| Hotline: 0983.970.780

Thứ hai 05/05/2025 - 15:20

Tái cơ cấu Nông nghiệp

Sống chung với khô hạn: [Bài cuối] Liên thông hồ chứa, chuyển nước các lưu vực

Thứ Hai 05/05/2025 - 15:15

Dù nguy cơ thiếu nước sản xuất luôn thường trực, song với kế hoạch tưới chi tiết từng mùa vụ cũng như điều tiết khoa học, Ninh Thuận vẫn đảm bảo nước tưới.

Xây dựng kế hoạch từng vụ, từng vùng 

Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Ninh Thuận cho biết, để ứng phó hạn hán, thiếu nước, căn cứ vào tình hình nguồn nước tại các hồ thủy lợi, thủy điện, từng vụ sản xuất, ngành nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng hàng năm cho phù hợp với tình hình thực tế, nhờ vậy đã giảm thiểu được thiệt hại khi bị thiếu nước sản xuất.

Ví như năm 2024, dù lượng mưa thấp nhưng toàn ngành nông nghiệp vẫn đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho 83.000 ha cây trồng và cung cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi cũng như phát triển các ngành kinh tế khác.

Hồ Sông Cái có dung tích 219 triệu m3 nước, là công trình thủy lợi đa mục tiêu giúp giải hạn cho các địa phương phía bắc tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Phương Chi.

Hồ Sông Cái có dung tích 219 triệu m3 nước, là công trình thủy lợi đa mục tiêu giúp giải hạn cho các địa phương phía bắc tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Phương Chi.

Theo ông Trần Công Xưng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận (Công ty Thủy nông Ninh Thuận), hiện nay, công ty đang quản lý, vận hành và khai thác 22 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế là 417,7 triệu m3 cùng 5 đập dâng trên sông, 32 trạm bơm điện, 985km kênh mương và 153km đường ống dẫn nước. Ngoài ra hồ thủy điện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng phát điện qua Nhà máy thủy điện Đa Nhim và cung cấp nước tưới cho tỉnh Ninh Thuận 165 triệu m3.

Những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2023 và 2024, lượng mưa trên địa bàn Ninh Thuận thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Nhiều hồ không tích đủ nước theo thiết kế. Trong đó, có cả các hồ chứa nước có dung tích lớn như hồ Lanh Ra, Sông Trâu, Sông Biêu, Sông Sắt… Dự báo trong năm 2025 lượng mưa tiếp tục thấp nên tình hình nước tưới cho sản xuất cũng rất căng thẳng.

Ninh Thuận triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết bài toán thiếu nước sản xuất vào mùa khô. Ảnh: Phương Chi.

Ninh Thuận triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết bài toán thiếu nước sản xuất vào mùa khô. Ảnh: Phương Chi.

Những năm qua Công ty Thủy nông Ninh Thuận tập trung nạo vét, phát dọn và tu sửa kịp thời các tuyến kênh cấp nước, kênh dẫn, bể hút các trạm bơm, khơi thông dòng chảy đảm bảo điều tiết nước nhanh và kịp thời cho sản xuất, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu của cây trồng.

Chủ động tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường làm việc với Công ty Cổ phần Thuỷ điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi thống nhất kế hoạch cấp nước cho vùng hạ du trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đảm bảo hiệu quả, phù hợp theo từng thời điểm. Đồng thời, phối hợp với Công ty Cổ phần Thủy điện Mỹ Sơn điều tiết nguồn nước trên sông Cái hợp lý, đảm bảo hoạt động của Nhà máy thủy điện Mỹ Sơn không ảnh hưởng đến việc điều tiết bổ sung nguồn nước cho hệ thống Nha Trinh - Lâm Cấm của hồ chứa Sông Cái và các nhu cầu dùng nước khác ở hạ du nhà máy thủy điện Mỹ Sơn.

“Công ty Thủy nông Ninh Thuận luôn phối hợp chặt chẽ với địa phương, tổ hợp tác dùng nước (PIM) xây dựng kế hoạch điều tiết nước thật chi tiết, cụ thể cho từng tuyến kênh, từng xứ đồng để đảm bảo cấp nước tiết kiệm, hiệu quả. Kiên quyết không điều tiết nước đối với diện tích gieo trồng ngoài kế hoạch và các vùng không chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo kế hoạch”, ông Trần Công Xưng chia sẻ.

