Thứ tư 23/04/2025 - 23:02
Thủy sản
Tàu cá thiếu lao động trầm trọng: [Bài 3] Cần hiện đại hóa nghề cá
Thứ Tư 23/04/2025 - 14:11
Hiện đại hóa nghề cá là giải pháp giảm thiểu lao động để giải quyết vấn nạn thiếu lao động nghề biển nhưng đòi hỏi thuyền viên phải qua đào tạo.
- Tàu cá thiếu lao động trầm trọng: [Bài 1] Nghề nguy hiểm, thu nhập thấp
- Tàu cá thiếu lao động trầm trọng: [Bài 2] Nông dân làm ngư phủ
Ngư dân phải được đào tạo
Lão ngư Bùi Thanh Ninh, ở phường Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) từng sở hữu 16 chiếc tàu cá hành nghề lưới vây với tổng công suất gần 8.000 CV, thường xuyên thu hút hơn 180 lao động, là người đầu tiên có cách ứng phó với tình trạng thiếu lao động nghề biển rất hiệu quả.
Khi nhận ra tình trạng lao động đi biển ngày càng khan hiếm, ông Ninh đã tính toán, cơ cấu lại phương án sản xuất. Ông bán những con tàu nhỏ để dồn tiền đóng tàu to hơn, trang bị hiện đại hơn nhằm giảm dần sức lao động của ngư dân.
Hiện, từ 16 chiếc ông Ninh “tinh giản” chỉ còn 5 tàu cá và tạo sự gắn kết giữa chủ tàu người lao động. Ông Ninh cho thuyền trưởng góp cổ phần để “gắn” trách nhiệm vào con tàu mình đang điều khiển; lập quỹ hỗ trợ những lao động nghề biển có hoàn cảnh khó khăn, sẵn sàng ứng tiền cho thuyền viên khi nhà có việc cần.
"Để giải vấn nạn thiếu lao động nghề biển không gì khác hơn là phải giảm bớt số lượng tàu cá và cần hiện đại hóa nghề cá để giảm lực lượng lao động thực tế", lão ngư Bùi Thanh Ninh chia sẻ.
Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, đồng quan điểm với lão ngư Bùi Thanh Ninh là hiện đại hóa nghề cá sẽ giảm được lao được lao động nghề biển. Thế nhưng theo ông Vinh, hiện đại hóa nghề cá đòi hỏi chất lượng của thuyền viên phải được nâng cao.
"Khi trang thiết bị trên tàu cá được hiện đại hóa thì đòi hỏi tay nghề của thuyền viên phải được nâng cao để vận hành, chứ thuyền viên tay ngang không thể dùng kinh nghiệm đi nghề vận hành các trang thiết bị hiện đại”, ông Vinh nói.

Hiện đại hóa nghề cá là giải pháp giảm thiểu lao động để giải quyết vấn nạn thiếu lao động nghề biển. Ảnh: V.Đ.T.
Cũng theo ông Vinh, trước nay, ngành chức năng có mở những lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho những người đã hoạt nghề biển bằng kinh nghiệm, chứ chưa mở trường đào tạo chuyên nghiệp; chỉ đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên chuyên nghiệp cho những doanh nghiệp đánh cá. Còn nghề cá nhân dân thì không cần thuyền viên phải có bằng cấp, chỉ cần lao động xuống tàu biết kéo lưới là được.
"Nghề cá các nước đòi hỏi thuyền viên khi xuống tàu hoạt động phải có trình độ tay nghề bậc trung cấp hoặc cao đẳng. Thuyền viên Việt Nam qua Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực nghề cá cũng phải được đào tạo bài bản. Đầu tiên, thuyền viên được đào tạo về nghiệp vụ, ví như hành nghề câu cá ngừ đại dương thì thuyền viên được đào tạo vận hành máy câu như thế nào, sử dụng các trang thiết bị và được đào tạo về an toàn lao động. Ngoài ra, thuyền viên còn được trang bị kỹ thuật điều khiển tàu và trang thiết bị hàng hải, để trường hợp thuyền trưởng bị đau ốm thì thuyền viên có thể vận hành thay”, ông Vinh chia sẻ.
Năm 2014, khi Nhật Bản hỗ trợ cho ngư dân Bình Định thiết bị câu cá ngừ đại dương, ngư dân trên các tàu cá được hỗ trợ thiết bị này cũng phải đi học vận hành thiết bị rồi mới đi đánh bắt. Thiết bị câu cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản có 2 bộ phận chính là máy thu câu và máy tạo xung (xung điện). Dây câu được đưa qua máy thu câu để câu cá. Khi cá mắc câu, hệ thống sẽ tự xả dây khi lực cá lớn và tự thu dây khi lực cá yếu. Khi thu cá về gần mạn tàu, ngư dân sẽ dùng máy tạo xung để làm cá bị tê liệt nhanh chóng trước khi đưa lên tàu và sơ chế, ướp lạnh.
Ông Vinh minh họa: Sau khi cắn câu, trong quá trình ngư dân kéo cá lên boong tàu, con cá ngừ đại dương thường quẫy đạp dữ dội do cá mất ô xy. Để giữ chất lượng cá ngừ, trước khi kéo cá lên boong tàu, lúc con cá còn cách mặt nước từ 10-30m, ngư dân sẽ thả vòng tạo xung điện theo dây câu xuống chụp lên đầu cá. Sau đó, ngư dân chịu trách nhiệm vận hành thiết bị bấm khởi động máy tạo xung điện, điện sẽ làm cho con cá bị ngất, nên khi kéo cá lên boong tàu nó không thể cựa quậy bởi đã chết lâm sàng.
"Khi nghề câu cá ngừ đại dương được trang bị máy móc đồng bộ thì buộc thuyền viên phải qua đào tạo. Đơn giản như mỗi việc xả tiết cá thuyền viên cũng phải học để biết chỗ chọc tiết, chứ đâu phải chỗ nào cũng chọc tiết cá được", ông Trần Văn Vinh cho biết.

