phát triển ngành, phục vụ quốc gia và lan tỏa giá trị ra thế giới.

Từ lời dạy của Bác Hồ, Trường Đại học Lâm nghiệp đang viết tiếp hành trình trồng cây - trồng người, góp phần dựng xây một Việt Nam phát triển xanh, nhân văn, có trách nhiệm, hội nhập và bền vững.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/truong-dai-hoc-lam-nghiep-kien-dinh-thuc-hien-loi-day-cua-bac-d753912.html