| Hotline: 0983.970.780

Thứ sáu 25/04/2025 - 16:39

Nông nghiệp

Thủy lợi, mạch nguồn nông nghiệp xanh: [Bài 2] Đẩy 'con thuyền' nông sản giá trị cao

Thứ Năm 24/04/2025 - 07:25

Tưởng chừng bất lợi cho nông nghiệp, 'xứ nóng' Tây Ninh đã chuyển mình nhờ hạ tầng thủy lợi, qua đó thúc đẩy nông nghiệp giá trị cao phát triển mạnh mẽ.

Xanh mướt dưa leo, nho trong nhà màng, nhà kính

Tây Ninh vốn là vùng đất nóng, nắng gắt kéo dài, khá bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, giờ đây nơi này lại là "vườn ươm" của nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Yếu tố nền tảng tạo nên sự đột phá này chính là hệ thống kênh mương thủy lợi hiện đại, phủ rộng khắp các khu sản xuất nông nghiệp, mang lại nguồn nước sạch, ổn định và bền vững.

Khu vực sản xuất dưa leo của anh Nguyễn Tuấn Anh nằm ở phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Khu vực sản xuất dưa leo của anh Nguyễn Tuấn Anh nằm ở phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Vùng quanh chân núi Bà Đen từng được mệnh danh là “thủ phủ mãng cầu” của Tây Ninh. Tuy nhiên, biến động thị trường, giá cả bấp bênh đã thúc giục người dân nơi đây mạnh dạn thay đổi. Từ những vườn mãng cầu đơn điệu, giờ đây hàng chục nhà màng, nhà kính trồng dưa lưới, nho hữu cơ, dưa leo công nghệ cao đã mọc lên. Tất cả bắt đầu từ… nguồn nước.

Anh Nguyễn Tuấn Anh ở phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh được biết đến là người có niềm đam mê sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và an toàn. Sau khi khởi nghiệp thành công từ cà chua Nova, anh tiếp tục theo đuổi giống dưa leo baby Nhật. Sau gần 2 tháng chăm sóc, lứa dưa chuột Nhật Bản đầu tiên của anh Tuấn Anh đã cho thu hoạch. Quả dưa thon dài, “nói không” với thuốc bảo vệ thực vật, vừa hái xong đã có khách hỏi mua...

Anh Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ bí quyết canh tác dưa leo công nghệ cao. Ảnh: Trần Trung.

Anh Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ bí quyết canh tác dưa leo công nghệ cao. Ảnh: Trần Trung.

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình, anh Tuấn Anh cho biết, trong thành phần quả dưa leo chứa tới 96% là nước, giàu chất xơ và khoáng chất, đây cũng là lý do cây chịu hạn kém, chỉ thích hợp trồng ở những nơi có độ ẩm cao. Những năm gần đây, vào mỗi mùa khô, nắng nóng thường kéo dài ở nhiều tỉnh thành khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên khiến nhiều nơi rơi vào tình trạng đồng khô, người khát.

Thế nhưng, tại thành phố Tây Ninh, nhờ sớm đầu tư hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, khép kín mà nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp khá dồi dào. Từ đó, anh mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

“Nhờ khu vực sản xuất nằm gần hệ thống kênh mương thủy lợi nên chúng tôi tiếp cận được nguồn tưới sạch và ổn định, nước bốc hơi từ mặt kênh góp phần làm dịu mát và tăng độ ẩm trong không khí, cây dưa leo sinh trưởng phát triển tốt. Bên cạnh đó, với công nghệ nhà kính hiện đại, hệ thống tưới nhỏ giọt, hồi lưu giúp vườn dưa leo duy trì độ ẩm lý tưởng”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Các chủ trang trại chủ động ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, hồi lưu giúp vườn cây phát triển ổn định. Ảnh: Trần Trung.

Các chủ trang trại chủ động ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, hồi lưu giúp vườn cây phát triển ổn định. Ảnh: Trần Trung.