Ngoài ra, công ty ưu tiên đầu tư trang thiết bị, khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi. Tập trung đầu tư lắp đặt hệ thống scada tại các công trình thủy lợi, chuẩn hóa bộ cơ sở dữ liệu các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, xây dựng hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu một cách đồng bộ và hiệu quả.

Liên thông hồ chứa, giải pháp căn cơ vùng khô hạn

Theo ông Xưng, đối với Ninh Thuận, lượng mưa hàng năm thấp, chỉ tập trung 3 tháng cuối năm và công trình thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu tưới. Với những vùng có hồ chứa nước nhỏ, thường xuyên bị thiếu nước thì liên thông hồ chứa để chuyển nước là giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng thiếu nước tưới.

Liên thông hồ chứa để chuyển nước là giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô ở Ninh Thuận. Ảnh: Phương Chi.

Liên thông hồ chứa để chuyển nước là giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô ở Ninh Thuận. Ảnh: Phương Chi.

Trước đây, khi chưa có dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, khu vực phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận chỉ dựa vào nguồn nước từ một số hồ nhỏ, do vậy thường xuyên thiếu nước và khô hạn, nhiều vùng bị hạn triền miên từ năm này sang năm khác.

Để giải bài toán khô hạn cho Ninh Thuận, Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã đầu tư dự án thủy lợi Tân Mỹ. Trong đó, công trình đầu mối hồ Sông Cái có dung tích 219,8 triệu m3, đây là công trình có dung tích lớn hơn tổng dung tích của 21 hồ chứa nước hiện có trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Dự án thủy lợi Tân Mỹ là công trình thủy lợi đầu tiên cả nước được đầu tư xây dựng theo mô hình hiện đại, điều tiết nước tưới bằng đường ống áp lực thông qua hệ thống đường ống kín, điều khiển bằng công nghệ scada.

Điều đặc biệt của dự án thuỷ lợi Tân Mỹ là sau khi hoàn chỉnh hệ thống kênh mương, ngoài tưới trực tiếp nước cho 7.480 ha cây trồng còn bổ sung, tiếp nước cho một loạt hồ chứa nhỏ ở khu vực phía Bắc tỉnh Ninh Thuận thông qua đường ống kênh thép đến các hồ Cho Mo, Bà Râu, Thành Sơn, Sông Trâu,  Ông Kinh và tiếp nước cho hệ thống thủy lợi Nha Trinh - Lâm Cấm (tưới đủ diện tích 12.800 ha).

Người dân huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) hưởng lợi lớn từ nguồn nước của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ  phục vụ sản xuất. Ảnh: PC.

Người dân huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) hưởng lợi lớn từ nguồn nước của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ  phục vụ sản xuất. Ảnh: PC.

Ông Trần Công Xưng cho biết, từ khi được tiếp nước từ hệ thống Tân Mỹ, những năm qua tình trạng khô hạn đã cơ bản được giải quyết ở những vùng hưởng lợi của các hồ chứa nhỏ thuộc lưu vực Tân Mỹ. Từ thực tế hiệu quả của hồ Sông Cái, rõ ràng để sống chung với khô hạn, đảm bảo nước tưới cho cây trồng thì định hướng phát triển thủy lợi gắn với việc chuyển nước là giải pháp hết sức quan trọng.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cấp một số đập, hồ chứa nước đã đưa vào sử dụng từ lâu, hiện trạng công trình đã xuống cấp. Đồng thời đầu tư các công trình liên thông chuyển nước để đưa nước từ các hệ thống thủy lợi có nguồn nước dồi dào đến các khu vực thường xuyên thiếu nước, xảy ra tình trạng khô hạn", ông Trần Công Xưng, Chủ tịch Công ty Thủy nông Ninh Thuận chia sẻ.

Thời gian tới, một số dự án sẽ được Ninh Thuận đầu tư gồm: công trình chuyển nước từ kênh Nam hệ thống thủy lợi Nha Trinh về đập dâng Tuấn Tú nằm ở cuối sông Lu; chuyển nước từ hồ CK7 về kênh Cà Tiêu của hệ thống Tân Giang; kênh chuyển nước từ hồ Thành Sơn về kênh Bắc của hệ thống thủy lợi Nha Trinh...”.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/song-chung-voi-kho-han-bai-cuoi-lien-thong-ho-chua-chuyen-nuoc-cac-luu-vuc-d749744.html