Theo điều tra, ngày 10/4, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Đà Nẵng) tiếp nhận tin báo của bà Bùi Thị Phương H. (52 tuổi, trú quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) về việc bị một đối tượng không rõ lai lịch giả danh cán bộ điều tra, sử dụng nhiều số điện thoại không chính chủ, tài khoản mạng xã hội liên tục gọi điện, nhắn tin uy hiếp, yêu cầu chuyển tiền. Do quá hoảng loạn, bà H. đã nhiều lần chuyển tiền và bị đối tượng chiếm đoạt 481 triệu đồng.

Các đối tượng trong đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy mô trên cả nước. Ảnh: Công an Đà Nẵng.
Xác định đây là vụ việc khá phức tạp, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đến trưa 11/4, Phòng Cảnh sát hình sự đã xác định được đối tượng nghi vấn là Đinh Hồng Hải (29 tuổi, trú xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), hiện ở tại thôn Quang Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Qua làm việc, Hải đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Tiến hành khám xét nơi ở của đối tượng, ngoài việc thu giữ các tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Phòng Cảnh sát hình sự còn phát hiện được một số tài liệu, phương tiện, thiết bị nghi vấn liên quan đến hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Đối tượng Đinh Hồng Hải. Ảnh: Công an Đà Nẵng.
Mở rộng điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự xác định 3 đối tượng đang trú tại TP.HCM gồm: Trương Khánh Duy (30 tuổi, trú TP.HCM), Trần Quang Tuấn (30 tuổi, trú huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) và Huỳnh Phát Đạt (27 tuổi, trú tỉnh Kiên Giang) là “đầu trên” của Đinh Hồng Hải, có liên quan trực tiếp đến hoạt động làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Đến ngày 12/4, Phòng Cảnh sát hình sự đã phân công các tổ công tác vào xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn, TP.HCM) phối hợp với các đơn vị liên quan bắt 3 đối tượng trên và di lý về Đà Nẵng để phục vụ điều tra.

Tang vật được phát hiện và thu giữ. Ảnh: Công an Đà Nẵng.
Ngoài ra, khám xét nơi ở của các đối tượng, công an thu giữ nhiều phương tiện, thông tin liên quan đến hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo xác minh ban đầu của Công an Đà Đẵng, đường dây này hoạt động từ năm 2021 đến nay. Các đối tượng đã sản xuất, mua bán hàng ngàn văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ, thậm chí cả căn cước công dân, hộ chiếu, bằng lái xe… giả giống với “hàng thật” lên đến 99,9%. Mỗi loại giấy tờ đặt làm giả, các đối tượng thu lợi bất chính hàng chục triệu đồng.
Hiện Công an Đà Đẵng đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.