Hình ảnh đồng lúa trĩu bông nhờ tuân thủ thời vụ ở Nghệ An
Thứ Ba 20/05/2025 , 15:08 (GMT+7)Bất chấp điều kiện thời tiết khó khăn, những cánh đồng tuân thủ lịch gieo cấy lúa vẫn trĩu bông, đang ngả vàng chuẩn bị thu hoạch.

Vụ đông xuân năm 2025, Nghệ An ghi nhận nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thời tiết. Thống kê sơ bộ, hiện Nghệ An có trên 2.500 ha lúa bị lép hạt, tập trung nhiều tại khu vực các huyện Diễn Châu, Anh Sơn, Yên Thành, Nghi Lộc...

Trong bối cảnh đó, vẫn có những điểm sáng được ghi nhận. Đây là những diện tích lúa tuân thủ cơ cấu thời vụ do cơ quan chức năng khuyến cáo. Cùng với đó, sử dụng các giống lúa chất lượng cao, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng như Thụy Hương 308, VNR20 hay Thiên Ưu 8, đều của Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam – Vinaseed.

Giống lúa lai Thụy Hương 308 của Vinaseed sinh trưởng, phát triển rất tốt đem lại năng suất cao cho người canh tác tại địa bàn huyện Yên Thành.

Tương tự, tại xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, Giám đốc Hoàng Viết Thiết cho biết, tổng diện tích sản xuất lúa Thụy Hương 308 trong vụ Đông Xuân 2025 của 140 thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Lăng Thành là xấp xỉ 200 ha.

Triển khai từ năm 2022, Thụy Hương 308 ngày càng chiếm được thiện cảm của bà con Lăng Thành và hiện đã được đưa vào sản xuất đại trà, do có nhiều ưu điểm về khả năng chống chịu cũng như sự phù hợp của chất lượng gạo. Dự kiến, năng suất tại Lăng Thành năm nay cũng xấp xỉ 3,5 – 3,7 tạ/sào (Trung bộ).

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu chia sẻ: "Do xuống giống đúng thời điểm khuyến cáo, diện tích trồng Thụy Hương 308 trỗ bông sau 20/4, tỷ lệ đậu bông rất cao, ít thoái hóa đầu bông".

Theo ông Thành, đánh giá sơ bộ cho thấy, diện tích cấy Thụy Hương 308 tại Quỳnh Đôi trong vụ Đông Xuân 2025 có thể cho năng suất từ 3,5 – 4 tạ/sào (Trung bộ). Đây là con số không cao so với các năm trước nhưng với năm nay thì vượt trội, nằm trong nhóm đầu bảng.

Trên miền núi phía Tây của tỉnh, những cánh đồng mênh mông lúa thuần VNR20 của xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ cũng cho năng suất cao và đang bắt đầu thu hoạch. Ông Trần Văn, nông dân xã Nghĩa Thái cho biết, xã có khoảng 320 ha đất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là đất lúa. Do có địa hình miền núi, nền đất thịt nặng nên các cơ quan chuyên môn khuyến cáo sử dụng các giống lúa thuần, trong đó VNR20 được thử nghiệm 20ha từ năm 2018.

“Qua đánh giá hàng năm, VNR20 có khả năng chịu hạn tốt, chống chịu sâu bệnh, chống đổ tốt và năng suất ổn định”, ông Văn đánh giá và chia sẻ thêm, đến nay VNR20 đã chiếm tỷ lệ 85-90% đất lúa của xã Nghĩa Thái.

Ngoài ra, một giống lúa thuần khác là Thiên Ưu 8 cũng được sử dụng rộng rãi tại xã Lạng Sơn, huyện An Sơn từ nhiều năm nay. Lý do là chất lượng gạo, sự ổn định về năng suất và đặc biệt là khả năng chống chịu sâu bệnh. Trong vụ đông xuân năm nay, dù nhiều nơi mất mùa, lép hạt nhưng diện tích Thiên Ưu 8 tại Anh Sơn vẫn cho năng suất tốt.