Thứ sáu 09/05/2025 - 08:55
Thời sự
Thị trường nông sản Việt đa kênh, đa hướng: [Bài 3] Bước tiến Halal
Thứ Sáu 09/05/2025 - 08:49
Việt Nam có thể trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng Halal toàn cầu nếu xây dựng hệ sinh thái phù hợp, thương hiệu uy tín và khung pháp lý minh bạch.
- Thị trường nông sản Việt đa kênh, đa hướng: [Bài 1] Thế trận toàn cầu
- Thị trường nông sản Việt đa kênh, đa hướng: [Bài 2] Những 'nghị định thư mở đường'
Lợi thế sẵn có và những khoảng trống
Thị trường Halal toàn cầu, với quy mô ước tính khoảng 3.000 tỷ USD và gần 2 tỷ người tiêu dùng tại hơn 140 quốc gia, đang mở ra những cơ hội đáng kể cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 700 triệu USD - một con số khiêm tốn so với năng lực cung ứng có thể lên tới 34 tỷ USD hàng hóa cho các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).

Việt Nam không nên chỉ nhìn nhận Halal như một tiêu chuẩn xuất khẩu, mà cần xem đây là cơ hội để nâng cấp toàn diện chuỗi giá trị sản xuất.
Trong bối cảnh đó, các thị trường trọng điểm như Malaysia và Indonesia vẫn chưa được khai thác tương xứng. Malaysia - trung tâm Halal quốc tế với hệ thống chứng nhận bài bản, xuất khẩu hơn 12 tỷ USD sản phẩm Halal mỗi năm và đặt mục tiêu đạt 113 tỷ USD vào năm 2030. Indonesia - nền kinh tế Hồi giáo lớn nhất thế giới với hơn 280 triệu dân, cũng đang xây dựng một hệ sinh thái Halal vững mạnh.
Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm sản xuất Halal của khu vực, với nguồn nguyên liệu nông sản phong phú như gạo, cà phê, hồ tiêu, hải sản và trái cây nhiệt đới - những mặt hàng phù hợp với khẩu vị và chuẩn mực Halal quốc tế. Vị trí địa lý thuận lợi tại Đông Nam Á, gần các thị trường tiêu dùng lớn như Indonesia, Malaysia và khu vực Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), cùng hệ thống logistics phát triển cũng là những lợi thế cạnh tranh đáng kể.
Tuy vậy, theo đánh giá của ông Ramlan bin Osman - Giám đốc Cơ quan Chứng nhận Halal Việt Nam, trong một hội thảo gần đây về thúc đẩy thị trường Halal tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn thiếu nhận thức và chưa xây dựng được thương hiệu đủ mạnh để thâm nhập sâu vào thị trường Halal. Số lượng doanh nghiệp thành công trong việc xuất khẩu sản phẩm Halal sang Malaysia, Trung Đông và Bắc Phi vẫn còn rất hạn chế.
Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Pakistan tại Việt Nam, ông Kohdayar Marri, cũng nhấn mạnh rằng chỉ dán nhãn Halal là chưa đủ. Để thuyết phục người tiêu dùng Hồi giáo, sản phẩm cần đi kèm với chất lượng cao, độ an toàn tuyệt đối và thương hiệu đáng tin cậy - điều mà doanh nghiệp Việt cần nỗ lực nhiều hơn để xây dựng.
Từ góc độ quản lý, việc xây dựng một hệ thống chứng nhận Halal minh bạch và uy tín được xem là điều kiện tiên quyết để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Nỗ lực này đòi hỏi sự đồng hành từ nhà nước trong việc ban hành các khung thể chế, chính sách hỗ trợ và tiêu chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Một số doanh nghiệp tiên phong đã chủ động nghiên cứu tiêu chuẩn Halal, đăng ký chứng nhận từ các tổ chức quốc tế có uy tín như JAKIM (Malaysia), MUI (Indonesia) hay GAC (Gulf countries), từ đó mở đường cho sản phẩm Việt Nam tiếp cận được các thị trường tiêu dùng Hồi giáo khắt khe. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp được cấp chứng nhận Halal hiện vẫn còn rất khiêm tốn so với quy mô ngành nông sản và thực phẩm Việt Nam.
