Mourinho từng bảo, cơ hội cho mỗi cầu thủ trẻ chỉ là 10 phút. Trong 10 phút ấy, ông sẽ quan sát cách họ đọc trận đấu, phối hợp cùng đồng đội và đảm bảo được vị trí trên sân. Từ đó sẽ quyết định xem liệu có nên tiếp tục trao cơ hội hay không.
Nếu cơ hội của Người đặc biệt chỉ kéo dài 10 phút thì Marcus Rashford quả là đã có... gần 20 cơ hội như thế trong hai trận đá chính liên tiếp cho Man Utd. Anh chơi trọn vẹn 90 phút khi chạm trán Midtjylland, trước khi có thêm 80 phút đụng độ Arsenal tối Chủ nhật vừa rồi. Kết quả thế nào ai cũng biết, Rashford ghi 4 bàn và 1 lần kiến tạo cho đồng đội lập công.
Tiền đạo trẻ Man Utd dĩ nhiên rất hay. Anh có tốc độ, sức mạnh và sự lạnh lùng cần thiết trong những thời khắc quyết định. Rashford cũng rất duyên, hệt như sát thủ Solskjaer hay Chicharito ngày nào. Có cảm giác, mỗi khi họ xuất hiện trong vòng cấm là bóng cứ tự nhiên tìm đến chân mà chẳng phải nhọc công đi tìm.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu Van Gaal không ở thế đường cùng khi mất cả Rooney lẫn Martial, đồng thời hết mục tiêu phấn đấu ở các giải đấu tham dự, chưa chắc cơ hội đã đến với Rashford. Chàng trai sinh ra ở Manchester vẫn sẽ giữ thói quen đều đặn: sáng lên lớp, chiều đến sân tập cùng đội U18, và tối phải chuẩn bị cho bài kiểm tra hôm sau.
Trong sự phát triển của mỗi cầu thủ, tính thời điểm luôn đóng vai trò quyết định. Nếu gặp thời, như Rashford, sẽ lên đội một ở tuổi 18 và được cả thế giới biết đến chỉ trong vỏn vẹn ba ngày. Trước anh, nhiều người khác cũng rất tài năng, như Welbeck chẳng hạn. Nhưng chân sút giờ đang khoác áo Arsenal sinh nhầm thời, đúng vào lúc Man Utd toàn hàng khủng như Rooney, Ronaldo, Tevez, rồi sau đó là Berbatov, Van Persie nên mãi đến lúc ra đi vẫn chưa chắc chân ở đội hình chính thức.
Câu chuyện thời thế thế thời vì lẽ đó mà chưa bao giờ mất tính thời sự. Hẳn chưa ai quên thế hệ vàng 1992 của Man Utd gồm Giggs, Scholes, Beckham, Butt, anh em nhà Neville. Họ bắt đầu được Alex Ferguson trọng dụng từ năm 1996 bởi lý do đơn giản, các trụ cột như Paul Ince, Kanchelskis, Lee Sharpe lần lượt bị “ông già gân” thanh lý hết sau khi để tuột chức vô địch giải Ngoại hạng vào tay Blackburn năm 1995.
Nếu như chiến lược gia người Scotland muốn khôi phục động lực thi đấu cho toàn đội bằng cách sử dụng cầu thủ trẻ thì câu chuyện của Barcelona những năm đầu thập niên trước lại đơn giản hơn nhiều. Ngày ấy đội bóng xứ Catalan 5 năm liên tiếp không có danh hiệu nào. Dù đã thay đến 5 đời HLV, thành tích của CLB vẫn không được cải thiện.
Sự thiếu thốn thành công đi liền với sự sa sút về kinh tế. Barcelona không dám vung tay quá trán để những HLV mới xây dựng lại đội hình. Cực chẳng đã, đội chủ sân Nou Camp mới đôn một loạt cầu thủ trẻ từ lò La Masia lên đội một.
Puyol, Xavi, Valdes, Iniesta lần lượt ra mắt trong giai đoạn này, để rồi trở thành những huyền thoại sống. Mặc dù vậy, nếu Van Gaal hay Rijkaard không vì thiếu tiền mà sử dụng họ, chưa chắc Barcelona đã trở nên hùng mạnh như bây giờ.