Khi trang thiết bị trên tàu cá được hiện đại hóa thì đòi hỏi tay nghề của thuyền viên phải được nâng cao để vận hành. Ảnh: V.Đ.T.
Tạo mối ràng buộc giữa tàu cá và thuyền viên
Cũng theo ông Vinh, trước nay, nghề cá ở Bình Định chưa có chuyện chủ tàu cá ký hợp đồng lao động với thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên, chủ yếu giữa các bên chỉ “hợp đồng miệng”. Mà chính vì chỉ “hợp đồng miệng”, không có ràng buộc gì nên mới xảy ra chuyện thuyền viên “vô tư” bỏ chuyến biển cùng với số tiền đã ứng trước của chủ tàu.
“Ngành chức năng cũng đã khuyến cáo các chủ tàu cá cần ký hợp đồng lao động với thuyền viên để giữa chủ tàu và thuyền viên có mối ràng buộc về pháp lý. Một hợp tác xã dù có quy mô rất nhỏ mà cũng phải tuân thủ quy định có hợp đồng lao động giữa chủ thể và khách thể. Nghề đánh bắt hải sản có tài sản lớn, giá trị con tàu vỏ thép đến vài chục tỷ đồng hoạt động với hàng chục thuyền viên, cứ như một doanh nghiệp hoặc một cơ sở sản xuất hoạt động trên biển, nên cần phải chuẩn hóa mối quan hệ chủ sử dụng lao động với người lao động”, ông Vinh chia sẻ.
Thế nhưng nhiều chủ tàu cá cho rằng việc ký kết hợp đồng giữa chủ tàu và thuyền viên là “bất khả thi”. Bởi, lao động nghề biển đâu phải chuyên nghiệp như công nhân trong nhà máy, đâu dễ ràng buộc nhau. Thời tiết thì ngày càng bất thường, không biết mỗi năm ra biển được bao nhiêu chuyến; thêm vào đó, giá cá, giá xăng dầu càng ngày càng bất ổn, nếu ký hợp đồng lao động thì chủ tàu chịu áp lực trả lương cố định hàng tháng sẽ không kham nổi.

Chủ tàu cá cần ký hợp đồng lao động với thuyền viên để vừa ổn định được lực lượng lao động. Ảnh: V.Đ.T.
"Chủ tàu cá cần ký hợp đồng lao động với thuyền viên để vừa ổn định được lực lượng lao động, vừa tránh được nhiều rủi ro. Nếu chủ tàu cá cứ theo hình thức “mua bạn” như bây giờ sẽ rất dễ “dính” tình trạng gặp phải những đối tượng bất hảo trong xã hội đang bị truy nã, tìm đến với nghề biển để trốn tránh pháp luật. Bởi, làm việc trên biển cả tháng trời mới vào bờ thì khó sa lưới pháp luật, dẫn tới rắc rối về an ninh trật tự", ông Trần Văn Vinh khuyến cáo.
“Việc thực hiện hợp đồng lao động cả chủ tàu và người lao động đều có lợi. Chủ tàu thì ổn định lực lượng thuyền viên còn lao động thì được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội, khi ấy năng suất lao động sẽ được tăng lên vì người lao động tận tâm với công việc. Đây cũng là xu thế phát triển chung vì một nghề cá hiện đại, phát triển bền vững”, ông Trần Văn Vinh chia sẻ.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tau-ca-thieu-lao-dong-tram-trong-bai-3-can-hien-dai-hoa-nghe-ca-d746837.html