| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 29/05/2025 - 03:49

Lâm nghiệp

'Rừng xanh lên 2025': Chung tay hồi sinh rừng Tây Bắc

Thứ Hai 26/05/2025 - 10:29

Sơn La là một trong những địa phương tiên phong lan tỏa cách làm xã hội hóa phục hồi rừng từ cộng đồng, tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động.

Ngày 25/5, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Hạt Kiểm lâm Vân Hồ, Trung tâm Nghiên cứu Sáng kiến Phát triển cộng đồng (RIC) và chính quyền địa phương đã phát động trồng hơn 18.000 cây bản địa tại hai xã Song Khủa và Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch “Rừng xanh lên 2025”, nhằm hưởng ứng Ngày Đa dạng sinh học 22/5, Ngày Môi trường Thế giới 5/6, góp phần lan tỏa tinh thần sống hài hòa với thiên nhiên và hành động thiết thực vì môi trường.

Đại diện các tổ chức, doanh nghiệp đồng hành cùng chiến dịch 'Rừng xanh lên 2025' tại Vân Hồ, Sơn La. Ảnh: PanNature.

Đại diện các tổ chức, doanh nghiệp đồng hành cùng chiến dịch “Rừng xanh lên 2025” tại Vân Hồ, Sơn La. Ảnh: PanNature.

Khởi xướng từ năm 2022, “Rừng xanh lên” là chương trình phục hồi rừng mang tính xã hội hóa cao, với mục tiêu tái thiết 500 ha rừng tự nhiên tại khu vực Tây Bắc trong giai đoạn đến năm 2032.

Sau hai năm triển khai, “Rừng xanh lên” không chỉ là một chương trình trồng cây, mà còn là minh chứng cho một mô hình hợp tác đa bên hiệu quả - giữa tổ chức xã hội, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng. Sơn La là một trong những địa phương tiên phong hiện thực hóa mô hình này, góp phần lan tỏa cách làm phục hồi rừng từ cộng đồng, gắn kết con người với thiên nhiên.

Mỗi mầm xanh, một cam kết dài lâu

Chiến dịch năm nay tại Vân Hồ có sự tham gia của hơn 200 đại biểu là đại diện các sở, ngành, lực lượng kiểm lâm, đoàn thể và người dân trên địa bàn. Đáng chú ý, chương trình nhận được sự đồng hành và hỗ trợ tích cực từ nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong nước như: Nhãn hàng Avisure (Dược phẩm Bảo Minh), Công ty FTech, Tập đoàn TH True Milk, Công ty Cổ phần Bản địa hóa GTE, Tupperware, Termo, Chapter Dining, và nhóm Yêu môi trường.

Hơn 200 đại biểu, tình nguyện viên, người dân địa phương tham gia trồng cây bản địa góp phần phục hồi rừng. Ảnh: PanNature.

Hơn 200 đại biểu, tình nguyện viên, người dân địa phương tham gia trồng cây bản địa góp phần phục hồi rừng. Ảnh: PanNature.

Theo Ban tổ chức, các loài cây được trồng đợt này gồm chò chỉ, gù hương, dổi, quế, trám… là những loài bản địa quý, có giá trị sinh thái cao và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù của khu vực Tây Bắc. Đây không chỉ là giải pháp tái tạo rừng hiệu quả mà còn góp phần phục hồi độ phì đất, giữ nước và tạo sinh cảnh tự nhiên cho đa dạng sinh học phát triển; đồng thời hỗ trợ phát triển sinh kế gắn với lâm nghiệp bền vững.

Ông Trần Xuân Việt, Phó Trưởng ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (VUSTA) nhấn mạnh: Việc phục hồi rừng hôm nay không chỉ là trồng thêm cây xanh, mà là hành động mang tính dài hạn, là sự nối dài của trách nhiệm giữa các thế hệ. Chúng ta đang làm một điều cần thiết: chữa lành những tổn thương của thiên nhiên, để thiên nhiên tiếp tục bảo vệ con người.

Người dân địa phương cùng các lực lượng tham gia trồng cây phục hồi rừng. Ảnh: PanNature.

Người dân địa phương cùng các lực lượng tham gia trồng cây phục hồi rừng. Ảnh: PanNature.

Nụ cười tươi giữa rừng xanh, mang theo hy vọng về những cánh rừng được hồi sinh. Ảnh: PanNature.

Nụ cười tươi giữa rừng xanh, mang theo hy vọng về những cánh rừng được hồi sinh. Ảnh: PanNature.

Khu vực Tây Bắc, nơi từng được mệnh danh là “mái nhà xanh” của cả vùng, hiện đang đối mặt với suy thoái rừng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh sinh thái, nguồn nước và sinh kế của hàng triệu người dân. Trong bối cảnh đó, việc trồng cây không đơn thuần là hoạt động môi trường, mà còn là nỗ lực gìn giữ văn hóa bản địa, sinh kế và tương lai của các cộng đồng vùng cao.

Mỗi cây được trồng hôm nay là một mầm xanh của hy vọng. Chiến dịch tại Sơn La là bước tiếp nối cụ thể trên hành trình phục hồi những cánh rừng tự nhiên đang bị suy giảm nhanh chóng, đặc biệt tại khu vực rừng giáp ranh giữa huyện Mai Châu (Hòa Bình) và huyện Vân Hồ (Sơn La), một trong những điểm nóng về mất rừng tại Việt Nam.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/rung-xanh-len-2025-chung-tay-hoi-sinh-rung-tay-bac-d754960.html