| Hotline: 0983.970.780

Tiệc tùng, ăn nhậu thời nay

Thứ Ba 10/05/2016 , 13:15 (GMT+7)

Ngày xưa chuyện mở tiệc đãi khách chỉ thường thấy trong đám giỗ, hay nhân dịp lễ tết, đám cưới, thì ngày nay tổ chức thường xuyên hơn.

Ví như thôi nôi, đầy tháng, sinh nhật, kỉ niệm ngày cưới, ăn mừng thi cử, tậu nhà, thậm chí chỉ mua chiếc xe máy mà cũng “rửa” xe hoành tráng. Vui cũng tiệc, buồn cũng nhậu.

Nhà anh Trần Văn Lực, ở TP Cần Thơ cả thảy tám người, gồm hai vợ chồng với bốn người con, sống cùng cha mẹ. Vợ chồng anh làm ăn cũng tương đối khá giả, và với bản tính thoáng của dân Nam bộ, anh thường xuyên luân phiên tổ chức tiệc tùng cho vui cửa vui nhà.

Hôm vừa rồi anh làm sinh nhật cho chị gái, anh thương chị nghèo nên đãi đằng nhà hàng tới 20 bàn nhậu. Khoảng một tuần sau lại sinh nhật cho nhỏ gái út lên mười tuổi, anh mời hết gia đình hai bên nội ngoại, bà con thân hữu, anh còn kêu con gái mời cả lớp học, nhậu một trận cũng "tơi bời" không kém.

Chuyện chỉ thế thì cũng không có gì phải đáng bàn, người có điều kiện thì muốn vui sao được đó, tùy gia cảnh. Nhưng có những gia đình chưa khá khẩm cũng cố làm đám tiệc để đãi khách cho mở mày mở mặt, rồi nợ nần xảy đến, nếu không nợ thì cũng hết số tiền dành dụm, khi hữu sự lại không có để chi tiêu.

Ví như gia đình anh Đỗ Lộc ở huyện Tuy Phước (Bình Định), nhà anh chỉ làm nông và chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập cũng vừa đủ chi tiêu. Vậy mà vừa rồi anh tổ chức sinh nhật cho thằng con trai tuổi 20 ầm ĩ, mời cả làng, cả họ, rồi bạn bè của anh, bạn bè của con… tính ra gần 30 bàn tiệc, cứ như làm đám cưới không bằng.

Anh thuê dàn nhạc hát cả đêm, bà con ai cũng khen nức nở, nhưng đâu biết rằng sau bữa tiệc ấy anh phải trút hết số tiền tích góp cả năm. Vợ anh nói giọng buồn buồn: “Tôi cản mà ảnh không nghe, đêm tôi nằm tiếc hai tấn lúa và hai lứa heo thu hoạch năm rồi quá anh ơi!”.

Có những đám rất vui, nhưng cũng có bữa tiệc rất buồn, vì sau khi rượu vô rồi lời ra, một chặp thì mạnh ai nói nấy nghe, cãi nhau hà rầm, đánh nhau bể đầu mẻ trán, có đám còn đánh nhau đến chết người rồi phải vào vòng lao lí.

Ở xã nghèo vùng sâu quê tôi, mỗi nhà trong một năm ít nhất là phải một lần làm đám giỗ cha hoặc mẹ thật lớn, đãi ăn cả ngày trời, để tỏ lòng hiếu thảo, vừa là ơn nghĩa, nhưng thực chất như trả nợ miệng vậy.

Có người lúc cha mẹ còn sống thì hắt hủi, không nuôi, hoặc qua loa đại khái, nhưng khi chết cố làm đám cho to mời ăn nhậu cả làng, thật không hiểu nổi. Có nhà nghèo túng nhưng vì sợ mang tiếng “bất hiếu” nên cũng phải cố vay mượn để làm đám giỗ, xong rồi phải bán lúa non trả nợ, khổ cả đời.

Mới đây thôi, chị Võ Thị Tiến làm nông và mua bán cám heo ở trong thôn, làm đám cưới cho con mời một ngàn khách, nghe mà muốn xỉu. Không nghĩ chị ở nông thôn làm ruộng lấy đâu ra quen cả ngàn người. Hỏi thăm bà con xóm láng mới vỡ lẽ, cũng vì “gà tức nhau tiếng gáy” mà ra, “đám nhà tôi phải to hơn đám nhà ông” mới oai.

Tiệc tùng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, nhưng phải biết lượng sức mình để mở tiệc sao cho phải lẽ, đừng lãng phí tiền bạc công sức, cũng đừng vì quá chén mà từ cuộc vui thành cuộc buồn là điều nên tránh.

(TP HCM)

Xem thêm
Không cấp 'sổ đỏ' phải nói rõ lý do cho công dân

Nếu cơ quan chức năng không cấp 'sổ đỏ' cho công dân, trong thời gian giải quyết phải trả lời cụ thể, rõ ràng nêu rõ lý do cho công dân được biết.

Sắp xét xử cựu Vụ phó Vụ Thị trường trong nước nhận hối lộ

Sau khi nhận hối lộ, ông Nguyễn Lộc An, cựu Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã dùng 14 tỷ đồng để mua căn biệt thự.

Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phấn đấu trở thành đơn vị vững mạnh toàn diện

Phong trào thi đua yêu nước tại Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đạt kết quả nổi bật, góp phần xây dựng Cảnh sát môi trường trong sạch, vững mạnh.

Ca sĩ An Ngọc góp tiền xoá nhà tạm cho 5 hộ nghèo quê lúa

An Ngọc yêu nông sản - thương hiệu kết nối nông sản do ca sỹ An Ngọc xây dựng đã chung tay xóa 5 nhà tạm cho các hộ nghèo ở Thái Bình.