Trang trại nho Ba Den Farm tọa lạc gần chân núi Bà Đen, thuộc địa bàn ấp Phước Long II, xã Phan, huyện Dương Minh Châu cũng mạnh dạn đưa giống nho ngoại chất lượng cao về trồng trên nền đất khô cằn ven núi. Nhờ hệ thống thủy lợi bao phủ, vườn nho hữu cơ đạt chuẩn châu Âu này trở thành hướng đi mới, giúp nông dân phá thế độc canh mãng cầu và mở ra tiềm năng lớn thị trường.

Anh Nguyễn Trung Đông, chủ trang trại cho biết, trước kia, nơi đây chỉ canh tác mỗi năm một vụ lúa, đất đai cằn cỗi và không thể khoan giếng được. Khi hệ thống kênh mương thủy lợi ngày càng rộng mở, cũng là lúc anh thay đổi tư duy sản xuất, đưa cây nho, loại cây đang được thị trường ưa chuộng về canh tác trong nhà kính.

Trang trại nho Ba Den Farm trở thành địa điểm tham quan, học tập kinh nghiệm tại thành phố Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Trang trại nho Ba Den Farm trở thành địa điểm tham quan, học tập kinh nghiệm tại thành phố Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Sau gần 3 năm thực hiện, nhờ tận dụng nước từ hệ thống thủy lợi, mô hình trồng nho công nghệ cao giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt quanh năm, ít chịu tác động của các yếu tố ngoại cảnh, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Nhờ đó, năng suất và chất lượng trái nho được cải thiện đáng kể, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Trồng nho đầu tư giống một lần, cho thu hoạch liên tục từ 10-15 năm, nhờ trồng trong nhà kính, nho cho thu hoạch quanh năm, sản lượng cao nhất đạt 25 tấn/năm, doanh thu có thể đạt đến vài tỷ đồng/ha”, anh Đông chia sẻ.

Người tiêu dùng thích thú tận hưởng những quả nho tươi ngay tại trang trại. Ảnh: Trần Trung.

Người tiêu dùng thích thú tận hưởng những quả nho tươi ngay tại trang trại. Ảnh: Trần Trung.

“Mặc dù mô hình có vốn đầu tư ban đầu khá cao nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt, thích ứng với điều kiện thời tiết khí hậu ngày càng biến đổi khó lường…”, ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh cho biết thêm.

Tầm nhìn và giải pháp cho tương lai

Thủy lợi không chỉ là “nguồn sống” cho nông nghiệp Tây Ninh, mà còn là bệ phóng giúp Tây Ninh đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nâng tầm giá trị nông sản và hướng tới phát triển bền vững. Những mô hình trên chỉ là số ít trong hàng trăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang phát triển tại vùng đất này. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tây Ninh, hiện toàn tỉnh đã có 120 ha trồng rau, dưa lưới và hoa lan công nghệ cao...

Hạ tầng thủy lợi thúc đẩy Tây Ninh phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Trần Trung.

Hạ tầng thủy lợi thúc đẩy Tây Ninh phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh cho biết thêm, địa phương xác định phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao là chiến lược đột phá đến năm 2030. Do đó, việc đầu tư vào thủy lợi không chỉ giải quyết bài toán nước tưới mà còn là nền tảng cho sản xuất thông minh, bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.   

Cụ thể hóa chương trình đột phá, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tây Ninh dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 628.000 tỷ đồng để phát triển nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong đó, tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, cấp nước, thoát nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

 “Đầu tư vào thủy lợi và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là chiến lược dài hạn để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản. Với những kế hoạch, chiến lược rõ ràng, địa phương đang hướng đến sớm trở thành trung tâm chế biến và xuất khẩu nông sản công nghệ cao của cả khu vực”, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.

Với tầm nhìn rõ ràng, sự đồng bộ giữa đầu tư hạ tầng thủy lợi và chính sách hỗ trợ sản xuất, Tây Ninh đang chứng minh rằng: trong nông nghiệp, nước không chỉ là sự sống - mà còn là khởi nguồn của một nền kinh tế nông nghiệp thông minh, bền vững và thịnh vượng.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/thuy-loi-mach-nguon-nong-nghiep-xanh-bai-2-day-con-thuyen-nong-san-gia-tri-cao-d747644.html