Sản phẩm của hai trong số hàng loạt công ty ở TP HCM vừa được phát hiện nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, có chất gây sạn thận. Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam bày tỏ, họ thực sự bị "sốc" trước vụ sữa độc.
Chiều 26/9, kết quả ban đầu từ một trung tâm kiểm nghiệm tại TP HCM, cho thấy, ngoài YiLi, đã có thêm hai sản phẩm sữa bột khác chứa chất melamine. Tuy nhiên theo Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Văn Châu, do đây chỉ là kết quả từ một trung tâm, nên chỉ mang tính tham khảo chứ chưa thể công bố cụ thể.
Thanh tra y tế đã lấy mẫu nguyên liệu, phụ gia và sản phẩm của hai cơ sở nêu trên về Viện vệ sinh Y tế công cộng để xét nghiệm. Trước mắt, đoàn yêu cầu hai công ty tạm ngưng sản xuất và lưu hành sản phẩm.
Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm đã có quyết định thu hồi Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm đối với sữa tươi nguyên chất tiệt trùng Yili do Tập đoàn YiLi Nội Mông (Trung Quốc) sản xuất và Cty TNHH Kim Ấn, TP HCM, nhập khẩu vào VN. Đồng thời, yêu cầu đình chỉ lưu hành trên toàn quốc sản phẩm này, Công ty Kim Ấn phải có trách nhiệm thu hồi, tiêu hủy sản phẩm trước ngày 5/10. |
Đến chiều 26/9, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra được 54 cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa và lấy 26 mẫu sữa để phân tích xét nghiệm. Càng kiểm tra, đoàn càng phát hiện thêm nhiều mặt hàng được chế biến từ nguyên liệu sữa bột có xuất xứ của Trung Quốc. Phần lớn sản phẩm đều không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng và chưa được kiểm tra của cơ quan chức năng.
Tại Hà Nội đoàn thanh tra của Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra 4 công ty nhập khẩu sữa, nguyên liệu sữa từ Trung Quốc. Đó là: Công ty Minh Hoa (ở Long biên), Công ty Đông Nam Á (Hoàng Mai), Công ty Hiền Anh (cụm công nghiệp An Khánh) và Công ty Linh Thu (quận Hai Bà Trưng). Trong đó theo đăng ký, Công ty Linh Thu mới chỉ công bố sản phẩm chứ chưa nhập.
Khi đoàn kiểm tra tới làm việc, thì 3 trong số các công ty trên đã đóng cửa, gỡ biển hiệu, còn công ty Hiền Anh mới chỉ đang trong giai đoạn xây dựng.
Ông Bùi Đức Nhường, Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, sẽ mời lãnh đạo bốn công ty này lên làm việc, tìm hiểu lý do tại sao thay đổi địa chỉ mà không báo cáo, thậm chí có thể rút giấy phép.
![]() |
Người tiêu dùng tỏ ra dè dặt khi mua sữa và các sản phẩm làm từ sữa. Ảnh: Hoàng Hà |
Tại cuộc họp báo sáng 26/9, tiến sĩ Jean Marc Olivé, trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam và bà Marjatta, Trưởng phòng y tế dinh dưỡng của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) cho hay, họ đã bị sốc trước vụ sữa nhiễm độc.
Theo Tiến sĩ Jean Marc Olivé, melamine rất nguy hiểm với trẻ em, nhất là trẻ dưới 2 tuổi vì nó có thể gây sỏi thận, thậm chí tử vong, nếu trẻ uống sữa bột nhiễm melamine để thay sữa mẹ với lượng lớn. Với những trẻ dùng ít và người lớn thì sữa nhiễm melamin hầu như không gây ảnh hưởng gì về sữa khỏe. Tuy nhiên, ông Olivé cũng không nói rõ với hàm lượng và thời gian dùng bao lâu sẽ gây hại cho người dùng.
"Điều đáng nói ở đây là sạn thận hiếm khi có ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh. Và việc này sẽ không xảy ra nếu trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu", ông Jean Marc Olivé nói.
