| Hotline: 0983.970.780

Thứ bảy 17/05/2025 - 10:39

Thị trường

Sầu riêng Tam Á vào vụ rộ, sản lượng tăng

Thứ Bảy 17/05/2025 - 10:36

Sản lượng sầu riêng tại đảo Hải Nam tăng nhanh sau 3 năm thử nghiệm, mở ra kỳ vọng thay thế dần trái nhập khẩu giữa lúc nhu cầu nội địa ngày một lớn.

Vườn chín rộ, mùa thu hoạch cận kề

Từ giữa tuần này, tại nông trại số 1 của Công ty Hainan Youqi (Hải Nam Ưu Kỳ), khu sinh thái Dục Tài, TP Tam Á, hàng nghìn trái sầu riêng đã bắt đầu treo lủng lẳng trên cành. Những quả lớn bằng quả bóng chuyền, tròn đều, xen lẫn trái cỡ nắm tay, lấp ló giữa tán lá xanh mướt, xào xạc trong làn gió đầu hạ, báo hiệu mùa thu hoạch chỉ còn cách vài tuần.

Một số cây sầu riêng cho ra quả tại nông trại số 1 của Công ty Ưu Kỳ. Ảnh: QQ.

Một số cây sầu riêng cho ra quả tại nông trại số 1 của Công ty Ưu Kỳ. Ảnh: QQ.

Trong vườn, công nhân tất bật tỉa lá, kiểm tra độ ẩm, điều chỉnh lượng nước và bón phân định kỳ. “Mong sao quả lớn nhanh, ngọt đậm, vụ mùa này sẽ thắng lớn”, một người chia sẻ trong lúc tỉa cành. Dự kiến từ cuối tháng 6, sầu riêng Tam Á sẽ bắt đầu được thu hoạch và bán ra thị trường, với tổng sản lượng gần 2.000 tấn, con số cao gấp nhiều lần so với vụ đầu tiên vào năm 2023.

Ông Lang Hải Ba, Phó Tổng Giám đốc Công ty Ưu Kỳ, trực thuộc Tập đoàn Nông nghiệp Hải Nam Hồng Tường (Hainan Zhongxiang) cho biết, hiện TP Tam Á có khoảng 930 ha trồng sầu riêng, trong đó hơn 330 ha đã ra quả. Đây là năm thứ 3 sầu riêng Tam Á bước vào giai đoạn khai thác, tuy nhiên vẫn được xem là giai đoạn đầu trong chu kỳ thương mại hóa.

Nhằm tận dụng tối đa điều kiện khí hậu, doanh nghiệp đã thử nghiệm trồng nghịch vụ với khoảng 200 cây và bước đầu ghi nhận chất lượng quả không thua kém mùa chính. “Đây là cơ sở quan trọng để điều chỉnh linh hoạt lịch canh tác trong tương lai”, ông Lang nói. Theo ông, Tam Á đang nổi lên như vùng trồng chiến lược không chỉ về quy mô mà còn ở khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và điều chỉnh chu kỳ sinh trưởng.

Ngoài Ưu Kỳ, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang đổ vốn vào sầu riêng. Tại khu sinh thái Dục Tài, Tập đoàn Vạn Bảo đã có hơn 13 ha trong tổng số 65 ha ra quả và dự kiến sẽ cung ứng ra thị trường vào tháng 8-9 tới. Chủ tịch tập đoàn, ông Trương Hướng Đông, nhận định sầu riêng sẽ trở thành mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp đặc sản của Hải Nam.

Đáng chú ý, để bảo vệ đầu tư giống cây lâu năm như sầu riêng, Công ty Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc đã ký hợp đồng bảo hiểm nguồn gen trị giá 200.000 tệ (tương đương khoảng 700 triệu đồng) cho Ưu Kỳ. Hợp đồng này không chỉ chi trả thiệt hại do thiên tai, sâu bệnh, động vật hoang dã mà còn bao gồm cả rủi ro do sơ suất trong canh tác. Có thể coi đây là một mô hình bảo hiểm nông nghiệp tiên phong, phản ánh cam kết hỗ trợ công nghệ cao vào phát triển cây ăn trái mới.

Theo trang QQ, diện tích trồng sầu riêng toàn đảo Hải Nam hiện đạt hơn 2.660 ha, tăng nhanh trong vài năm trở lại đây. Sự bứt tốc này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vẫn phụ thuộc lớn vào sầu riêng nhập khẩu, chủ yếu từ Thái Lan, Việt Nam, Malaysia hay Philippines. Tuy nhiên, sản lượng nhập khẩu vẫn chưa đủ đáp ứng thị trường trong nước, vốn được xem là lớn nhất thế giới với mức tiêu thụ không ngừng tăng.

Nhân viên kiểm tra chất lượng sầu riêng Tam Á. Ảnh: QQ.

Nhân viên kiểm tra chất lượng sầu riêng Tam Á. Ảnh: QQ.

Chuỗi giá trị dần thành hình

Theo SCMP, vụ sầu riêng đầu tiên tại Hải Nam vào năm 2023 chỉ đạt khoảng 2% sản lượng so với kỳ vọng của Viện Khoa học Nông nghiệp Hải Nam. Từ đó đến nay, các địa phương khác trong nước vẫn chưa tiếp xúc nhiều với sầu riêng nội địa, khiến Tam Á trở thành khu vực dẫn đầu về cả sản xuất lẫn tiếp thị.

Xuất phát từ nhu cầu nội địa quá lớn, nếu thành công, sầu riêng Tam Á không chỉ là sản phẩm vùng miền mà còn mang vai trò điều tiết cung - cầu cho toàn thị trường Trung Quốc, từng bước giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.

Về điều kiện sinh thái, Tam Á sở hữu nền nhiệt trung bình năm 25,4 độ C, lượng mưa 1.279 mm và hơn 2.560 giờ nắng, gần tương đồng với các vùng trồng sầu riêng nổi tiếng ở Đông Nam Á. Các chuyên gia nhận định khí hậu, thổ nhưỡng và độ ẩm ở đây đều phù hợp để phát triển cây “vua của các loại trái cây” theo hướng chuyên canh quy mô lớn.

Đáng chú ý, phát triển ngành sầu riêng không chỉ dừng ở khâu sản xuất. Một chuỗi giá trị khép kín đang hình thành, từ trồng trọt, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ và trải nghiệm du lịch nông nghiệp. Trang trại số 1 của Ưu Kỳ là một trong 73 mô hình tiêu biểu cấp tỉnh được Sở Nông nghiệp Hải Nam lựa chọn, đã thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan trong kỳ nghỉ lễ 1/5 vừa qua.

“Chúng tôi kỳ vọng được hướng dẫn kỹ thuật để trồng sầu riêng ngay tại sân nhà”, ông Hồ Kiến Trung, một nông dân làng Thanh Pháp chia sẻ. Sự tham gia của người dân địa phương là một chỉ dấu cho thấy sầu riêng không còn là cây trồng thử nghiệm mà đang từng bước trở thành ngành kinh tế nông thôn mới.

Với hương thơm đậm, thịt quả mềm dẻo, sắc vàng tươi và khả năng giữ chất lượng sau thu hoạch, sầu riêng Tam Á đang chứng minh sức cạnh tranh không kém hàng nhập khẩu. Nếu giữ được đà phát triển này, chỉ trong vài năm tới, SCMP dự báo người tiêu dùng Trung Quốc có thể tự hào lựa chọn trái sầu riêng nội địa như một sản phẩm chiến lược.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/sau-rieng-tam-a-vao-vu-ro-san-luong-tang-d753625.html