Một trong những rào cản lớn là Việt Nam chưa có cơ quan chứng nhận Halal chính thức có thẩm quyền quốc gia. Hiện nay, việc chứng nhận phần lớn vẫn dựa vào các tổ chức quốc tế hoặc đối tác nước ngoài, gây khó khăn cho doanh nghiệp về chi phí, thời gian và tính ổn định pháp lý. Bên cạnh đó, nhận thức xã hội về thị trường Halal vẫn còn hạn chế, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực am hiểu tiêu chuẩn Halal trong sản xuất, kiểm nghiệm và logistics.
Trong bối cảnh đó, Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” được xem là bước đi chiến lược, đặt nền móng cho việc hình thành ngành công nghiệp Halal bài bản tại Việt Nam. Nếu được thực thi hiệu quả, đề án này sẽ tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, thúc đẩy đào tạo nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chứng nhận và mở rộng thị trường.
Theo các chuyên gia, Việt Nam không nên chỉ nhìn nhận Halal như một tiêu chuẩn xuất khẩu, mà cần xem đây là cơ hội để nâng cấp toàn diện chuỗi giá trị sản xuất - từ an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy trình chế biến đến xây dựng thương hiệu và chuẩn hóa dịch vụ. Điều này không chỉ giúp hàng Việt thâm nhập thị trường Hồi giáo, mà còn nâng cao chất lượng, uy tín và năng lực cạnh tranh nói chung của ngành hàng nông sản, thực phẩm và mỹ phẩm Việt Nam trên quy mô toàn cầu.
Cần một hệ sinh thái Halal được thiết kế riêng cho Việt Nam
Trong nghiên cứu được tham luận gần đây của TS Aemin Nasir (Giảng viên Đại học RMIT Hà Nội) nhận định rằng, Việt Nam đang bỏ lỡ cơ hội tham gia vào phân khúc có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng Halal toàn cầu. Mặc dù có thế mạnh về nông nghiệp và chế biến thực phẩm, Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu sang các nước Hồi giáo những mặt hàng công nghiệp như linh kiện điện tử, nhựa, hóa chất và nguyên phụ liệu dệt may, trong khi các sản phẩm Halal tiêu dùng như thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm lại chưa hiện diện đáng kể

Một trong những rào cản lớn là Việt Nam chưa có cơ quan chứng nhận Halal chính thức có thẩm quyền quốc gia.
Nasir đề xuất khung chiến lược hệ sinh thái Halal gồm năm trụ cột. Thứ nhất là hỗ trợ thể chế và chính sách, trong đó đề xuất thành lập cơ quan chứng nhận Halal quốc gia (có thể mang tên HALCERT) có thẩm quyền pháp lý và được công nhận quốc tế. Bên cạnh đó là xây dựng các quy chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức SMIIC và OIC, cũng như thiết kế các ưu đãi về thuế, tín dụng và hải quan cho doanh nghiệp Halal.
Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực, bao gồm đào tạo chuyên gia Halal trong các lĩnh vực kiểm nghiệm thực phẩm, logistics, tuân thủ luật Shariah. Việc hợp tác đào tạo với các cơ sở tại Malaysia, Indonesia cũng được khuyến khích để chuẩn hóa năng lực nhân sự trong nước.
Thứ ba, đầu tư hạ tầng kỹ thuật với các phòng lab, hệ thống truy xuất nguồn gốc và công nghệ kiểm soát chuỗi cung ứng Halal, nhằm đảm bảo độ tin cậy trong toàn bộ quy trình sản xuất - phân phối.
Thứ tư, nâng cao năng lực sản xuất với trọng tâm là các mặt hàng như gạo, thủy sản, thực phẩm chế biến, mỹ phẩm từ thảo dược. Doanh nghiệp đầu ngành nên được lựa chọn làm mô hình điểm để xây dựng thương hiệu Halal Việt Nam tại các thị trường mục tiêu.
Cuối cùng là phát triển dịch vụ Halal, từ logistics tách biệt, dịch vụ ăn uống và nơi hành lễ phục vụ khách du lịch Hồi giáo, đến việc kết nối sản phẩm Halal với ngành nhà hàng - khách sạn và văn hóa - du lịch.
Khác với mô hình của Malaysia - vốn dựa vào cộng đồng Hồi giáo trong nước, nghiên cứu của Nasir nhấn mạnh rằng Việt Nam cần thiết kế hệ sinh thái Halal theo hướng linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và cấu trúc dân cư riêng biệt. Các bước đi có thể thực hiện theo từng giai đoạn, ưu tiên xây dựng thể chế, nâng cao nhận thức và chuẩn hóa sản xuất - dịch vụ.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/thi-truong-nong-san-viet-da-kenh-da-huong-bai-3-buoc-tien-halal-d752096.html