Trước những lo ngại về việc hiện nay Việt Nam không xét nghiệm các sản phẩm sữa ngay khi nhập khẩu, mà chỉ kiểm tra trên hồ sơ, tiến sĩ Olivé nhấn mạnh việc xét nghiệm để tìm melamine hay các hóa chất độc hại trong sữa trước khi cho nhập vào là "rất tốn kém, mất nhiều thời gian và không thể thực hiện được".
"Bởi vì chất này không hề nằm trong thành phần của sữa, vì thế, không ai lại đi kiểm tra tìm kiếm nó nếu như không có người bị nhiễm độc. Hơn nữa, ngoài melamine còn rất nhiều chất độc hại khác, người ta không thể xét nghiệm hết khi không biết có chất nào để mà tìm. Ngoài ra, nếu các sản phẩm này được nhập lậu thì lại càng không thể biết mà kiểm tra", ông nói.
Để bảo vệ người tiêu dùng, đại diện của WHO cho rằng quan trọng nhất là sự chia sẻ thông tin giữa các nước trên thế giới cũng như giữa các nhà sản xuất và người dân. Cũng theo ông, hiện nay Việt Nam vẫn không biết có bao nhiêu sữa được nhập và bao nhiêu sữa nhiễm melamine.
Bà Marjatta cũng cho biết, triệu chứng ở trẻ bị sỏi thận là: trẻ hay khóc, nhất là khi đi tiểu, một số cháu còn nôn, thậm chí tiểu ra máu. Trẻ đi tiểu ít hoặc không đi tiểu. Ngoài ra, trẻ có thể tỏ ra đau vùng thận, nhất là khi bị sờ, nắn vào. Có khi trẻ còn có biểu hiện tăng huyết áp hay đi tiểu ra cả viên sạn.
Siêu thị dừng bán hàng loạt bánh kẹo Trung Quốc
Sáng 26/9, tại siêu thị Citimart Chu Văn An, quận Bình Thạnh, TP HCM, bánh, kẹo chocolate dạng thanh, viên, được các nhân viên lấy xuống chất đầy 3 xe đẩy. Hàng trăm gói Chocolate Milk M&M loại 200gr, M&M nâu 100gr, M&M Peanut, Chocolate KitKat Nestle, Nestle Crunch, Nestle Fruit & Nut, Milo Nestle Nugghets, Choco Dove Milk, Delfi được đóng gói trả về cho các nhà cung cấp.
Hiện Maximark, Coopmart, Metro, Big C cũng không còn bày bán những mặt hàng này.
Tại Hà Nội, siêu thị Intimex cũng đã dỡ khỏi kệ hàng một số sản phẩm. Còn ông Nguyễn Thế Dũng, Phó tổng giám đốc siêu thị Big C, cho biết hôm qua siêu thị này đã rút một số mặt hàng như Chocolate M&M, Snickers và chocolate Dove.
![]() |
Bánh, kẹo chocolate bị rút xuống khỏi quầy trưng bày. Ảnh: Tần Vy |
Động thái trên của các siêu thị xuất phát từ việc, mấy ngày gần đây, trên một số diễn đàn mạng Internet xuất hiện một danh mục khoảng 28 nhãn sản phẩm, xuất xứ từ Trung Quốc có nghi nhiễm melamine. Danh mục do tổ chức Nông lương và Thú Y Singapore (AVA) công bố và khuyến cáo người dân nước này không nên dùng. Những mặt hàng mà các siêu thị đã rút xuống có tên trong danh mục này và đều được sản xuất từ Trung Quốc.
"Sau khi biết được khuyến cáo của AVA chúng tôi đã thông báo xuống tất cả các cửa hàng trong siêu thị. Đến hôm nay, những nhãn hàng có trong khuyến cáo đều không còn trên kệ nữa", ông Nguyễn Thế Dũng cho biết.
Ông Ngô Văn Hải, cán bộ phụ trách hệ thống siêu thị Citimart TP HCM thì giải thích rằng: "Tuy chưa có kết luận cụ thể từ trong nước, nhưng để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, siêu thị đã cho rút tất cả các sản phẩm. Đồng thời yêu cầu nhà cung cấp nhanh chóng có câu trả lời cụ thể về chất lượng".
Phản ứng trước thông tin trên, ông Nguyễn Công Khẩn, đại diện Bộ Y tế cho biết: "Bộ Y tế đang nhận biết vấn đề này và tăng cường mở rộng theo dõi để có hướng xử lý kịp thời".
Theo ông, tới đây các mặt hàng này cũng sẽ được kiểm nghiệm melamine, tuy chưa thông báo thời gian cụ thể. Bộ sẽ tiến hành kiểm tra dựa trên những thông tin chính xác, theo hướng không gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng.
"Trong thời gian trước mắt các cơ quan chức năng sẽ tập trung vào việc kiểm tra những sản phẩm được sử dụng nhiều như sữa bột, kem, sữa chua", ông Khẩn nói.
Cũng theo ông, các siêu thị nên chủ động trình báo với các cơ quan y tế nếu có những nghi ngờ, thay vì động thái tự rút hàng, gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Đứng trước nguy cơ bị "tẩy chay" và ngay sau khi có thông báo của Bộ Y tế về việc các sản phẩm sữa tại Việt Nam phải có giấy xét nghiệm melamin, nhiều doanh nghiệp, nhà cung cấp đã tự lấy mẫu của mình mang đến cơ quan kiểm nghiệm để xét nghiệm.
Ông Nguyễn Huy Quang, Phó vụ trưởng vụ Pháp chế cho biết, hiện Việt Nam chỉ có 4 đơn vị có thể thực hiện việc kiểm nghiệm chất melamine, một ở Hà Nội là Viện Dinh Dưỡng và 3 đơn vị ở TP HCM là Viện Vệ sinh y tế công cộng, Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm và Trung tâm Đào tạo và phát triển sắc ký.
Riêng tại Viện Dinh Dưỡng hôm qua đã nhận được khoảng 70 mẫu của 5-6 công ty, trong khi mỗi ngày viện này chỉ xử lý được khoảng 15 mẫu.
Cho đến chiều nay, Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP HCM vẫn còn đến gần 100 mẫu chưa xét nghiệm. Tại Trung tâm đào tạo và phát triển sắc ký thành phố, 20 mẫu vẫn phải nằm chờ.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM, cho biết, tình hình của Viện cũng xảy ra tình trạng "ùn tắc xét nghiệm". “Từ khi có sự kiện melamine, Viện đã có đến vài trăm mẫu sản phẩm do doanh nghiệp gửi đến, đó là chưa kể hàng trăm mẫu khác từ Sở Y tế TP HCM chuyển sang”, ông Mai nói.
Theo ông Mai, ngoài số lượng mẫu mang đến quá nhiều, thì quá trình xét nghiệm melamine trên sữa vốn phức tạp cũng là nguyên nhân khiến các trung tâm không thể đẩy nhanh tiến độ. “Mỗi sản phẩm từ khi đưa vào phân tích đến khi có kết quả có khi phải mất đến 3 ngày”, ông Mai cho hay.
Theo quy định của Bộ Y tế, các doanh nghiệp sau khi tự lấy mẫu, mang đến cơ quan kiểm nghiệm rồi công bố kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời gửi một bản kết quả đến cho cơ quan y tế địa phương và Trung ương. Riêng Sở Y tế TP HCM còn yêu cầu đến hết ngày 30/9, nếu các doanh nghiệp không công bố được kết quả xét nghiệm melamine sẽ không được đưa sản phẩm ra thị trường.
Chiều 26/9, Sở GD&ĐT Hà Nội có công văn gửi phòng giáo dục các quận, huyện, thành phố, trường học trên địa bàn, yêu cầu kiểm soát các nguồn cung cấp sữa không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vào các trường học. Theo đó, các trường cần chỉ đạo bếp ăn của học sinh bán trú, bếp ăn giáo viên, căng tin... kiểm soát chặt nguồn cung cấp và nơi chế biến lương thực, thực phẩm, tuyệt đối không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Riêng đối với các sản phẩm sữa, lãnh đạo Sở Giáo dục yêu cầu không dùng sữa không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm duyệt của cơ quan chức năng. Đặc biệt, không nên dùng sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa của Trung Quốc có trên thị trường Việt Nam. |